25/05/2023 14:05 GMT+7

Công nhân đi tìm việc thời... thất nghiệp

Tháng 6 này, Vui sẽ nhận trợ cấp thôi việc 209 triệu đồng cho 24 năm làm việc ở Công ty PouYuen, TP.HCM. Cục tiền lớn với cô công nhân làm đế giày nhưng cô chính thức mất việc và phải làm lại từ đầu ở tuổi 42...

Nhiều người thích tìm việc giúp việc nhà theo giờ để có thu nhập tương đối khá - Ảnh: MẠNH DŨNG

Nhiều người thích tìm việc giúp việc nhà theo giờ để có thu nhập tương đối khá - Ảnh: MẠNH DŨNG

Bước ngoặt của công nhân Nguyễn Thị Vui cũng đang là nỗi niềm nhiều người khác. Những ai làm việc ở các công ty bảo đảm được chế độ còn đỡ, họ được khoản tiền trợ cấp để có thể tính toán việc mới. Những người làm việc ở các quán xá, cơ sở nhỏ thì thật sự đáng lo khi không có khoản tiền thất nghiệp này.

Hồi chưa làm công nhân, tôi đã phụ bán hàng nên chắc bán lại sẽ được. Tôi cũng định bán quần áo trẻ em và đồ chơi, vốn ít mà lỡ ế ẩm thì cũng không sợ hư hỏng như đồ ăn.

Trần Thị Thanh Trà

Những nỗi lo

Trò chuyện với chúng tôi, Vui nói: "Tụi em đã đoán được ngày phải nghỉ việc. Suốt mấy tháng, công nhân vẫn lên công ty nhưng cứ ngồi đó, rất ít việc làm. Nhưng cũng may là công ty vẫn trả đầy đủ lương bổng, suất ăn trưa. Giờ nghỉ việc thì được bảo đảm đầy đủ các chế độ theo quy định nên mình có khoản tiền để tính toán được tương lai sắp tới". 

Nhiều bạn của Vui cũng được PouYuen cho nghỉ việc đợt này. Có người được lãnh trợ cấp cũng ngót nghét một vài trăm triệu, có người chỉ vài chục triệu tùy thâm niên làm việc...

Những người như Vui làm việc cho công ty lớn đã được bảo đảm tốt chế độ cho thôi việc cũng lo lắng nhưng không quá nặng nề vì vẫn có khoản tiền để xoay xở tìm việc mới. Thậm chí, những người được nhận tiền trợ cấp nhiều như Vui còn tính nghỉ tìm việc lãnh lương để ra làm "chủ" buôn bán nhỏ, thay đổi hẳn đường hướng cuộc đời. 

Ngược lại, những người làm công nhật hay ở các cơ sở nhỏ, cửa tiệm, quán xá lại đang rất lo lắng khi mất việc làm ở thời điểm này, bởi họ không có trợ cấp thất nghiệp hoặc rất ít ỏi.

"Lương bổng nhiều người chỉ được tính đến ngày nghỉ làm, thậm chí em còn bị xù lương" - Nguyễn Thị Lành, cô gái 21 tuổi, làm bưng bê ở nhà hàng - cà phê G.T. trên đường Trần Văn Giàu (quận Bình Tân, TP.HCM), lo lắng tâm sự. Cô kể năm 2022 xin việc ở đây. 

"Con gái đi làm nhà hàng nên cũng lo. Nhưng khi làm thấy đàng hoàng nên yên tâm, nào ngờ mất việc nhanh quá", Lành kể cô được lãnh lương cơ bản 5 triệu đồng cho ca tám tiếng, bao cơm trưa và cuối tháng được chia tiền tip của khách. Để thêm thu nhập, cô xin làm luôn ca tối và được trả 25.000 đồng mỗi giờ làm thêm.

Tuy nhiên, chỉ sáu tháng cô được lãnh lương đúng thỏa thuận, sau đó thì bị nợ lương vì nhà hàng ế ẩm, tiền tip khách cho cũng không còn. 

"Một sáng, em đi làm thì thấy các nhân viên khác đang đứng nhốn nháo trước cánh cửa treo bảng 'nhà hàng tạm nghỉ để sửa chữa'. Kỳ lạ là tụi em không hề được báo trước và đồ đạc giá trị bên trong đều chở đi đâu hết", Lành kể. Những nhà dân ở gần bên nói hồi đêm thấy nhiều xe tải đến chở đồ quán đi rồi...

Lành gọi điện thoại cho chủ nhà hàng không được. Lát sau, thêm những người lạ đến tìm chủ cũng không được. Mọi người mới vỡ lẽ ông chủ đã bỏ trốn. Những người đến tìm, có người là chủ nợ, có người là đầu mối cung cấp nguyên liệu thức ăn. 

Tất cả đều đã bị ông ta "trốn nợ"nhưng buồn nhất là nhân viên như Lành. Họ bị nợ một tháng lương, lại thêm tháng này đã tới ngày lãnh lương mà chủ bỏ trốn. Tính ra, họ đã bị "xù" hai tháng lương, dù đó là đồng lương vốn quá ít ỏi cho cuộc sống.

Từ Bình Tân, chúng tôi đi dọc qua các quận Tân Phú, Tân Bình, 11, kể cả trung tâm như quận 1, quận 3 và nghe nhiều chuyện người lao động gặp khó khi các cửa hàng, quán xá đóng cửa hoặc thu hẹp, giảm nhân viên. Hầu hết họ đều chỉ được trả lương đến ngày cuối làm việc, một số may mắn thì được cho thêm một vài triệu tiền tàu xe về quê hoặc tháng tiền trọ để tìm việc mới. 

Cô gái 27 tuổi Hà Thị Thanh Thủy đang làm thu ngân cho quán ăn T.H. lớn ở cư xá Bắc Hải, quận 10, thì được chủ báo "tạm thôi việc" từ tháng 6 này. "Em nhận lương 7 triệu đồng hết tháng 5 và bà chủ cho thêm 3 triệu đồng hỗ trợ một tháng tiền nhà trọ để đi tìm việc khác", Thủy kể thêm mình bị mất việc là do quán ít khách và cùng nghỉ với cô còn có sáu nhân viên nữa.

Bị cho thôi việc và nhận được khoản trợ cấp tương đối lớn, cô công nhân Nguyễn Thị Vui đang tính chuyển hướng làm việc - Ảnh: M.DŨNG

Bị cho thôi việc và nhận được khoản trợ cấp tương đối lớn, cô công nhân Nguyễn Thị Vui đang tính chuyển hướng làm việc - Ảnh: M.DŨNG

Chuyển hướng mưu sinh

Trò chuyện với chúng tôi, hầu hết những người mất việc đều nói họ không bất ngờ vì hiểu tình hình khó khăn của nơi làm. Vấn đề của họ hiện nay là sẽ tiếp tục mưu sinh như thế nào? Các công nhân bị mất việc ở những công ty bảo đảm được chế độ trợ cấp thất nghiệp cho biết việc đầu tiên họ làm khi nghỉ việc là gửi ngay khoản trợ cấp vào ngân hàng để thêm chút lãi và tránh bị "nát" tiền. 

"Chắc chắn tôi sẽ gửi ngay ngân hàng khi tháng 6 được nhận khoản tiền trợ cấp, bởi nếu giữ chắc sẽ hết nhanh thôi", cô công nhân Nguyễn Thị Vui cho biết.

Vui nói thêm cô cũng đang phân vân tiếp tục xin việc làm lãnh lương hay trích ít tiền trợ cấp thất nghiệp để buôn bán nhỏ. "Tôi đã xin được việc bảo mẫu nhà trẻ nhưng lương chỉ 7 triệu đồng. Mình đã làm công nhân 24 năm và nhận lương 15 triệu đồng, giờ việc mới chưa được nửa lương cũ nên cũng đắn đo", Vui nói có lẽ sẽ khởi nghiệp nhỏ gì đó để thử khả năng mình sẵn lúc bị mất việc. 

Nhưng cô cũng nói thêm là dù khởi nghiệp gì thì cũng chỉ dám trích một phần trong khoản trợ cấp thất nghiệp, phần còn lại phải để dự phòng thất bại.

Một số người khác thì cho biết sẽ về quê, lấy tiền trợ cấp để chăn nuôi và buôn bán nhỏ gần nhà. "Vợ chồng tôi tính kỹ chuyện về quê. Đầu tiên, mình tiết kiệm được tiền trọ, rồi con cái về trường quê cũng ít học phí hơn hẳn TP. Tiền ăn uống cũng giảm hẳn khi có gà qué, rau rác vườn nhà" - cô công nhân Trần Thị Thanh Trà, 31 tuổi, cho biết. 

Hướng tính của cô thuận lợi là có người chồng vẫn đang làm ruộng ở quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cô về thì anh vẫn làm ruộng, còn cô sẽ lấy tiền trợ cấp ra buôn bán ở chợ xã.

Trong lúc một số người tính chuyển nghề hoặc về quê lập nghiệp thì nhiều người cho biết họ vẫn trụ lại TP để tìm việc mới. Trong 25 người thất nghiệp mà chúng tôi thử khảo sát nhỏ thì hơn hai phần ba cho biết họ vẫn ở lại. Có người đã xin được việc làm ở công ty khác, có người nhảy ra làm tự do và có người vẫn đang tìm việc

Hai anh em Lê Thanh Bình, Lê Thanh Hùng quê Bố Trạch, Quảng Bình, kể họ bị mất việc dập đinh, ốc ở cơ sở tại huyện Bình Chánh gần hai tháng qua nhưng tuần này đã xin được việc phụ hồ. Họ chấp nhận lương công nhật 350.000 đồng mỗi ngày, vì lương cơ sở dập đinh cũng chưa được 8 triệu đồng. 

Việc họ sẽ ổn định trong ít nhất sáu tháng nữa vì căn nhà năm tầng họ đang xây rất rộng, chủ thầu cũng mới báo đã có hợp đồng mới ngay sau công trình này.

Có một công việc nữa mà hiện nay một số công nhân nữ bị thất nghiệp cũng muốn làm là "osin theo giờ". Công việc nghe có việc "ngại ngại" nhưng thu nhập khá ổn, thậm chí là khá nếu đã quen việc và có sức khỏe tốt để "chạy sô" nhiều nơi. Cô công nhân Thạch Thị Mỹ ở Khu công nghiệp Tân Tạo kể chỉ sau vài ngày thất nghiệp hồi cuối năm 2022, cô đã được giới thiệu làm việc nhà theo giờ và có thu nhập cao hơn hẳn làm công ty. 

"Tôi mới 35 tuổi, từng là dân ruộng Trà Vinh quen cực khổ nên nhận việc vệ sinh nhà cửa. Tùy quy mô nhà, mỗi nhà tôi được khoảng 200.000 - 400.000 đồng. Mình có sức khỏe nên gắng làm nhanh để đi làm nhà khác, miễn sao sạch sẽ để chủ nhà ưng bụng", Mỹ kể thêm hiện nay cô "chạy sô" ít nhất hai nhà mỗi ngày, có ngày cô làm được cả bốn nhà, thu nhập hơn gấp đôi đi làm công nhân thời ít việc, không tăng ca...

"Tôi nghĩ mình có sức khỏe, thật sự muốn làm việc là sẽ có việc làm thôi, đừng lo lắng quá", Mỹ tự tin nói.

Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp ở độ tuổi lao động quý 1-2023 khoảng 1,05 triệu người, giảm 34.600 so với quý trước và giảm 65.100 người so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ thất nghiệp ở độ tuổi lao động quý 1-2023 là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022.

Thu nhập bình quân của người lao động mỗi tháng ở quý 1-2023 là 7 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trên 51 triệu người có việc làm, số người thất nghiệp có đang tăng?Trên 51 triệu người có việc làm, số người thất nghiệp có đang tăng?

Nhiều doanh nghiệp khó khăn, số người thất nghiệp, giảm việc trên cả nước có tăng theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê? Bức tranh khá rõ khi so sánh thời điểm quý 1-2023 với cùng thời điểm một số năm trước đó.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp