13/07/2016 20:40 GMT+7

Từ phán quyết của PCA: Công lý thuộc về chân lý 

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Nước nào cũng chỉ kẻ vùng đặc quyền kinh tế của mình từ đường cơ sở trở ra đến 200 hải lý mà thôi, chứ không có chuyện khơi khơi nói tổ tiên tôi hồi xưa đã tới đó rồi nhận vơ là của mình...

Nhiều người tụ tập reo hò ở thủ đô Manila trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài - Ảnh: Reuters
Nhiều người tụ tập reo hò ở thủ đô Manila trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài - Ảnh: Reuters

Sáng 12-7 (giờ La Haye), bằng 5/5 phiếu nhất trí, Tòa trọng tài thường trực PCA, được thiết lập căn cứ trên phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), đã công bố tuyên định về vụ trọng tài do Cộng hòa Philippines khởi kiện Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Sự nhất trí tuyệt đối này không đơn giản là một nhãn quan chung, một lập trường chung, một thái độ chung của năm vị quan tòa Thomas A. Mensah (chủ tịch), Jean-Pierre Cot, Stanislaw Pawlak, Alfred H.A. Soons, Rüdiger Wolfrum, mà còn là, và chính là sự thể hiện của chân lý về một số vấn đề liên quan đến Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, ở đây là UNCLOS.

Tất nhiên về mặt hình thức đây là một phiên tòa và một phán quyết đáp ứng đơn kiện của Cộng hòa Philippines. Song, về nội dung và tinh thần luật pháp, phán quyết này chính là cái nhìn duy nhất đúng về một số vấn đề Biển Đông, như các quyền lịch sử cùng nguồn gốc của các chủ quyền trên biển trong Biển Đông (mà Trung Quốc cho tới nay vẫn cao giọng tự nhận là “từ cổ đại” và “không thể tranh cãi”), như tính pháp lý của một số thực thể trên biển (các dải đá, các bãi nửa chìm, nửa nổi... chẳng hạn) cùng các tuyên bố chủ quyền đơn phương phát xuất sau khi bồi đắp các dải đá, bãi chìm đó, và về cả tính hợp pháp của một số hành động của Trung Quốc.

Nói cách khác, phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa PCA chính là công lý của chân lý về Biển Đông.

Chân lý ấy là gì? Tòa đã tuyên rằng: Trung Quốc đã từng có quyền lịch sử đối với các tài nguyên trên Biển Đông, song các quyền đó đã chấm dứt do không khớp với các vùng đặc quyền kinh tế được quy định bởi UNCLOS.

Nôm na mà nói, tòa không buồn tranh luận về những điều mà Trung Quốc tự nhận là có chủ quyền từ thời xa xưa, mà tuyên rằng căn cứ các điều khoản của UNCLOS về các vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý tính từ đường cơ sở), thì những vùng biển mà Trung Quốc cho là “chủ quyền lịch sử từ mấy mươi đời” là ngoại khổ: nước nào cũng chỉ kẻ vùng đặc quyền kinh tế của mình từ đường cơ sở trở ra đến 200 hải lý mà thôi, chớ không có chuyện khơi khơi nói tổ tiên tôi hồi xưa đã tới đó rồi nhận vơ là của mình!

Bởi thế, tòa đã giấy trắng mực đen tuyên rằng: ”Cho dù các nhà hàng hải và ngư dân Trung Quốc, cũng như của các nước khác, trong lịch sử đã có sử dụng các hòn đảo trên Biển Đông chăng nữa thì cũng chẳng có bằng chứng nào rằng Trung Quốc đã, trong lịch sử, hành xử quyền kiểm soát một cách độc quyền các vùng biển hay tài nguyên đó”.

Từ đó, tòa nhấn mạnh: ”Không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”.

Quá rõ ràng phán quyết của tòa: cái gọi là “đường chín đoạn” không có một chút giá trị nào!

Tòa cũng đã tuyên rằng các tảng đá mà Trung Quốc nay bồi đắp và đưa viên chức đến không thể nào có quy chế của các hòn đảo có dân cư sinh sống và kết luận rằng: ”Không một thực thể nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo thành một vùng đặc quyền kinh tế”.  

Về các hành động của Trung Quốc, tòa đặc biệt nhấn mạnh rằng: ”Tòa nhận thấy rằng việc Trung Quốc gần đây bồi đắp trên quy mô lớn và xây các đảo nhân tạo là không tương thích với các nghĩa vụ của một Nhà nước trong khi đang phải giải quyết tranh chấp”.

Công lý cuối cùng cũng đã được tuyên, và công lý thuộc về chân lý vốn là lợi ích chung của nhân loại, và trong trường hợp này là của tất cả các bên liên quan: những giai thoại vu vơ không thể nào được xem là chứng từ lịch sử, càng không là cơ sở của những tuyên cáo chủ quyền kiểu “đường chín đoạn”, những tạo vật mới dựng lên không thể biến thành những đảo thiên nhiên...

Và cuối cùng: những mưu đồ chiếm lĩnh bằng vũ lực không bao giờ là hợp pháp cả.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp