08/08/2017 14:01 GMT+7

Công nhân 'đầu tắt mặt tối' với lương tối thiểu

 LĨNH HỒNG
LĨNH HỒNG

TTO - Với mức lương tối thiểu như hiện nay, hầu hết công nhân lao động đều phải “đầu tắt mặt tối” tăng ca, làm thêm giờ để có tiền trang trải cuộc sống. Thậm chí mỗi công nhân có thể tăng ca lên đến hàng trăm giờ mỗi tháng.

Mua sắm quần áo tại hội chợ dành cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bà Trần Thị Hồng Vân - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam - cho rằng hiện tại rất ít công ty trả lương cho công nhân cao hơn mức lương tối thiểu, hoặc nếu có thì chênh lệch không bao nhiêu.

Không tăng ca không đủ sống

Do lương thấp nên bắt buộc công nhân phải gồng mình tăng ca.

“Công ty tôi hiện tính lương cơ bản ngang bằng với mức lương tối thiểu của vùng I là 3,75 triệu đồng/tháng. Chuyện mỗi người tăng ca liên tục đến 100 giờ/tháng rất bình thường. Lương trung bình của mỗi công nhân, bao gồm lương cơ bản, tăng ca, phụ cấp cũng chỉ ở mức 6 - 7 triệu đồng/tháng” - bà Vân nói.

Tìm hiểu thêm cụ thể đời sống của các công nhân, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Dãy trọ nơi chị Nguyễn Thị Nga (29 tuổi, quê Nghệ An), công nhân Công ty TNHH điện tử Foster đang ở lúc nào cũng vắng hoe, cửa đóng then cài.

Nhiều người đi làm miệt mài từ 6h sáng đến tối muộn mới về. Cũng có người tranh thủ ngủ để chuẩn bị “cày” ca tối.

Chị Nga làm công nhân chưa đầy hai năm với mức lương hiện tại là 4,2 triệu đồng/tháng. Với khoản thu nhập này, ngày nào chị Nga cũng đăng ký làm tăng ca. Mỗi ngày hai vợ chồng chị đều làm đủ 12 giờ và không nghỉ ngơi kể cả thứ bảy, chủ nhật.

Lương tối thiểu của người lao động VN hiện đang ở mức thấp nhất trong khu vực. Trong ành: công nhân rút tiền trong Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH 

Nhưng muốn tăng ca cũng không được

Gia đình anh Nguyễn Văn Khảm (31 tuổi, quê Nghệ An), công nhân Công ty TNHH Kurabe Industrial Việt Nam, gồm bốn người chen chúc trong căn phòng nhỏ khoảng 12m2. Con còn nhỏ nên bà ngoại phải vào ở cùng chăm sóc để hai vợ chồng hằng ngày đi làm.

Tăng ca nhiều khiến hai vợ chồng không có thời gian dành cho con cái.

Công ty TNHH Kurabe Industrial Việt Nam được áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng I (3,75 triệu đồng/tháng) và hiện lương cơ bản của công nhân tại công ty này là 4,15 triệu đồng/tháng. Để có mức lương hơn 5 triệu/tháng, anh Khảm phải có gần 5 năm làm việc tại đây.

Anh Khảm cũng cho rằng không phải công nhân nào cũng được tăng ca.

“Cùng công ty nhưng có bộ phận công nhân làm tăng ca không xuể thì cũng có những bộ phận chẳng bao giờ được tăng ca. Bởi vậy sẽ rất thiệt thòi cho những công nhân chỉ sống bằng lương cơ bản, chi tiêu tằn tiện lắm mới hi vọng đủ sống” - anh Khảm bộc bạch.

Tuy nhiên, các công ty, doanh nghiệp đều rất hạn chế cho công nhân tăng ca bởi các khoản tiền phải trả lớn hơn nhiều so với lương cơ bản, đặc biệt là làm vào thứ bảy, chủ nhật thì phải trả gấp đôi ngày lương.

Và có tăng ca cũng không hẳn có thu nhập cao.

“Nếu nói công nhân tăng ca nhiều nên có thu nhập cao là không đúng, chỉ thêm được 1 - 2 triệu đồng/tháng. Và mỗi công nhân trung bình làm khoảng 10 tiếng rưỡi/ngày là quá mệt mỏi, phải gồng mình lên chịu đựng, trong khi nghỉ trưa chỉ được khoảng 30 - 60 phút” - ông Trần Lê Duy Sơn, cán bộ công đoàn Công ty cổ phần Dệt may Gia Định, nói.

Thắt lưng buộc bụng

Chị Võ Thị Uyên (quê Quảng Trị) đang làm công nhân trong Nhà máy nhựa KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) được 2 năm. Mỗi ngày làm 8 giờ, được nghỉ chủ nhật. Lương cơ bản 3,5 triệu, cộng với lương trách nhiệm và tăng ca 2 giờ/ngày, trừ bảo hiểm 380.000 đồng/tháng, còn lại mỗi tháng chị nhận khoảng 5,3 triệu đồng. 

Chị Uyên cho biết do chị chưa có gia đình nên chi phí sinh hoạt mỗi tháng rất ít, chỉ 1,5 - 2 triệu đồng. “Nếu lập gia đình, tôi chưa biết sẽ như thế nào?” - chị Uyên lo lắng.

Chị Võ Thị Thuyền (quê Quảng Nam), đang làm công nhân cho công ty Nhật Bản tại KCN Hòa Cầm (Đà Nẵng), cho biết mức lương tối thiểu công ty chi trả cho chị khoảng 3,5 triệu. Tiền phụ cấp xăng xe và các khoản phụ cấp khác 600.000 đồng. Chị phải làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập và tổng thu nhập của chị khoảng 6 triệu đồng. 

Theo chị Thuyền, đây chỉ là mức lương mà công nhân phải thắt lưng buộc bụng để sống. 

“Chúng tôi không dám tiêu xài” - chị Thuyền chia sẻ.

T.VŨ - Đ.NHẠN

Mức chi tiêu kham khổ của người lao động

Theo kết quả khảo sát trong quý 1-2017 của Viện Công nhân và công đoàn (Tổng LĐLĐ VN), thu nhập từ lương cơ bản và lương làm thêm giờ (chưa tính tiền ăn ca và các khoản trợ cấp, hỗ trợ khác) của người lao động đạt bình quân 4,72 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, họ phải chi tiêu trung bình 4,52 triệu đồng/tháng cho nhu cầu tối thiểu.

Kết quả khảo sát cho thấy đời sống của người lao động “rất khó khăn, thiếu thốn”. Khi được hỏi chỉ có 16% người lao động cho biết có dư dật, có tích lũy; trên 51% vừa đủ trang trải cuộc sống; trên 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% không thể đủ sống.

Mức thu nhập và chi tiêu tối thiểu (mức kham khổ) của người lao động theo khảo sát quý 1-2017:

Vùng lương

Thu nhập

(triệu đồng/tháng)

Chi tiêu

(triệu đồng/tháng)

Chênh lệch thu

và chi

Vùng I

5,14

5,31

-3,2%

Vùng II

4,51

4,76

-5,3%

Vùng III

4,49

 4,22

+6,6%

Vùng IV

4,12

3,87

+7,8%

Chung

4,72

4,52

+4,4%

 

 

 

LĨNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp