Chiều 8-10, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai ba dự án luật, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã nêu ra một số vướng mắc trong điều chỉnh bảng giá đất, đấu giá đất…
Ông Ngân đánh giá sau thời gian 2 tháng thi hành, với các quy định mới của Luật Đất đai, bước đầu cho thấy các chính sách mới đã mang lại hiệu quả.
Đó là việc phân cấp, phân quyền về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, xác định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… tạo được sự đồng thuận của đa số người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên ông Ngân cũng chỉ ra một số tồn tại, "một số điểm nổi lên" trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai.
Vướng mắc bảng giá đất không phải do chính sách mà do địa phương
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, trong Luật Đất đai 2024 có quy định mang tính chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1-1-2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Tuy nhiên khi tiến hành điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ thì sẽ xảy ra trường hợp bảng giá đất điều chỉnh có chênh lệch rất lớn so với bảng giá đất hiện hành.
Đặc biệt, tại các địa phương trong giai đoạn 2021 - 2024 mà không hoặc không thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất, đến nay thực hiện điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng vì số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao. Tuy nhiên số địa phương xảy ra vấn đề này không nhiều.
Ông Ngân nhấn mạnh việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai 2013 đến nay, đối với các địa phương có sự điều chỉnh bảng giá đất đúng theo quy định thì không xảy ra tình trạng trên.
"Như vậy, vấn đề này không phải vướng mắc từ chính sách, quy định của pháp luật mà vướng mắc xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt của một số địa phương", ông Ngân nhận định.
"Công khai người bỏ cọc đấu giá đất để hạn chế trục lợi"
Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các đối tượng đầu cơ đất đai.
Bên cạnh đó, các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng trong thời gian dài.
"Một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.
Thậm chí sau khi đấu giá một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây dư luận không tốt tại một số địa phương", ông Ngân phân tích.
Ông Ngân cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo một số nội dung để giải quyết "một số vấn đề nổi lên" trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai.
Đáng chú ý, trong đó có nội dung đề nghị các địa phương khi tổ chức đấu giá đất "phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản".
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất. Trước mắt, đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024, ông Ngân nêu tại hội nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận