14/11/2012 04:25 GMT+7

Công nhân sống tạm bợ chờ dự án

HỮU KHÁ - PHAN CHUNG
HỮU KHÁ - PHAN CHUNG

TT - Đà Nẵng hiện có 65.000 công nhân, chủ yếu là người ngoài tỉnh, làm việc tại sáu khu công nghiệp đang sống trong những khu trọ chật hẹp, xập xệ, mất vệ sinh...

DY5FCkEr.jpgPhóng to

Nhiều công nhân tại Đà Nẵng sống cảnh tạm bợ trong những căn phòng chật chội, kém vệ sinh - Ảnh: Phan Chung

Trong khi đó, các dự án nhà ở cho công nhân Đà Nẵng vẫn đang nằm trên giấy.

“Giam mình” trong... 4m2

Trong số 65.000 công nhân ở các khu công nghiệp tại TP Đà Nẵng có đến 40.000 công nhân nữ đang tá túc trong những khu nhà trọ chật chội ở các phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), An Hải Bắc (quận Sơn Trà)... Do mức thu nhập thấp, không ổn định nên công nhân đều chọn các khu trọ rẻ tiền, kém chất lượng ở gần nơi làm việc. Chị Nguyễn Thị Liên (quê huyện Đại Lộc, Quảng Nam), công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh, than thở: “Ở các khu trọ này giá rẻ nhưng khổ lắm. Mùa nắng thì nóng rang, mùa mưa thấm dột, nước ngập rác rưởi tràn vào cả phòng. Biết sống như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng công nhân tụi tui không còn lựa chọn nào khác!”.

Tại khu vực xung quanh Khu công nghiệp Hòa Khánh, phòng trọ ở đây có giá từ 400.000-800.000 đồng/người/tháng. Riêng điện, chủ nhà trọ đều lấy giá từ 3.000-4.000 đồng/kWh, nước sinh hoạt giá từ 10.000-15.000 đồng/m3..., cao hơn nhiều so với giá quy định của Nhà nước. Phức tạp hơn, tình trạng mất trộm, quấy rối công nhân nữ liên tục xảy ra tại các dãy trọ không có chủ nhà. “Mỗi tháng công nhân ở đây chỉ tính riêng tiền phòng, điện, nước đã mất gần cả triệu đồng trong khi lương chỉ hơn 2 triệu đồng. Trước kia còn đỡ vì kiếm thêm được tí tiền tăng ca, còn bây giờ kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tôi đang làm cũng chỉ sản xuất cầm chừng...” - chị Trần Thị Xuân (quê huyện Gio Linh, Quảng Trị) ngậm ngùi.

Theo Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất TP Đà Nẵng, phần lớn công nhân đang thuê nhà ở quanh các khu công nghiệp với điều kiện sống, sinh hoạt rất tạm bợ, diện tích sử dụng chỉ 3-4m²/người. Diện tích quá nhỏ không đủ không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng nên ảnh hưởng rất lớn đến việc hồi phục sức khỏe, tái tạo sức lao động của công nhân.

Doanh nghiệp khó khăn, TP thiếu tiền

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trước đây TP có nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi về chính sách đất đai như giao đất không thu tiền, miễn giảm tiền sử dụng đất tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nên việc đầu tư xây dựng chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, phần đông công nhân có công việc không ổn định, mức thu nhập thấp, thói quen thích ở độc lập nên thường tự thuê nhà bên ngoài, điều đó gây nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước nhu cầu bức xúc của công nhân, cách đây khoảng hai tháng, UBND TP Đà Nẵng đã lập dự án nhà ở công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Theo đó, dự án sẽ được xây dựng tại ba địa điểm có quy mô gồm 15 khối nhà đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 10.000 công nhân, tổng kinh phí đầu tư là 1.380 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Văn Hữu Chiến - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, để thực hiện được dự án trên TP đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 70% tổng nguồn vốn đầu tư.

“Vì hiện tại nguồn ngân sách của TP còn hạn hẹp, đồng thời do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực bất động sản đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực triển khai dự án. Để đảm bảo cho dự án sớm khởi công xây dựng và hoàn thành, phục vụ nhu cầu nhà ở ngày càng cấp thiết của người lao động, đề nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án, đồng thời xem xét, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu thuộc ngân sách trung ương để đầu tư dự án” - ông Chiến nói.

HỮU KHÁ - PHAN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp