Tường tòa nhà bị nứt toác, còn nền bị sụt lún nặng nề - Ảnh: HỮU KHÁ |
Hiện công trình Trung tâm văn hóa thể thao xã Hòa Liên đang xuống cấp nghiêm trọng, quá nặng nề buộc UBND xã Hòa Liên phải cấm dân vào bên trong tòa nhà để đảm bảo an toàn.
Điều trớ trêu công trình này được nghiệm thu và mới đưa vào sử dụng từ... tháng 4-2016.
Sụt lún, nứt tường 70%
Ngày 25-8, khi chúng tôi đến nơi, Trung tâm văn hóa thể thao xã Hòa Liên không một bóng người. Xung quanh tòa nhà được rào chắn lại để không cho người ra vào. Ở giữa tòa nhà có tấm bảng rất lớn cảnh báo “công trình đang xử lý nền móng, không phận sự, miễn vào”.
Càng đi sâu vào bên trong tòa nhà, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi một công trình chỉ mới đưa vào sử dụng nhưng tường xuất hiện hàng trăm đường nứt lớn, còn nền nhà bị lún sâu.
Ông Đ.Đ.T, một người dân xã Hòa Liên sống ở công trình buồn bã nói: “Tôi không hiểu họ làm ăn gian dối kiểu gì mà một công trình mới đưa vào sử dụng có mấy bữa đã hư hỏng nặng nề như vậy. Hồi trước khi xây công trình này, tôi có nghe UBND xã nói sẽ kết hợp cho dân sử dụng trú ẩn khi có bão lũ. Nhưng giờ nhìn thấy nhà cửa nứt toác như vậy ai cũng khiếp sợ, khi có bão ai mà dám vào trú. Do thấy tòa nhà sụt lún nên ở đây bà con cấm trẻ nhỏ vào trong vì sở nguy hiểm. Công trình này có khi mùa lũ tới sẽ lún thêm rồi sập như chơi”.
Người dân Hòa Liên nói họ không tin nổi công trình xây dựng bằng tiền thuế của dân có chất lượng kém như vậy - Ảnh: HỮU KHÁ |
Theo ông Huỳnh Tấn Bôn, phó chủ tịch UBND xã Hòa Liên công trình có qui mô đầu tư xây dựng trên diện tích hơn 1.200m2 gồm một khối nhà 1 tầng với các hạng mục hội trường đa năng, sân khấu, phòng sinh hoạt người cao tuổi, phòng quản lý…
Ngoài ra, phía trước khối nhà có một sân chơi cho trẻ em. Tổng mức đầu tư của dự án gần 4,8 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách.
Tại báo cáo gởi UBND huyện Hòa Vang, ông Bôn cho biết: “Công trình hoàn thành vào tháng 4-2016 và Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng bàn giao cho xã sử dụng. Khi đưa vào sử dụng thì nhà trung tâm sụt lún nền, nứt tường, các cửa gỗ đều không đóng khóa được.
UBND xã báo cáo bằng điện thoại cho Sở Văn hóa - thể thao TP và đơn vị thi công lên khắc phục sửa chữa 2 lần nhưng hiện tượng sụt lún, nứt tường vẫn xảy ra đến trên 70% và càng nghiêm trọng hơn khi các trụ bê tông đều sụt lún gây nứt máng xối, mái bằng cả hiên sau và trước công trình”.
Chưa biết nguyên nhân?
Trước tình hình khẩn cấp, mới đây, ông Bùi Nam Dũng, phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang báo cáo vụ việc với UBND TP Đà Nẵng. Ông Dũng cho biết, sau khi có thông tin công trình trung tâm văn hóa thể thao xã Hòa Liên vừa hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng có hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng và báo cáo của UBND xã Hòa Liên, UBND huyện Hòa Vang đã kiểm tra thực tế và nhận thấy phản ảnh của địa phương và người dân là đúng.
Theo ông Dũng, công trình trung tâm văn hóa thể thao xã Hòa Liên vừa mới nghiệm thu và bàn giao sử dụng chưa đầy 4 tháng bị sụt móng, nứt tường và sê nô (máng xối), không thể sử dụng được. Hiện nay, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo UBND xã Hòa Liên cho dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân.
Công trình được rào chắn lại ngăn người vào - Ảnh: HỮU KHÁ |
Để xử lý công trình đang xuống cấp rất nặng, ông Nguyễn Hữu Chiến, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án) vừa có văn bản gởi UBND xã Hòa Liên đề nghị “có kế hoạch hạn chế sử dụng”.
Ông Chiến cho biết, qua thời gian khai thác sử dụng, công trình xuất hiện sự cố lún nứt, sở đã có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra báo cáo và tổ chức sửa chữa khắc phục.
Từ đó đến nay các đơn vị đã triển khai sửa chữa hai đợt. Tuy nhiên về nguyên nhân lún nứt, các đơn vị tham gia chưa thống nhất nguyên nhân để báo cáo cho Sở Văn hóa - thể thao theo yêu cầu.
Theo ông Chiến, hiện nay để xác định được nguyên nhân gây ra lún, nút công trình, Sở Văn hóa - thể thao TP đã làm việc với Trung tâm khoa học công nghệ và tư vấn Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng lập đề cương đánh giá lại toàn bộ hồ sơ thiết kế thi công công trình, triển khai quan trắc, khảo sát, thực hiện kiểm tra thí nghiệm tại hiện trường công trình để xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận