Cuối tháng 7 vừa qua, Google tổ chức sự kiện có tên Google Think Apps 2023 - Kiến tạo tương lai tại TP.HCM. Sự kiện được nhiều người trong giới cho là lớn nhất Đông Nam Á của Google trong chừng 10 năm trở lại đây cho thấy một vị thế mới của ngành phát triển ứng dụng, đặc biệt là game, của Việt Nam.
"Việt Nam là cường quốc phát triển game"
Tại sự kiện Think Apps 2023, trích dẫn báo cáo của DataAI & AppMagic, đại diện Google cho hay: từ giai đoạn 2019 đến quý 1-2023, Việt Nam đã nhảy vọt từ top 15 lên top 5 trên toàn cầu về lượt tải ứng dụng, tương ứng với con số 4,2 tỉ lượt tải.
Cũng theo báo cáo, có bốn nhà phát triển ứng dụng tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 50 công ty toàn cầu có ứng dụng mới vượt mốc 100.000 lượt tải xuống trong năm 2022 gồm: Falcon Global, ABI Global, Zego Global và Rocket Studio.
"Việt Nam đã và đang nổi lên như một trung tâm dành cho các nhà phát triển hàng đầu, củng cố danh tiếng là một cường quốc trong ngành phát triển ứng dụng", đại diện Google nhận định.
Mới đây, Hãng tin nổi tiếng Bloomberg cũng đưa ra đánh giá Việt Nam là một cường quốc về game. Bloomberg dẫn số liệu cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia sản xuất game trên di động (mobile game) hàng đầu thế giới, tính theo lượt tải xuống trong sáu tháng đầu năm 2023.
Cả tỉ người dùng, tham vọng dẫn đầu
Nhiều doanh nghiệp, studio game tại Việt Nam đã mạnh dạn "vươn ra biển lớn" và thành công, chẳng hạn VNG - kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam.
Theo chia sẻ của đại diện VNG, tổng lượt tải các sản phẩm game của studio MPS (của VNG) từ năm 2019 đến nay là 261 triệu, hầu hết đến từ các nước thuộc Nam Á, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Trong đó, Dead Target là một trong những trò chơi thành công nhất của MPS với tổng lượt tải lên đến 155 triệu, chủ yếu ở châu Á và Bắc Mỹ.
Trong năm tài chính 2022, VNG đã ra mắt game Gunny Origin, đạt top 2 tổng lượt đặt trước trên kho ứng dụng cho hệ điều hành iOS tại Đài Loan và top 5 tại Hong Kong ngay tại thời điểm ra mắt.
Amanotes, một công ty phát triển trò chơi âm nhạc, cũng ghi dấu ấn qua các tựa game âm nhạc được nhiều người ưa thích như Magic Tiles 3 và Tiles Hop, thuộc những nhà phát hành trò chơi âm nhạc top đầu thế giới. Các sản phẩm của Amanotes hiện đã tiếp cận người dùng tại hơn 190 quốc gia, với số lượt tải về tổng cộng hơn 2,9 tỉ.
Với tham vọng dẫn đầu thị trường toàn cầu về game âm nhạc, doanh nghiệp này đã và đang thực hiện các dự án sáp nhập, hợp tác chiến lược để nhanh chóng có được những năng lực đặc biệt trên thị trường.
"Thông qua mối quan hệ mật thiết với các đối tác toàn cầu như Google, AWS, ironSource..., công ty ngày càng nâng cao thế mạnh về khả năng thu hút người dùng và tối ưu hóa nguồn doanh thu với hệ thống dữ liệu hơn 100 triệu người dùng hằng tháng" - ông Tuấn Bình, CEO Amanotes, chia sẻ cách làm và ý nghĩa của chiến lược hợp tác/M&A mà công ty đang triển khai.
Hay start-up tên Topebox, một studio phát triển game tại TP.HCM, cũng đã có hơn 80 sản phẩm game kinh doanh trên thị trường toàn cầu.
Trong đó, sản phẩm Pocket Army của đơn vị này được ra mắt năm 2012 và trở thành game Việt Nam đầu tiên lọt vào top những ứng dụng đạt doanh thu cao nhất ở Mỹ. Năm 2022, Titan Hunters ra mắt, đạt hơn 500.000 lượt tải sau sáu tháng, lọt top 3 tựa game được yêu thích nhất tại Nhật Bản.
Còn nhiều thách thức
Dù được thế giới công nhận nhưng nhiều nhà lãnh đạo sản xuất game thừa nhận vẫn "còn thua xa chất lượng, quy mô" so với thế giới. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Khánh - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Wolffun Game - thẳng thắn: "Chỉ xét riêng game di động, lượng tải về (download), Việt Nam thuộc nhóm có lượng game có lượt tải nhiều nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, nếu so về chất lượng trên quy mô sản phẩm với các tiêu chí gồm độ phức tạp, chất lượng cảm giác game, đồ họa... thì chúng ta còn cách xa nhóm hàng đầu thế giới. Chúng ta vẫn chưa xuất hiện được những game có độ khó trung bình có thể so sánh với các game như Liên quân, Free Fire... chứ chưa nói đến so sánh với các game cấp độ cao cấp hơn".
Còn so về doanh thu, ông Khánh cho biết Việt Nam chưa thể sản xuất được những game có doanh thu tỉ USD/năm. "Nếu nói về game trên nền tảng PC (máy tính) hay Console (máy chơi game) thì doanh nghiệp Việt Nam gần như chưa thể so sánh được", ông Khánh nhận định.
Tương tự, ông Kelly Wong - phó tổng giám đốc khối trò chơi trực tuyến VNG - cũng cho rằng: "Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển những tựa game phức tạp như thể loại RPG (game nhập vai)...".
Theo ông Wong, việc phát triển một tựa game rất rủi ro, thậm chí còn rủi ro hơn cả sản xuất một bộ phim vì lý do kinh phí, thời gian sản xuất... "Chúng ta vẫn đang tập trung làm những tựa game phổ thông với kịch bản chơi đơn giản...", ông Wong nói.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực còn cho rằng việc Chính phủ chưa có chính sách đầu tư chú trọng vào ngành sản xuất game, còn đánh đồng giữa sản xuất game (development) và phát hành game (publishing) - tức mua game nước ngoài về vận hành trong nước - cũng tạo ra không ít khó khăn.
Tại Ngày hội game Việt Nam 2023 diễn ra hồi tháng 4-2023, ông Lê Quang Tự Do, cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết đã đặt mục tiêu cho ngành game phải nhanh chóng tăng doanh thu lên 1 tỉ USD, tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp game từ 30 hiện nay lên 100 thậm chí là 150, thu hút được 400 start-up sản xuất tham gia cộng đồng.
"Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với các bộ ngành để có ưu tiên phát triển ngành game. Đầu tiên là bỏ các loại thuế không hợp lý, thứ hai là có các chính sách thí điểm hỗ trợ như Sandbox. Bộ cũng đang soạn thảo để trình Chính phủ nghị định mới về quản lý game, trong đó kiến nghị bỏ các giấy phép, thủ tục hành chính rườm rà", ông Tự Do nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Khánh - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Wolffun Game - cũng cho rằng Nhà nước cần sớm có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi vốn khởi nghiệp nhiều hơn cho ngành game. Đây là điều mong mỏi của các studio sản xuất game đã đề xuất từ lâu nhưng chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Lê Quang Tự Do (cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông):
Liên minh để cùng phát triển
Hạn chế lớn nhất là chúng ta chưa đi cùng nhau. Trong 10 năm qua, ngành game chúng ta chọn cách đi một mình để đi nhanh nên chỉ có một vài doanh nghiệp phát triển còn cộng đồng game thì không. Vì không đi cùng nhau nên ngày càng gặp nhiều khó khăn. Vì không đi cùng nhau nên không tận dụng được lợi thế của nhau.
Các bên giỏi viết game, làm game thì không có kinh nghiệm phát hành nên tiếp cận người dùng ít. Còn các bên làm phát hành rất tốt thì tìm những game Việt chất lượng lại không tìm được. Vì vậy dẫn đến thực trạng là người Việt Nam hầu hết chơi game nước ngoài, còn doanh nghiệp Việt sản xuất game lại không phải cho người chơi trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đứng ra lập liên minh game để cùng nhau hỗ trợ, thúc đẩy ngành game phát triển. Chúng tôi cũng đang kêu gọi các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cơ hội đầu tư hợp tác tại Việt Nam. Sắp tới sẽ có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới đến Việt Nam để hợp tác như từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...
(chia sẻ tại Ngày hội game Việt Nam 2023 đầu năm 2023)
Ông Nguyễn Đình Khánh (nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Wolffun Game):
Cần coi sản xuất game là ngành công nghiệp không khói
Phải phát triển hệ sinh thái cả chất và lượng. Các công việc liên quan đến ngành bao gồm thiết kế game, kỹ sư phân tích dữ liệu, họa sĩ, lập trình viên chuyên game cần được đưa vào giảng dạy như các nước phát triển như Phần Lan, Singapore, Canada, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Các quốc gia này đã xem sản xuất game là ngành công nghiệp không khói có thể tạo ra hàng tỉ USD. Các đơn vị hiệp hội hay cơ quan chính phủ tổ chức tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối nguồn lực trong và ngoài nước.
Xóa bỏ định kiến, phát triển ngành game
Sản xuất game còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã xây dựng được tên tuổi và vị trí trên thị trường toàn cầu, song ngành này còn đối diện không ít định kiến.
Từ một số game xấu, cả ngành game đã chịu tác động tiêu cực.
Những mặt tích cực
Theo một số chuyên gia, vấn đề là kiểm soát thời gian và loại trò chơi, còn thực tế người chơi game, các trò chơi giáo dục có thể giúp trẻ em học tập các kỹ năng sống cần thiết như học tiếng Anh, học tính toán, học các kỹ năng cần thiết cho trẻ...
Các trò chơi giải trí có thể giúp người chơi giải tỏa stress và giảm căng thẳng, kết nối nhiều người. Hiện có rất nhiều hình thức thể thao, giáo dục, y tế thông qua các trò chơi trên máy tính và điện thoại...
Game còn là một sản phẩm văn hóa để có thể truyền bá hình ảnh đất nước. Hàn Quốc đã tổ chức rất nhiều sự kiện quảng bá về các trò chơi để mọi người có thể tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của nước này.
Ít ai biết phần lớn các công nghệ mới, đang "hot" trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo (VR) đều được thử nghiệm và ứng dụng trong ngành game gần như đầu tiên.
Tuy vậy nhiều năm qua, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm. Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng do có một số trò chơi không tốt nên quan niệm chung với game là không lành mạnh, bạo lực...
Và thực tế tại Việt Nam, game vẫn là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể ở đây là Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Trong khi hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game phát hành trái phép ở Việt Nam.
Những năm trước đây, các nội dung gây hại, không phép... làm hình ảnh của ngành game xấu đi rất nhiều. Tuy nhiên những năm gần đây, với sự nỗ lực rất lớn của cơ quan chức năng cùng với sự ra đời của liên minh game Việt Nam, vấn đề này đã cải thiện rõ rệt. Vì vậy, cần có cái nhìn công bằng hơn từ xã hội với ngành game, bên cạnh việc xử lý nghiêm những sai phạm.
Cần đào tạo bài bản để phát triển ngành game
Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Khánh - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Wolffun Game, để ngành game phát triển bài bản, cần đầu tư hơn cho con người. Đội ngũ nhân sự của nhiều doanh nghiệp sản xuất game tại Việt Nam hiện nay còn thiếu kinh nghiệm do đa phần là "nghề dạy nghề", các thế hệ trước đúc kết kinh nghiệm đào tạo lại. Thị trường thiếu sự đào tạo chuyên nghiệp đến từ các trường đại học hay trung tâm.
Cùng với đó, "Nhân lực phát triển game có tuổi nghề thấp, lấy ví dụ như nhà thiết kế game, thường yêu cầu số năm kinh nghiệm từ 5 - 10 năm. Những người này tại Việt Nam rất ít", ông Khánh nói và nhấn mạnh cần hỗ trợ để các công ty dẫn đầu tập trung vào chất lượng để làm chủ công nghệ sản xuất game hơn là số lượng bằng cách đầu tư đào tạo nguồn nhân lực vào phát triển các thể loại game dài ngày hơn, thậm chí là những game có chất lượng AAA phát hành trên nền tảng hệ máy chơi game và máy tính.
Game Việt doanh thu còn khiêm tốn
Theo báo cáo Newzoo 2022, Việt Nam là nước đứng thứ ba Đông Nam Á về số lượng người chơi game di động với 54,6 triệu người chơi nhưng doanh thu vẫn còn khá khiêm tốn với chỉ 507 triệu USD.
Indonesia hiện là nước có số người chơi game di động cao nhất năm 2022 với 138 triệu người, doanh thu dẫn đầu thị trường với hơn 1,4 tỉ USD. Đứng thứ hai về lượng người chơi là Philippines với 58 triệu người, nhưng doanh thu lại xếp top 4 (592 triệu USD).
Trong khi Thái Lan chỉ có 38,3 triệu người chơi nhưng doanh thu lại đứng top 2 thị trường Đông Nam Á với 763 triệu USD. Ước tính năm 2025, quy mô doanh thu ở thị trường Việt Nam vẫn còn duy trì khoảng cách khá xa so với Thái Lan và chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với tổng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á.
Siết game xấu, lậu
Từ năm 2019 đến nay, theo yêu cầu của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Google đã gỡ bỏ 294 game cờ bạc, bạo lực, không phép; Apple cũng đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép; dừng hoạt động 543 trang web có dấu hiệu cung cấp các game không phép, game cờ bạc, đổi thưởng...
Đầu tư để xứng đáng là "cường quốc game"
Các nhà phát triển game Việt đều thấy trách nhiệm phải vươn lên nhanh hơn nữa. Họ đang làm thế nào?
Theo ông Thái Thanh Liêm - giám đốc điều hành studio game Topebox, dù khởi động chậm hơn nhưng với những cơ hội và thị trường mới, Việt Nam lại là quốc gia có khuynh hướng dẫn đầu trên thế giới. "Thấy rõ qua hai ví dụ: Flappy Bird của Hà Đông đã mở ra kỷ nguyên game phổ thông trên di động ở toàn thế giới. Axie Infinity mở ra mô hình làm game blockchain cho cả thế giới noi theo", ông Liêm nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nếu trước đây các game phát hành tại Việt Nam hầu hết phải mua sản phẩm từ Hàn Quốc hay Trung Quốc, thì nay các công ty game như GOSU, VNG, VTC... đều đã chuyển dịch từ mua game sang đầu tư cho công nghệ, làm chủ công nghệ và phát hành trên khắp thế giới.
Ông Nguyễn Trường Minh - giám đốc Trung tâm GBC, Công ty GOSU - cho biết: "Việt Nam có rất nhiều nhân sự giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại các công ty lớn trên thế giới như Google, META hay Microsoft... Lĩnh vực game được phát triển mạnh mẽ đã tạo ra một môi trường tốt để các kỹ sư này phát triển".
Nhiều doanh nghiệp game trong nước đã triển khai những bước đi mạnh mẽ cho nguồn nhân lực - quyết định sự thành bại của việc sản xuất game - trong tương lai. Chẳng hạn, VNG cho biết đã làm việc sâu với các trường đại học lớn như Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP.HCM... để liên tục tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao; làm việc với ĐH Tôn Đức Thắng cùng xây dựng chương trình đào tạo ngành game...
"Về khả năng sáng tạo - một yếu tố rất quan trọng để phát triển game, Việt Nam đang bắt kịp rất nhanh xu hướng thế giới và linh hoạt ứng dụng phù hợp với văn hóa trong nước", ông Kelly Wong nhận định và cho biết hiện VNG Games đang có 1.300 nhân sự làm việc tại 11 văn phòng trong khu vực Đông Nam Á và lân cận như Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta, Manila, Đài Bắc...
Đã có nhiều thành công
Báo cáo do Google công bố cũng cho thấy có đến 93 công ty phát triển game và ứng dụng tại Việt Nam sở hữu 171 ứng dụng từng ít nhất một lần lọt vào bảng xếp hạng top 10 ứng dụng được tải xuống nhiều hằng tuần trên Play Store (kho ứng dụng chính thống dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android).
"Con gà đẻ trứng vàng"
Theo trang phân tích thị trường trò chơi điện tử hàng đầu thế giới Newzoo, tổng doanh thu ngành game trong năm 2022 là 182,9 tỉ USD. Dự báo năm 2023, doanh thu ngành này đạt tới 187,7 tỉ USD.
Tỉ trọng các mảng trò chơi cho điện thoại thông minh chiếm đến 50% tổng doanh thu. Doanh thu từ mảng thiết bị chơi game chuyên dụng chiếm 30%...
Mỹ tiếp tục là nước đổ tiền vào trò chơi điện tử nhiều nhất thế giới khi người Mỹ được dự đoán sẽ chi 48,3 tỉ USD cho game trong năm 2023. Trung Quốc thứ hai với 44,4 tỉ USD.
Hiện Trung Quốc tiếp tục khẳng định vị thế nền công nghiệp game hàng đầu thế giới khi sở hữu Tencent - công ty game lớn nhất thế giới tính theo doanh số. Trong năm 2023, Tencent được dự báo sẽ thu về 7,5 tỉ USD và bỏ xa công ty đứng thứ hai là Sony (Nhật) với doanh thu khoảng 4,38 tỉ USD.
Tencent hiện sở hữu Riot Games, "cha đẻ" của các tựa game online phổ biến như Liên Minh Huyền Thoại, Valorant...
Thị trường trò chơi điện tử thế giới được đánh giá là "con gà đẻ trứng vàng". Newzoo ước tính doanh thu ngành game toàn cầu sẽ đạt 212,4 tỉ USD vào năm 2026.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận