Rồi từ đó, mỗi khi công ty chuyển lương, bên cho vay sẽ đi rút tiền (lãi và vốn) trước, chủ thẻ phải mang CMND ra ngân hàng rút số tiền còn lại.
Tại các trụ ATM gần các công ty, xí nghiệp, đông công nhân ở Bình Dương vào những ngày lãnh lương rất dễ thấy có một nhóm người đến rút tiền từ rất nhiều thẻ ATM của công nhân.
Nắm đằng cán
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị H. (quê Sóc Trăng) bắt đầu từ năm 2017, căn nhà của chị ở quê xuống cấp quá, cần sửa chữa ngay. Chị đã mượn một người làm chung 20 triệu đồng để gửi về gia đình. Lúc đó, lương của chị khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Sau khi nhận tiền và giao thẻ ATM, tháng lương đó họ rút từ thẻ của chị 4 triệu đồng gồm 2 triệu tiền lãi (lãi suất 10%/tháng) và 2 triệu tiền vốn trả dần. Tháng kế đó là 3,8 triệu đồng, rồi 3,6 triệu... do tiền lãi giảm vài trăm ngàn mỗi tháng theo số tiền nợ giảm dần.
Ròng rã gần một năm trời mới dứt nợ. "Làm cả tháng có bao nhiêu trả nợ gần hết, sống tằn tiện, chật vật với phần tiền còn lại. Nhẩm lại thấy tiền lãi còn nhiều hơn số tiền đã mượn mới thấy quá kinh khủng" - chị H. ngao ngán kể. Chị cho biết công ty chị có nhiều người cho vay theo kiểu cầm thẻ ATM. Nhiều người cho vay, có thể họ sẽ cạnh tranh hạ lãi suất, nhưng không bao giờ dưới 10%/tháng.
Anh P.N.A. - nhân viên văn phòng làm việc tại Khu công nghiệp VSIP 2, Thuận An, Bình Dương (với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng) - bất ngờ phát bệnh lao phổi. Vợ anh làm công nhân, lại thêm con nhỏ.
Tình cảnh ngặt nghèo, anh A. đành chấp nhận cầm thẻ ATM vay 15 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng. "Chua lắm, vì phải lo tiền cho gia đình và thuốc thang, chưa thể trả bớt nợ gốc. Vậy là tháng nào cũng phải trả số tiền lãi 2.225.000 đồng, mất hết gần nửa tháng lương và nợ còn nguyên" - anh A. cho biết.
Bà P.T.H.N. - đang làm cho một công ty giày da trên đường DT743, Dĩ An - cho biết trong công ty của bà có vài người cho vay với lãi suất 10%/tháng. Đã có nhiều vụ chặn trước cửa công ty để đòi nợ, nhiều người nhìn cảnh đó mà khiếp! "Mặc dù họ đã giữ thẻ ATM rồi nhưng tháng nào làm lương thấp không đủ tiền trả, có thể họ sẽ vào luôn công ty quậy, sợ lắm!" - bà N. nói.
Các trường hợp cho vay cầm thẻ ATM thường làm cùng công ty hoặc được một người của công ty giới thiệu. Họ giữ thẻ ATM, có khi cả CMND của người vay là nắm phần cán. Họ biết rõ tháng lương được lãnh bao nhiêu và khả năng trả nợ ra sao. Nếu trường hợp cần vay nhiều, phần tiền phải trả vượt mức lương, họ sẽ giữ luôn cả sổ bảo hiểm...
Chủ doanh nghiệp biết không?
So với nhiều hình thức cho vay nóng, tín dụng đen thời gian vừa qua, cho vay cầm thẻ ATM có vẻ ít ồn ào, an toàn hơn, hiếm khi thấy chuyện trấn áp đòi nợ. Câu chuyện đồng nghiệp hỗ trợ nhau tài chính trong cuộc sống, nếu để tạo niềm tin cho nhau thì cầm thẻ ATM nhau có thể chấp nhận được.
Nhưng cho vay với lãi suất đến 180%/năm và cho vay "chuyên nghiệp" lại là chuyện cho vay nặng lãi trong công xưởng. Đáng sợ khi việc vay ngày càng dễ do nhiều người làm "dịch vụ" này.
Theo những người từng vay tiền dạng này, những người cho vay có mặt ở công ty không phải là để hưởng lương công nhân. Họ cũng không đơn độc, họ có nhiều nhóm lúc nào cũng sẵn tiền cho vay. Điều này chủ doanh nghiệp có biết nhưng cũng im lặng. Anh chị em đồng nghiệp nhiều người biết nhưng cũng xem như không biết.
Khi công nhân nghỉ việc sẽ được chi trả tiền bảo hiểm. Nhiều người vì việc riêng hoặc vì nợ nần phải nghỉ việc, họ muốn về quê luôn, khỏi mất thời gian chờ thủ tục nhận tiền bảo hiểm cũng chọn cách hỏi vay tiền và chấp nhận mất 30% số tiền sẽ nhận được.
Nhiều trường hợp không cần quay lại để ký tên. Vì sao công ty lại chấp nhận người khác ký thay và rút được tiền bảo hiểm lại là một góc khuất khác trong câu chuyện cầm cố vay tiền trong công xưởng.
Đừng xem là chuyện bình thường!
Vay cầm sổ bảo hiểm thường số tiền vay nhiều hơn, lãi suất cao hơn cầm thẻ ATM cũng đang được xem là chuyện riêng của những người trong cuộc. Sự im lặng trước việc cho vay lãi cao này đang tiếp tay cho kẻ trục lợi trước những khó khăn của công nhân nghèo.
Doanh nghiệp ngoài tạo ra sản phẩm còn tạo ra công ăn việc làm cũng cần lưu tâm giúp đời sống công nhân. Thời dịch vụ vay nóng vươn vòi đến tận công xưởng, phần lớn lương của nhiều công nhân đang dùng để đóng tiền lãi vay, nhiều người mất luôn sổ bảo hiểm vì món tiền vay không lớn... Chuyện này không phải là chuyện bình thường!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận