Công Phượng chỉ tập nhẹ hoặc căng cơ ngoài sân suốt 5 ngày ở Myanmar - Ảnh: N.K. |
CÔNG PHƯỢNG cho biết: “Do chấn thương, việc không thể tập luyện và thi đấu tại Aya Bank Cup 2016 nhằm có thể hòa nhập vào lối chơi của tuyển VN là điều đáng tiếc với tôi. Tuy nhiên, tôi chờ cơ hội khác để thể hiện mình trong màu áo tuyển VN”.
Lối chơi dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng hiện tại có hi vọng giúp đội tuyển VN tiến xa tại AFF Suzuki Cup 2016 |
Tiền đạo CÔNG PHƯỢNG |
* Lối chơi phối hợp nhóm nhỏ của tuyển VN dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng khiến người hâm mộ thích thú. Anh thấy thế nào?
- Tôi cũng cảm thấy thích thú với lối chơi này khi nó phù hợp với các cầu thủ nhỏ con của VN. Lối chơi này càng phù hợp với những cầu thủ trưởng thành từ Học viện HAGL - Arsenal JMG bởi chúng tôi được đào tạo với lối chơi tương tự. Từng thi đấu dưới thời HLV Toshiya Miura ở đội tuyển U-23 VN, theo tôi, lối chơi dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng hiện tại có hi vọng giúp đội tuyển VN tiến xa tại AFF Suzuki Cup 2016.
* Anh có lo cho phong độ cũng như vị trí của mình ở AFF Suzuki Cup sắp tới nếu như ít được ra sân ở Nhật Bản?
- Tôi chỉ mới quay lại sau chấn thương gãy xương đòn vai nên đòi hỏi tôi phải được thi đấu liền thì hơi khó, nhất là ở giải đấu có trình độ như J-League 2. Chưa kể chấn thương cổ chân của tôi hiện tại cũng không biết có hồi phục nhanh để có thể được tung vào sân tại J-League 2 hay không. Tuy nhiên, chắc chắn tôi phải nỗ lực nhiều hơn để được ra sân thường xuyên tại đây nhằm tích lũy kinh nghiệm, duy trì cảm giác bóng và phong độ cho AFF Suzuki Cup 2016. Đội tuyển VN đang có sự chuẩn bị tốt cho AFF Suzuki Cup 2016 và tôi hi vọng sẽ cùng các đồng đội có thể giành thành tích cao nhất tại giải đấu này.
* Anh có thể kể về cuộc sống của mình tại Nhật?
- Ở những ngày đội tập một buổi (thường là buổi sáng), tôi dậy ăn sáng rồi ra sân tập. Buổi chiều tôi chỉ nghỉ ngơi. Ở những ngày tập hai buổi, buổi sáng tôi tập nhẹ cùng đội và chiều thì tập nặng. Buổi sáng và tối tôi ăn chung với đội, còn buổi trưa tôi đi ăn ở ngoài. Nhìn chung, đồ ăn tại Nhật cũng dễ ăn và tôi đã thích nghi nhiều với cuộc sống ở Nhật. Tôi đã thuộc đường sá và biết đi chuyến tàu điện ngầm nào để đến nơi cần đến.
Thời gian rảnh rỗi khi mới sang Nhật Bản và bị chấn thương chưa thể tập luyện chung với đội, tôi cũng hay đi tham quan thành phố và thắng cảnh tại đây. Tuy ít gặp người Việt nhưng mỗi khi gặp, mọi người đều hỏi thăm cuộc sống của tôi thế nào, có cần giúp đỡ gì không. Điều này khiến tôi cảm thấy ấm lòng và vơi đi nỗi nhớ nhà.
* Chuyện học tiếng Nhật của anh thế nào?
- Thời gian đầu mới sang tôi có học tiếng Nhật, nhưng chỉ là tự học trên Internet. Tuy nhiên, tôi chỉ tự học tiếng Nhật được khoảng một tháng rồi không học nữa vì đi tập về mệt quá (khối lượng và cường độ vận động trong một buổi tập tại Nhật Bản nặng hơn nhiều so với khi tôi tập tại HAGL), chỉ muốn nghỉ ngơi chứ không học nổi. Nhưng sắp tới chắc tôi phải cố gắng học lại để có thể hòa nhập tốt hơn tại đây.
Tiếng Nhật rất khó học, tôi lại hay mau quên. Hôm trước học từ nhưng hôm sau thì quên mất, hoặc có những từ tôi không thể nào phát âm đúng được. Học phải viết chữ mới nhớ từ được, nhưng chữ Nhật Bản khó viết nên tôi chỉ học giao tiếp là chủ yếu. Tôi cũng cố gắng nghe các đồng đội giao tiếp với nhau để học lỏm và tự luyện vốn tiếng Nhật cho mình. May mắn là các cầu thủ Nhật cũng nhiệt tình giúp tôi phát âm lại cho chính xác mỗi khi tôi nói sai.
* Cảm giác của anh thế nào trong 10 phút ra sân ở J-League 2?
- Khán giả đến sân cũng đông và cổ vũ nhiệt tình như khi tôi còn thi đấu ở Pleiku. Việc được ra sân đem đến cảm giác vui thích, nhưng giá như tôi có thể được ra sân nhiều hơn để có cảm nhận rõ hơn cho riêng mình cũng như phát triển chuyên môn. Tôi sẽ nỗ lực để thực hiện điều đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận