17/09/2013 06:29 GMT+7

Cổng trường đại học vẫn còn xa

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Dù đã được tiếp sức nhưng vẫn chưa thể đến trường được vì có hai anh trai đang học đại học. Đó là cảnh ngộ éo le của Nguyễn Duy Hiền, ở làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế.

2U24w0pv.jpgPhóng to
Nguyễn Duy Hiền và mẹ thẫn thờ khi con đường đến trường đã đi vào ngõ cụt - Ảnh: Tiến Long

Hiền là một trong những tân sinh viên có hoàn cảnh ngặt nghèo nhất trong hồ sơ học bổng “Tiếp sức đến trường” ở Thừa Thiên-Huế năm nay. Nhà quá nghèo, ba đi làm thuê tận Lâm Đồng, mẹ già yếu bệnh tật, trong khi đó anh đầu của Hiền đang học Đại học Y dược Huế năm thứ năm và anh kế đang vào năm thứ tư Đại học Nông lâm Huế.

Bây giờ gia đình lại nhận thêm giấy báo vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng của Hiền. Người làng nói nghèo như vậy mà một lúc ba đứa con vô đại học thì bán nhà mới lo nổi. Nhưng ba mẹ Hiền lại không có nhà để bán, vì họ chỉ có một căn phòng cơi nới bên cạnh nhà thờ của dòng họ.

PGS.TS Lê Kim Hùng, hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, cho biết phương châm của nhà trường là “không để em nào vì thiếu tiền mà bỏ học”. Tùy hoàn cảnh cụ thể của từng sinh viên, trường sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp. Nếu em Hiền có nguyện vọng tiếp tục đi học, trường sẽ tạo điều kiện cho em kịp nhập học.

Sau khi trao xong suất học bổng “Tiếp sức đến trường” cho Hiền, chúng tôi nhẹ nhõm vì nghĩ rằng cậu bé đã có thể lên đường vô Đà Nẵng nhập trường. Nhưng hai tuần sau, tin từ làng Thế Chí Tây báo lên: “Em Hiền vẫn chưa vô Đà Nẵng được”. Chúng tôi liền về ngay để tìm hiểu sự tình.

Vừa thấy bóng chúng tôi ngoài cổng, bà Hoàng Thị Quy (58 tuổi), mẹ Hiền, đang làm cỏ trong vườn, liền giật thót người.

Mặt bà tái mét, miệng run run hỏi dồn dập chúng tôi: “Mấy anh ở ngân hàng răng lại xuống nữa rứa? Mấy bữa trước tui nói cho tui khất, chờ mấy đứa hắn học xong đi làm góp rồi tui sẽ trả hết cho mấy anh”.

Nói xong, bà đưa tay lên chùi dòng nước mắt trên khuôn mặt đen đúa, khắc khổ. Lát sau khi biết rõ chúng tôi, bà mới thở dài định thần lại, đôi mắt gượng cười.

Bà Quy kể Hiền đã quyết định lấy số tiền học bổng “Tiếp sức đến trường” (5 triệu đồng), cộng với số tiền 2 triệu đồng bà vay mượn, để cho hai anh vô Huế tiếp tục năm học mới ở trường y và trường nông lâm.

Còn bản thân, Hiền bàn với mẹ và hai anh là sẽ ở nhà, đợi đến năm sau khi anh kế tốt nghiệp trường nông lâm thì em mới thi lại đại học.

Quyết định như thế nhưng Hiền vẫn thẫn thờ như người mất hồn. Gặp Hiền, ai cũng hỏi “Đậu bách khoa mà răng không đi học?”.

Hiền chỉ biết ngân ngấn nước mắt và lặng thinh vì không thể trả lời được. Bà Quy nói nhìn con im lặng mà ruột gan bà đứt từng khúc vì ngoài chiếc giường cũ kỹ, nhà không còn thứ gì đáng giá để bán.

Cuốn sổ đỏ đất của từ đường dòng tộc, ông Vinh (bố Hiền) cũng đã đem cầm ngân hàng từ khi hai đứa con đầu vô đại học. Mấy hôm trước, người của ngân hàng đã đến thông báo sẽ kê biên đất nếu không trả nợ. Vì vậy, hễ thấy ai đến nhà là bà Quy sợ phát khiếp.

Bà Quy ám ảnh mãi chuyện con bỏ học vì trước đó Nguyễn Duy Đoàn, con thứ hai của bà, phải “đứt gánh” khi đang học năm ba Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Đoàn rời giảng đường trong sự tiếc nuối của thầy cô, bạn bè.

Sau đó, Đoàn tiếp tục đi làm kiếm tiền rồi thi vào Trường đại học Nông lâm Huế. Cùng với anh đầu học y dược, cả hai vừa đi làm vừa đi học. Hiện tại miếng ăn cả nhà chỉ trông chờ vào 4 sào lúa, nhưng năm năm nay mất mùa thường xuyên nên cả nhà gần như trắng tay. Hằng ngày bà Quy phải lượm lặt từng đồng ve chai.

Ông Vinh, năm nay gần 70 tuổi, đã vào Lâm Đồng làm thuê. Hằng tháng ông chắt chiu gửi về cho vợ con dăm bảy trăm ngàn. Chị gái Hiền đi giúp việc cho một gia đình trong TP.HCM gửi về thêm cho mẹ 1 triệu đồng mỗi tháng, nuôi hai em đại học.

Gặp chúng tôi, Hiền run run xin lỗi vì đã nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” rồi nhưng vẫn chưa đi học. “Em phải nhường suất học bổng đó cho hai anh đi học. Em ở nhà phụ mẹ làm ruộng, năm sau em sẽ tiếp tục thi lại một trường đại học ở Huế cho gần nhà đỡ tốn kém, dù trường bách khoa là mơ ước của đời em”.

“Tiếp sức đến trường” 150 tân sinh viên Tây Bắc

Tối 18-9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La, chương trình “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ sẽ trao học bổng cho 150 tân sinh viên học giỏi vượt khó sáu tỉnh Tây Bắc gồm Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La (mỗi tỉnh 25 suất) với kinh phí 750 triệu đồng (5 triệu đồng/suất). Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với tỉnh đoàn, sở giáo dục & đào tạo sáu tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La tổ chức. Kinh phí trao học bổng do Quỹ khuyến học Vinacam tài trợ.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp