Phóng to |
Đường xuyên Á đoạn từ ngã tư An Sương đến nút giao thông Thủ Đức dài hơn 21km (cho sáu làn xe lưu thông) nay đã trở nên chật hẹp. Mật độ xe lưu thông trên tuyến đường này ngày càng tăng và đây còn là hành lang xe tải lưu thông 24/24 giờ từ các tỉnh miền Tây đi các tỉnh miền Đông.
“Điểm đen” ùn tắc giao thông
Lưu thông trên tuyến đường này chưa thông suốt vì có bốn nút giao thông đang thi công dở dang là Tân Thới Hiệp (Q.12), ngã tư Ga (Q.12), Gò Dưa (Q.Thủ Đức), Thủ Đức (Q.9 và Q.Thủ Đức).
Hiện xe lưu thông ở hai nút giao thông ngã tư Ga và Thủ Đức gặp trở ngại vì một số đoạn mặt đường chưa trải bêtông nhựa, nhiều nơi còn bề bộn đất cát vì chưa làm xong vỉa hè hai bên đường.
Còn nút giao thông Tân Thới Hiệp đến nay vẫn chưa thi công các nhánh đường vào nút giao thông, chưa lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè. Một cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho rằng nút giao thông này chưa hoàn chỉnh sẽ khiến nơi đây thành “điểm đen” về ùn tắc giao thông trong thời gian tới.
Nút giao thông Gò Dưa vẫn “án binh bất động” suốt năm năm qua và ùn tắc giao thông liên tục xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm. Đứng trên mặt cầu vượt Gò Dưa, chúng tôi thấy rõ dòng xe ùn ứ nối dài dưới quốc lộ 1A và dòng xe từ đường Tô Ngọc Vân băng qua tỉnh lộ 43 ùn ứ vì chờ đèn tín hiệu giao thông.
Trong khi đó, cầu vượt Gò Dưa đã xây xong cách đây năm năm đang bị bỏ trống vì người ta cấm xe lưu thông do hai nhánh đường dẫn vào cầu chưa giải tỏa xong mặt bằng và các nhánh đường hoa thị ở nút giao thông này chưa thi công.
Giới doanh nghiệp vận tải rất bức xúc trước nạn kẹt xe ở Gò Dưa. Ông Đặng Đức Tiệp, giám đốc Công ty TNHH thương mại - dịch vụ vận tải Đặng Tiến (TP.HCM), cho rằng thiệt hại do kẹt xe gây ra không chỉ dừng ở việc phát sinh thêm chi phí nhiên liệu, tiền phạt do chậm giao hàng hóa mà còn bị hao tổn về uy tín trong làm ăn.
Vướng đền bù giải tỏa
Sau hơn bốn năm công trình bỏ dở dang, năm 2009 UBND TP.HCM cấp vốn để hoàn thiện hai nút giao thông Thủ Đức và ngã tư Ga. Dự kiến cả hai công trình này sẽ hoàn thành vào ngày 30-4-2010.
Thế nhưng, trong báo cáo mới đây với Sở Giao thông vận tải TP, ông Âu Phú Thắng - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - cho biết khả năng thi công các công trình trên sẽ tiếp tục dang dở vì vướng đền bù giải tỏa.
Cụ thể, nút giao thông Thủ Đức thi công lại vào tháng 3-2009 nhưng đến nay vẫn còn vướng tám hộ ở Q.9. Trong đó bốn hộ đã nhận tiền nhưng giải tỏa chưa đúng ranh, Ban giải phóng mặt bằng Q.9 kết hợp với P.Tân Phú vận động nhiều lần nhưng các hộ vẫn không đồng ý giao mặt bằng. Bốn hộ còn lại nằm trong phạm vi mặt đường nối ra xa lộ Hà Nội, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận xác định không thuộc phạm vi giải tỏa của nút giao thông nên không giao mặt bằng.
Còn mặt bằng nút giao thông ở Q.Thủ Đức vướng 15 hộ, trong đó các hộ đã nhận tiền đền bù nhưng nay lấn chiếm trở lại. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị nếu các địa phương không bàn giao mặt bằng để kịp hoàn thành công trình vào ngày 30-4 thì đơn vị dừng thi công và bàn giao phần còn lại cho địa phương thực hiện.
Tương tự, nút giao thông Tân Thới Hiệp được đưa vào dự án thi công giai đoạn 2 hoàn chỉnh các nhánh đường vào nút giao thông, thi công hệ thống thoát nước, vỉa hè, chiếu sáng... nhưng hiện nay vẫn đang vướng mặt bằng.
Riêng nút giao thông ngã tư Ga khởi công lại vào tháng 6-2009 nhưng đến nay mới thi công đạt 60% khối lượng, tiến độ thi công quá chậm khó có thể hoàn thành vào 30-4-2010.
Còn việc xây hai nhánh đường dẫn vào cầu vượt Gò Dưa và các nhánh đường hoa thị ở nút giao thông này, năm 2007 Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã trình dự án đầu tư và năm 2008 trình phê duyệt điều chỉnh dự án.
Sở Giao thông vận tải TP đã thẩm định và trình UBND TP nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được phê duyệt.
Theo một cán bộ Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, công trình thi công chậm một năm gây thiệt hại bằng 20% giá trị công trình vì giá vật tư, nhân công tăng.
Như vậy mỗi năm ngân sách phải chi thêm hàng tỉ đồng cho các công trình thi công chậm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận