30/05/2012 07:05 GMT+7

Công nhân tích góp mua nhà

ĐOÀN BẢO CHÂU - HỒ VĂN
ĐOÀN BẢO CHÂU - HỒ VĂN

TT - Ở TP.HCM, Bình Dương hiện nay, tại khu vực Khu công nghiệp Sóng Thần, Khu chế xuất Linh Trung, một số công nhân đã có nhà cửa khang trang. Đồng lương eo hẹp mà có nhà là nỗ lực lớn lao, bền bỉ.

AsX5vkZb.jpgPhóng to
Anh Trần Xuân Chung, vợ và con trước căn nhà của mình -Ảnh: H.T.V.

Đó là những căn nhà cấp 4, nhỏ nhưng khang trang, có điện nước, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của một gia đình ba bốn người. Đó cũng là mơ ước của hàng trăm ngàn công nhân khác chưa có nhà cửa hiện nay.

Có nhà từ đồng lương eo hẹp

Đó là trường hợp của gia đình anh Trần Xuân Chung (nhà ở tổ 25 A, Bình Đường 4, phường An Bình, Dĩ An, Bình Dương). Năm 1990, anh từ Quảng Bình vào TP.HCM và làm công nhân tại Công ty Việt Thắng từ đó đến nay. “Mức lương thời đó chỉ 700.000-800.000 đồng nên tôi dè sẻn, chi tiêu càng ít càng tốt: cơm trưa đã có xí nghiệp lo, cơm tối nấu dư dành cho bữa sáng. 10 năm sau tôi mua được một miếng đất nhỏ, lúc đó giá đất còn rẻ” - anh kể.

"Những gia đình công nhân mua được đất, xây được nhà ở tổ tôi đều sống rất lương thiện và chí thú làm ăn. Tôi thấy đây là những nỗ lực thay đổi cuộc sống rất đáng quý!"

Ông Bùi Quang Thắng (tổ phó tổ 25A, khu phố Bình Đường 4, phường An Bình, Dĩ An, Bình Dương)

Rồi Chung cưới vợ (là công nhân Công ty Freetrend). Đến năm 2008, từ tiền dành dụm và vay thêm công đoàn hai công ty, cộng với tiền bà con mừng cưới, vợ chồng mạnh dạn xây căn nhà một trệt một lầu. “Chật vật lắm nhưng bây giờ vợ chồng có chỗ ra vào, không còn lo lắng tiền nhà, tiền điện nước giá cao. Giờ chỉ lo làm dành dụm trả cho công ty, trừ dần vào lương hằng tháng”.

Cũng vậy, vợ chồng anh công nhân Phan Văn Giáp và chị Hoàng Thị Thảo (làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần) cũng “khéo co thì ấm”. Sau cưới nhau năm 2002, cả hai gom góp từ tiền dành dụm và mừng cưới, vay bạn bè được 37 triệu đồng, thêm 20 triệu đồng nữa từ nội - ngoại, mua miếng đất nho nhỏ rồi xây nhà. Chị Thảo cho biết: “Đến giờ vẫn còn phải chia tiền lương ra trả nợ xây nhà nhưng không sao, quan trọng là có cái nhà của riêng mình!”. Khi xây nhà cũng là lúc chị sinh con trai đầu lòng. Đó là lúc một mình anh chồng đi làm, chắt chiu từng đồng lương, đồng thì lo sữa cho con, bồi bổ cho vợ, đồng thì trả nợ tiền xây nhà.

“Những lúc đó thương chồng vô cùng bởi cái cảnh tối tăm mặt mũi tính toán chi li từng đồng khổ trăm bề. Nhưng vẫn thấy hạnh phúc khi thoát được cảnh ở trọ, cơm cháo hàng quán lề đường” - chị nói.

Xung quanh Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, Khu công nghiệp Sóng Thần, huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương còn nhiều công nhân cũng tích góp, mượn đầu này đầu nọ mua được đất xây dựng tổ ấm cho mình. Những gia đình công nhân này thường gom tiền sau đám cưới, vay thêm bạn bè, người thân, công ty.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, quê Hà Tĩnh, đang cùng vợ sống hạnh phúc trong căn nhà ở Thuận An, tâm sự: “Đám cưới xong tụi mình gom tiền mua một miếng đất 60m2 dưới Đồng Nai giá 20 triệu đồng. Năm 2010 bán được gần 100 triệu đồng, cộng với tích góp lương năm năm, vay mượn thêm hai bên nội ngoại tậu được căn nhà một trệt một lầu giá 250 triệu đồng. Giờ vẫn phải cày bừa trả nợ nhưng tụi mình thấy hạnh phúc vì đã có chỗ ở, còn trước đó không dám nghĩ tới có thể mua được nhà”.

Chung tay cùng công nhân

Công nhân nếu chỉ thuần thu nhập từ lương thì không thể có đủ tiền để mua đất, mua nhà được. Chính vì thế, hầu hết các gia đình này đều nhờ đến sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn từ phía công đoàn công ty cũng như anh em, bạn bè đồng hương, đồng nghiệp. Nhưng trên hết chính là họ khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch công đoàn Công ty Pou Yuen (Bình Chánh), cho biết cũng từng đi mừng khai trương nhà của công nhân. Những ngôi nhà mà theo ông Nghiệp, họ tích góp từ lương, vay bạn bè và công ty để mua có giá 100-150 triệu đồng ở các vùng ven của xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.

Các công ty còn có quỹ cho công nhân mượn sửa chữa nhà. Một cán bộ công đoàn Công ty Việt Thắng cho biết hiện quỹ cho công nhân vay sửa chữa nhà có khoảng 1,1 tỉ đồng, xoay vòng cho những công nhân có thâm niên lâu năm, thành tích tốt.

Ngoài ra, việc sửa chữa nhà ở của công nhân cũng rất được quan tâm với chương trình “Cải thiện nhà ở cho cán bộ, đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp” từ mô hình hoạt động trợ vốn của Quỹ CEP thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM. Ông Nguyễn Tấn Đạt - phó giám đốc Quỹ CEP - cho biết: “Từ năm 2010 đến tháng 3-2012, Quỹ CEP đã hỗ trợ được 1.669 công nhân tu bổ nhà ở với tổng số tiền cho vay 48 tỉ đồng”.

Những ngôi nhà công nhân có được dù còn hiếm hoi nhưng đó là những đốm sáng rất đáng trân trọng, là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những người lao động nghèo biết chắt chiu dè sẻn đồng lương eo hẹp của mình để gầy dựng cuộc sống tốt đẹp. Nhưng cũng từ đó, nhìn về hàng triệu công nhân khác, vẫn thấy để có được nhà họ cần có đồng lương tốt hơn, chính sách đãi ngộ về nhà cửa tốt hơn, để nếu có được ngôi nhà không đến nỗi phải chật vật và mất nhiều thời gian, hi sinh đời sống nhiều như đàn anh của họ.

Cho vay vốn cải tạo nhà

Dành cho đối tượng là cán bộ, đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp cần vốn để cải thiện nhà ở, thực hiện trong năm năm (2010-2014). Để nhận được khoản vay, người vay phải được công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở có tham gia góp vốn giới thiệu, đang cư ngụ và có nhà ở hợp pháp tại TP.HCM, ưu tiên đối tượng nghèo, thiếu khả năng tiếp cận các khoản tín dụng. Mức vay mỗi khoản không quá 30 triệu đồng với thời hạn tối đa ba năm. Công nhân có thể liên hệ trực tiếp với công đoàn cơ sở ngay tại công ty mình để biết thêm chi tiết.

ĐOÀN BẢO CHÂU - HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp