02/02/2022 10:32 GMT+7

Công nghệ Việt 'bung lụa' ở Nhật Bản

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn vươn lên mạnh mẽ bằng những hợp đồng hàng triệu đô từ thị trường Nhật Bản.

Công nghệ Việt bung lụa ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Họp trực tuyến với khách hàng Nhật để thực hiện dự án của đội ngũ FPT - Ảnh: P.T.

Cuối tháng 11-2021, trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ với 17 doanh nghiệp (DN) hàng đầu Nhật Bản bàn về hợp tác phát triển chuyển đổi số.

Qua đây thông tin nhiều DN VN đã rất thành công ở Nhật được biết đến nhiều hơn. Họ là ai và đã làm gì?

Vượt qua thách thức

Tháng 6-2021, Công ty FPT Software đã xây dựng thành công hệ thống phòng tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho các bệnh viện ở Nhật Bản. Khách hàng R. là một công ty chuyên cung cấp giải pháp xây dựng Smart Home (Nhà thông minh) và Smart Hospital (Bệnh viện thông minh).

Đề bài được đặt ra là thông qua số liệu đo được từ các cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ CO2… trong không khí; kết hợp cùng thông tin lây nhiễm tại địa phương để đưa ra các cảnh báo về khả năng lây nhiễm cho các bệnh COVID-19, lao, sởi, cúm… Hệ thống cũng cần đưa ra các hướng dẫn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Anh Nguyễn Trung Thành, quản lý dự án, nhớ lại: "Khi bắt đầu dự án đã gặp nhiều thách thức. Tất cả cảm biến và cổng kết nối mạng mua ở Nhật, để gửi về VN sẽ mất ít nhất hơn một tháng. Như vậy chắc chắn sẽ không kịp giao hàng, trong khi thời hạn của dự án bao gồm cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của VN".

Vượt qua tất cả khúc mắc, hệ thống đã được đưa vào hoạt động thí điểm cho 3 bệnh viện từ cuối tháng 6-2021 và sẽ nhân rộng ra hàng loạt bệnh viện khác ở Nhật.

Nhiều hợp đồng không được công bố cụ thể nhưng theo tìm hiểu, không phải ngẫu nhiên nhiều đối tác Nhật nói DN Việt thành công trong lĩnh vực CNTT ở Nhật. Trong năm 2020, khi kinh doanh ở hầu hết các lĩnh vực trên thế giới gặp khó thì tại thị trường Nhật Bản, FPT Software vẫn giành được những hợp đồng lớn.

Chẳng hạn hợp đồng quy mô 120 triệu USD với hãng đồ uống nổi tiếng của Nhật. Hàng loạt "ông lớn" khác có doanh thu hàng tỉ USD như Honda, Toshiba, Panasonic… thành đối tác công nghệ chiến lược của FPT Software.

DN Việt được đánh giá là đối tác chiến lược chuyển đổi số, giúp quản trị hiệu quả và đóng góp vào sự tăng trưởng của các tập đoàn lớn của Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, ngân hàng, tài chính, nông nghiệp, thương mại...

Mạnh dạn đầu tư

Một DN công nghệ khác của VN là TMA Solutions cũng đạt được nhiều thành tựu khả quan tại thị trường Nhật Bản. Trong đó, nổi bật là việc một khách hàng trong lĩnh vực công nghệ cao đã tăng quy mô dự án với TMA lên gấp 4 lần.

Đặc biệt, giải pháp quản lý hành khách xe buýt thông minh ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) và IoT (Internet vạn vật) của TMA đã thử nghiệm thành công tại tỉnh Chiba và sẽ triển khai tại các tỉnh khác của Nhật. TMA hiện có hơn 3.000 kỹ sư, 21 năm kinh nghiệm tại thị trường Nhật.

Không chỉ những công ty phần mềm "anh cả" mà có công nghệ còn rất mới như Sharework - thành lập năm 2018 - cũng mạnh dạn đầu tư và phát triển lĩnh vực công nghệ phần mềm nhúng và phần mềm cho ngành ôtô trong năm 2021 khi nhận thấy "những ngành đang phát triển trên toàn cầu bao gồm cả thị trường Nhật Bản".

Hiện Sharework đang cùng các nhà cung cấp giải pháp ngành ôtô từ Đức và Ấn Độ phát triển thị trường Nhật Bản. Công ty này đang chuẩn bị tuyển dụng ít nhất 50 kỹ sư công nghệ nhúng và Autosar (tiêu chuẩn do các công ty công nghệ xe hơi hàng đầu thế giới cùng đưa ra) để phục vụ các dự án đã ký.

Ngồi ở VN, "chinh chiến" ở Nhật

Nhiều DN Việt khác dù "ngồi" tại VN nhưng vẫn "chinh chiến" và ký được hợp đồng với các đối tác Nhật Bản. Tháng 6-2021, Aris VN đã vượt qua nhiều đối thủ và giành được hợp đồng từ một doanh nghiệp top đầu của Nhật trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo chất bán dẫn và máy đo lường chính xác.

"Khách hàng muốn chuyển đổi offshore (thuê đội ngũ sản xuất) từ Trung Quốc sang VN và đã chọn Aris làm đối tác" - ông Trần Tuấn Nhật, giám đốc Công ty Aris VN, cho biết.

Vào top 50 doanh nghiệp CNTT lớn nhất Nhật Bản

Sau 16 năm hoạt động tại đất nước hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin (CNTT), FPT Nhật Bản đã lọt vào top 50 doanh nghiệp CNTT lớn nhất Nhật Bản. FPT Software cho hay đặt mục tiêu có mặt trong top 20 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất tại Nhật với doanh thu 600 triệu USD.

FPT Nhật Bản hiện có hơn 1.700 người làm việc tại 12 chi nhánh ở 12 thành phố lớn của Nhật. Bên cạnh đó còn 9.000 kỹ sư thành thạo tiếng Nhật tại VN hỗ trợ khách hàng từ xa. Trong 16 năm hoạt động, FPT Nhật Bản luôn tăng trưởng khoảng 30%/năm.

Năm 2020 FPT là công ty CNTT đầu tiên của VN gia nhập Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), một trong những tổ chức có ảnh hưởng nhất về kinh tế đối ngoại và chính sách phát triển kinh tế Nhật Bản.

Bà Chu Thị Thanh Hà, chủ tịch FPT Software, cho hay FPT Nhật Bản đã tận dụng tối đa các công nghệ tiên tiến như AI, IoT và blockchain để hỗ trợ tạo ra các loại hình kinh doanh và dịch vụ mới.

Ví dụ khi làm một dự án chăm sóc sức khỏe lớn, FPT Nhật Bản hỗ trợ phân tích lượng dữ liệu hình ảnh y tế khổng lồ bằng AI và sử dụng nó để chẩn đoán.

Hay giải pháp tiếp thị kỹ thuật số cho các hãng sản xuất thiết bị nhà ở của Nhật, công ty phát triển cơ chế cho phép người tiêu dùng có thể trải nghiệm hình ảnh sau khi thiết bị được lắp đặt bằng hình ảnh 3D mà không cần đến showroom.

Việt Nam có thế mạnh về công nghệ mới

"Thế mạnh về công nghệ mới" là nhận xét của ông Trần Phúc Hồng, phó tổng giám đốc Công ty TMA Solutions, khi nói về năng lực của người Việt, doanh nghiệp Việt trên thị trường Nhật Bản.

Ông Hồng cho rằng nhu cầu cao về các công nghệ mới như AI và IoT, vốn là các lĩnh vực kỹ sư VN có nhiều thế mạnh.

Nhờ đó, sau những năm đầu các công ty Nhật Bản còn nhiều e ngại khi làm việc với kỹ sư VN do trở ngại về ngôn ngữ và cách làm việc, nay các công ty Nhật đã tin tưởng năng lực của kỹ sư VN và sẵn sàng giao những dự án lớn và phức tạp với các công nghệ mới nhất.

Bà Quyên Nguyễn - phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp công nghệ số VN (VNITO Alliance), nhà sáng lập kiêm CEO Công ty công nghệ Sharework - cũng tin rằng đại dịch COVID dù mang đến nhiều thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt là trong các ngành mới đang bùng nổ như công nghệ xe điện và xe tự lái, ngành trí tuệ nhân tạo.

Lời giải cho bài toán Lời giải cho bài toán 'khát' nhân tài công nghệ Việt

Theo các chuyên gia, nhân tài công nghệ là điều kiện tiên quyết trong sự vươn lên của những "kỳ lân” tại Việt Nam.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp