Phóng to |
Sau gần 10 năm triển khai, Cụm công nghiệp cơ khí ôtô TP.HCM mới chỉ có bảng chỉ dẫn đường và một nhà máy cấp nước bỏ hoang - Ảnh: Thuận Thắng |
Đó là phát biểu của ông Từ Minh Thiện, đại biểu HĐND TP.HCM, về thực trạng phát triển công nghiệp trên địa bàn tại buổi làm việc mới đây với Sở Công thương TP.
Theo các chuyên gia, dù được xem là ngành mũi nhọn, được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy các ngành khác tăng tốc, nhưng đến nay ngành công nghiệp trên địa bàn vẫn chưa tạo ra được bước đột phá nào. Trong đó, ngành cơ khí - một trong bốn ngành công nghiệp mũi nhọn - chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp...
Có tiếng nhưng không có miếng
Theo Sở Công thương TP.HCM, các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố đều đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khá. Năm 2012, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 8,2% so với năm 2011, cao hơn mức tăng toàn ngành (tăng 5,4%), trong đó các nhóm ngành sản xuất thiết bị điện, điện tử và linh kiện công nghệ thông tin thuộc nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất. Riêng tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành cơ khí chế tạo có xu hướng thụt lùi. Nếu giai đoạn năm 2001-2005 đạt 22,6% thì giai đoạn 2006-2010 chỉ tăng 16,6%/năm và giai đoạn 2011-2012 chỉ còn tăng 13,4%. |
Ông T. - giám đốc Công ty chế tạo máy TT, một trong những doanh nghiệp chế tạo máy dược phẩm hàng đầu hiện nay tại TP.HCM - thừa nhận: “Cần nhìn thẳng vào thực tế là chúng ta chưa sản xuất được sản phẩm cụ thể gì trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, kể cả con ốc hay cái đinh vít, ngoài việc làm rất tốt là nhập linh kiện về lắp ráp!”.
Thành lập từ năm 1998 với số vốn đầu tư ban đầu hơn 2 tỉ đồng cùng vài chục công nhân, hiện TT đã có trong tay hơn 200 lao động với nhiều thiết bị chuyên dụng được đầu tư hơn 100 tỉ đồng ở nhà xưởng khá khang trang.
“Hiện chỉ có hai doanh nghiệp cùng thời với tôi là còn hoạt động. Những doanh nghiệp thành lập sau này cũng xuất thân từ TT, nên xét về việc phát triển gần như không có” - ông T. nói.
Theo ông T., để sản xuất được máy sấy tầng sôi tạo hạt (một thiết bị trong quá trình bào chế thuốc), đơn vị này phải nhập tất tần tật, chẳng chừa gì. Chỉ cho chúng tôi xem các miếng đệm làm bằng silicon có tác dụng bịt kín các chi tiết khi lắp ráp máy, ông T. ngao ngán nói: “Ngay cả thứ này mà cũng phải nhập vì ở VN chẳng ai sản xuất cả!”.
Ông T. thừa nhận dù trên từng sản phẩm xuất khẩu đều có dòng chữ “made in Vietnam”, nhưng “chỉ có công lao động lắp ráp và lựa chọn loại thiết bị, linh kiện... mới thật sự là của TT”!
Thương hiệu Samco của Tổng cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn cũng vậy. Có trong tay xí nghiệp cơ khí ôtô và cơ khí chuyên dụng, nhưng Samco cũng chỉ làm giàn khung bên ngoài, táplô và trang trí nội thất bên trong. Còn các thiết bị quan trọng như thanh truyền lực, bộ giảm tốc, hộp số, động cơ...đều phải nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được.
“Dù tỉ lệ nội địa hóa đã đạt 43%, trong đó có một số bộ phận, linh kiện mua từ trong nước như ăcquy, dây điện..., nhưng phần lớn giàn khung sắt xi bên ngoài chúng tôi vẫn phải nhập nguyên liệu rồi mới chế tạo khung sườn xe được” - ông Nguyễn Hồng Anh, tổng giám đốc Samco, nói.
Năm 2012, Samco sản xuất 420-450 xe buýt và xe khách các loại, đáp ứng khá khiêm tốn so với nhu cầu hàng ngàn chiếc/năm của chủng loại xe này ở thị trường nội địa.
Cái khó bó cái khôn
“Nếu nói về tên gọi cho từng sản phẩm, cái gì chúng ta cũng... có mặt. Nhưng sản phẩm làm ra có đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không, chứ khoan nói cạnh tranh với các nước lại là một vấn đề khác” - ông Đỗ Phước Tống, phó chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM kiêm giám đốc Công ty cơ khí Duy Khanh, nhận xét.
Trong nhóm bốn ngành công nghiệp trọng yếu gồm các ngành cơ khí chế tạo, hóa chất - cao su - nhựa, chế biến lương thực - thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin và dệt may - da giày đã được TP.HCM quy hoạch đầu tư và phát triển, nhưng đến nay để có thể “điểm mặt đặt tên” sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong từng nhóm ngành nói trên là một điều khó khăn.
Mặc dù ngành cơ khí chế tạo, cơ khí công nghệ cao được TP.HCM đặt mục tiêu hướng tới sẽ là ngành tạo ra giá trị gia tăng cao với công nghệ hiện đại, nhưng thực tế số doanh nghiệp đầu tư vào ngành cơ khí theo hướng sản xuất chuyên nghiệp rất ít.
Theo ông Tống, nguyên nhân chính là do phần lớn doanh nghiệp sản xuất cơ khí hiện nay đầu tư mang tính tự phát, vốn ít, trong đó hơn 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mà khi ít vốn thì không thể đầu tư máy móc thiết bị chuyên dụng, không thể làm ra được sản phẩm chất lượng đồng nhất nên lại rơi vào vòng luẩn quẩn: gia công, lắp ráp và sửa chữa, dẫn đến giá trị gia tăng trong sản xuất rất thấp. “Thành phố vẫn có doanh nghiệp cơ khí hoạt động. Nhưng để tìm cho ra doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu, làm đúng chuyên ngành, có sản phẩm được trong giới lẫn khách hàng công nhận đạt chất lượng, thật tình không quá một bàn tay” - ông Tống đăm chiêu nói.
Theo ông T., chính sách thuế quá bất hợp lý đã giết chết ngay từ ban đầu ý định đầu tư của doanh nghiệp. “Chẳng ai muốn lao đầu vào đá để chết khi nhập khẩu linh kiện về sản xuất lắp ráp lại đắt hơn nhập khẩu nguyên chiếc về kinh doanh” - ông bức xúc. Theo ông T., sản phẩm của doanh nghiệp làm ra cũng bị cạnh tranh gay gắt từ máy nhập khẩu của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật... “Giá bán của TT luôn cao hơn hàng nhập từ Trung Quốc nên dù sản phẩm làm ra đạt chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, được doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng tới tấp, nhưng doanh nghiệp dược phẩm trong nước không mặn mà” - ông T. lắc đầu nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Anh, thay vì đầu tư hết sức dàn trải vào cả bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu thì “UBND thành phố nên tập trung đầu tư tổng lực vào từng ngành, với từng giai đoạn hết sức cụ thể”. Nếu làm được điều này, theo ông Anh, may ra TP.HCM mới có được một sản phẩm công nghiệp “nên hình nên dáng”, có nội lực thật sự. “Chứ cứ để như lâu nay, nhìn lại thành phố cái gì cũng có, mà có được cái gì cụ thể đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu thì vẫn chỉ biết loay hoay đi tìm” - ông Anh nói.
Cách nay gần 10 năm, dự án xây dựng cụm công nghiệp cơ khí ôtô theo chủ trương của UBND TP, do Công ty CP Hòa Phú (gồm ba cổ đông là Samco, Sinvesco và CII) làm chủ đầu tư, đã được triển khai. Cụm công nghiệp rộng 100ha này từng được kỳ vọng trở thành “trung tâm sản xuất linh kiện ôtô; đóng mới, sửa chữa, lắp ráp ôtô; thiết kế và đóng mới các phương tiện cơ giới đường bộ, là nơi thu hút các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...”. Thế nhưng đến nay dự án này vẫn còn ngổn ngang dù đã bỏ hơn 200 tỉ đồng để đền bù giải tỏa.“Từng có doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư sản xuất túi khí ôtô tại cụm công nghiệp này nhưng bây giờ họ đã đi sang Thái Lan. Thủ tục chuyển đổi cụm công nghiệp thành khu công nghiệp với nhiều hạng mục liên quan vẫn còn vướng mắc, thành ra...” - ông Hồng Anh nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận