14/03/2023 08:16 GMT+7

Công nghệ nhận diện khuôn mặt ở sân bay ra sao?

Khách tới nhiều sân bay phải chờ đợi lâu, mặc dù đã bắt đầu thí điểm ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng) nhưng công nghệ nhận diện khuôn mặt để giảm ùn tắc sân bay không dễ đi nhanh. Vì sao?

Hành khách đi máy bay ngày 13-3 được nhận diện khuôn mặt qua hệ thống đang thí điểm tại sân bay Cát Bi - Ảnh: B.Q.

Hành khách đi máy bay ngày 13-3 được nhận diện khuôn mặt qua hệ thống đang thí điểm tại sân bay Cát Bi - Ảnh: B.Q.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Huỳnh Bảo Quốc - trưởng phòng công nghệ thông tin Ban kỹ thuật công nghệ môi trường, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Hướng tới kiểm tra giấy tờ... không chạm

* Công nghệ dùng camera nhận diện khuôn mặt mà ACV đang triển khai thí điểm ở sân bay Cát Bi có gì khác biệt, thưa ông?

- ACV đang thử nghiệm hệ thống xác thực hành khách sử dụng căn cước công dân (CCCD) điện tử trong quy trình kiểm tra an ninh hàng không. 

Sân bay Cát Bi là sân bay đầu tiên lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm phục vụ thử nghiệm từ ngày 1-2-2023. Cảng đã triển khai thí điểm một làn riêng dành cho hành khách đi tàu bay nội địa có sử dụng thẻ CCCD điện tử.

Hiện hành khách khi làm thủ tục bay và đi qua cửa an ninh vẫn sử dụng các loại giấy tờ như chứng minh nhân thân, giấy khai sinh, CCCD, giấy phép lái xe. Nhân viên an ninh kiểm tra thủ công các giấy tờ này.

Khi quét CCCD, thiết bị đọc nhận diện khuôn mặt sẽ xem có giống với khách đang đứng trước mặt. Hệ thống lấy dữ liệu trong con chip, kiểm tra dữ liệu liên quan được lưu trữ của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) chứng minh giấy tờ này thật hay giả.

Sau hai khâu trên, hệ thống kết nối với dữ liệu cấm bay của Cục Hàng không Việt Nam để xác định hành khách, rồi an ninh mới scan thẻ lên tàu bay, đọc thông tin kết nối với hãng hàng không kết nối khách có nằm trong chuyến bay của hãng đó hay không... 

Toàn bộ quy trình này khoảng 13 giây, trong khi đó làm thủ công khoảng 1 phút. Hệ thống đã hỗ trợ tốt cho lực lượng an ninh hàng không, đặc biệt sẽ nhận biết ngay nếu khách sử dụng giấy tờ giả.

* Khách chưa có CCCD gắn chip hoặc CCCD bị mờ, khuôn mặt khác với trong hình như khách thẩm mỹ thì có gặp rắc rối?

- Chúng tôi chưa gặp tình huống khách phẫu thuật thẩm mỹ, khác hình ảnh trong CCCD. Tuy nhiên, tốc độ đọc CCCD điện tử của thiết bị còn chậm; một số trường hợp không đọc được thẻ CCCD do thẻ bị lỗi, mã bị mờ, bẩn...

Nhiều người sợ CCCD bị trầy, hư nên bọc nhựa ảnh hưởng đến tốc độ đọc. Quá trình đo thời gian khoảng 13 giây/khách nhưng chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện giảm xuống còn khoảng 5-8 giây/khách.

Trường hợp một trong các thông tin không trùng khớp hoặc tên của hành khách trùng với danh sách cấm bay, hoặc cần phải kiểm tra trực quan, nhân viên an ninh hàng không thực hiện quy trình kiểm tra an ninh theo quy định.

Lộ trình thực hiện công nghệ này riêng tại khu vực an ninh, chúng tôi chia thành hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu tiên, thí điểm có nhân viên đứng trực với thiết bị nhận diện. Ở giai đoạn hai, cổng an ninh tự động (security auto gate) khởi động quý 2 năm nay.

Phải làm từng bước

* ACV mới triển khai được khâu an ninh. Vì sao chưa mở rộng thí điểm toàn quy trình, từ quầy check-in, kiểm tra an ninh và cả ở cửa ra tàu bay?

- Khu vực quầy làm thủ tục máy tính, máy in của sân bay nhưng hệ thống check-in là của hãng hoặc đơn vị dịch vụ mặt đất. Để kết nối với các hãng, công ty dịch vụ mặt đất tích hợp CCCD phải phát sinh thêm chi phí cho các hãng hàng không bởi hiện tại các hãng đều mua phần mềm của nước ngoài.

* Tại sao nhiều sân bay ở Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Singapore triển khai công nghệ này đã lâu, thực hiện suôn sẻ, không vướng mắc các khâu trên?

- Ở đâu cũng vậy, khi tích hợp hệ thống giữa các bên thì phải ngồi lại chia sẻ dữ liệu mới tích hợp được. Giống như thu phí tự động đường bộ giữa VETC hay Viettel, nếu không "ngồi lại" không lẽ xe ai gắn thẻ nào thì đi trạm đó.

ACV đã gửi văn bản tới các hãng hàng không, thuyết phục làm để tăng trải nghiệm khách hàng. Các hãng sẽ phát sinh chi phí, thứ hai là bảo mật thông tin khách hàng. 

Để làm được điều này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên như cảng hàng không, hãng bay và cơ quan chức năng (như Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05).

Đúng là ở thế giới áp dụng công nghệ này nhiều nhưng chưa có sân bay nào triển khai thí điểm và áp dụng dưới một năm thực hiện. Ở Singapore, sân bay Changi triển khai vài hãng hàng không. Hàn Quốc triển khai ưu tiên cho Korean Air... Các hãng này đều có sản lượng khách và tần suất bay nhiều. 

Ở Việt Nam, ACV thí điểm cho ba hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways. Để chuẩn bị tốt các phương án, chúng tôi sẽ họp với các hãng bay. Dự kiến trong năm nay sẽ triển khai từng bước ở các sân bay, tạo sự thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Sắp thí điểm thêm ở sân bay Phú Bài

Chọn sân bay Cát Bi thí điểm vì có sản lượng khách vừa phải. ACV đã hoàn thành cơ bản hạ tầng số, nâng cấp thiết bị mạng, hệ thống sever, bảo mật... nên việc triển khai áp dụng công nghệ không gặp khó khăn về hạ tầng.

Trong thời gian tới, nhà ga T2 sân bay Phú Bài sẽ áp dụng nhận diện khuôn mặt, tiếp đến là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Long Thành... Sẽ vẫn có làn hỗn hợp, làn tự động.

Qua tính toán, áp dụng công nghệ này sẽ giảm được 70 - 80% nhân sự an ninh trong giai đoạn hai.

Tăng tốc nhận diện khuôn mặt ở sân bayTăng tốc nhận diện khuôn mặt ở sân bay

Công nghệ nhận diện khuôn mặt đã được thí điểm ở Việt Nam và đã thực hiện tại nhiều nước trên thế giới, có thể giúp giảm thời gian xếp hàng, chờ khâu an ninh, giảm nhân lực và hạ tầng. Lộ trình thực hiện như thế nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp