Bệnh nhân Đàm Thị Hạnh ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc đã được tư vấn phương pháp điều trị có trên phần mềm tích họp hàng triệu bệnh án ở Mỹ - Ảnh: THÙY LINH
Bệnh viện đầu tiên áp dụng hình thức này là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau đó là Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng đã bắt đầu ứng dụng mô hình này.
Ông Trần Quý Tường - cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế - chia sẻ rằng nói "ứng dụng trí tuệ nhân tạo" có vẻ to tát, khó hiểu và cũng đã có những ý kiến dị nghị, nhưng ở đây các bác sĩ đã sử dụng phần mềm trong đó tích hợp hàng triệu bệnh án và phương án điều trị ung thư tại Mỹ.
Bác sĩ và bệnh nhân VN ngồi ở VN có thể xem bác sĩ Mỹ đánh giá trường hợp bệnh, tư vấn thuốc và phương pháp điều trị.
Từ đó tư vấn phác đồ điều trị cho bệnh nhân VN cập nhật hơn, có tham khảo phương pháp điều trị mới của quốc tế. Phần mềm này đã được sử dụng tại 230 bệnh viện của 13 quốc gia.
"Nhiều trường hợp người bệnh còn băn khoăn về phương án điều trị của mình nhưng họ chưa tìm được bác sĩ uy tín để hỏi kỹ, tư vấn thêm.
Với hàng triệu bệnh án và phương pháp điều trị tích hợp trong phần mềm này, bệnh nhân và bác sĩ VN có thể theo dõi những phương án điều trị tiên tiến ở Mỹ" - ông Tường chia sẻ.
Chi phí cho mỗi bệnh nhân sử dụng và được tư vấn bằng ứng dụng này hiện khoảng 9 triệu đồng và đang trong thời gian được miễn giảm.
Đây là mức giá được đánh giá là cao và gây nhiều "dị nghị" nhất.
Ông Tường cho biết cũng đã đề nghị các đơn vị đưa ứng dụng này về VN xem xét mức giá phù hợp hơn với khả năng tài chính của người bệnh VN, đồng thời đề nghị Bộ Y tế xây dựng giá thành sử dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư.
Đây chỉ là một trong những ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế.
Tại hội thảo gần đây về triển khai và sử dụng những ứng dụng này, một chuyên gia CNTT chia sẻ đã hoàn tất một ứng dụng thẻ tích hợp có tác dụng định vị vị trí bệnh nhân có tình trạng nguy cấp, vị trí bác sĩ bị hành hung...
Thẻ này rất có tác dụng khi chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ, mất trí nhớ tại nhà và cộng đồng.
Khi đó nút báo trên thẻ sẽ báo vị trí bệnh nhân bị nguy hiểm đang đứng và đội cấp cứu có thể tiếp cận được.
Trường hợp khác, khi bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung, khi bấm vào nút trên thẻ cửa sẽ đóng và chuông reo để an ninh bệnh viện tới can thiệp.
PGS.TS Trần Minh Triết (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Trong giáo dục, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể dùng phân tích kết quả học tập, ý thích và khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi người trong bài học, đưa ra khuyến nghị (đọc tiếp tài liệu nào, làm bài tập gì) dựa trên những đối tượng tương tự; giúp xây dựng bài giảng sinh động hơn và cá thể hóa nội dung bài học, thích nghi theo tiến độ của người học.
Ngoài ra, hệ thống AI có thể giúp điểm danh, phát hiện người nào ngủ gục, gian lận thi cử, bài nào đạo văn.
Khuynh hướng xây dựng những công cụ ứng dụng AI là khuynh hướng mới trên thế giới, mình mong sớm triển khai tại Việt Nam.
Tôi chưa thể kết luận các trường đã ứng dụng AI nhiều hay không, nhưng tôi nghĩ, về mặt công nghệ, đó là hướng có thể triển khai, có tiềm năng phát triển mạnh và tôi thấy có nhiều người đang nghiên cứu.
Tuy nhiên, khi triển khai AI trong giáo dục cần sự tham gia của chuyên gia tâm lý, giáo dục và những vấn đề khác.
Khi công nghệ hỗ trợ nhiều như thế, cách học, tâm lý người học cũng thay đổi nhiều.
Không hẳn áp dụng công nghệ thì mọi việc sẽ hiệu quả hơn, đôi khi cũng phải để mỗi người tự động não suy nghĩ, không dựa vào máy tính quá nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận