27/11/2011 03:03 GMT+7

Công khai giá thành sản phẩm xăng dầu, điện, than

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Sáng 26-11, Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ hai sau 29 ngày làm việc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Quốc hội đã làm việc với tinh thần dân chủ, đổi mới, trách nhiệm cao, thẳng thắn, phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình kinh tế - xã hội và quyết định các vấn đề quan trọng.

Wu1fKKfl.jpgPhóng to
Ảnh: Thuận Thắng

Tại cuộc họp thông báo kết quả kỳ họp được tổ chức vào buổi chiều, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội bị một số đại biểu và cử tri phàn nàn là mang “phong cách lãnh đạo ở bên Chính phủ”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng “nhiều đại biểu cứ diễn giải nhiều mà hỏi ít” nên chủ tịch mới định hướng “để hỏi ngắn gọn và đúng nhóm vấn đề mà Quốc hội chất vấn”. Tuy nhiên, theo ông Phúc, sau khi có ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có lời xin lỗi.

Kiểm soát nợ xấu của ngân hàng

Trước khi bế mạc, Quốc hội thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một nét mới trong hoạt động của Quốc hội vì rất hiếm khi Quốc hội ban hành các nghị quyết sau phiên chất vấn.

Nghị quyết khẳng định chủ trương thực hiện cơ chế thị trường đối với điện, xăng dầu, than và hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các đối tượng chính sách. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh và giá thành sản phẩm để đại biểu Quốc hội và nhân dân giám sát, năm 2015 thực hiện xong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Cơ cấu lại và tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo hệ thống quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng lộ trình giảm bội chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và do địa phương vay. Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, đảm bảo không còn ngân hàng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Điều hành tỉ giá theo tín hiệu của thị trường để khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu và đảm bảo giá trị đồng tiền VN. Thị trường vàng được quản lý chặt chẽ, không để giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn so với giá thế giới. Giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào.

Quốc hội cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; kiểm soát cho vay bất động sản, kinh doanh chứng khoán và nợ xấu của ngân hàng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong kinh doanh ngân hàng, ngoại tệ và vàng.

Đối với lĩnh vực giao thông, Quốc hội ghi nhận khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông, nạn ùn tắc giao thông; xác định chỉ tiêu từ năm 2012 giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5-10% mỗi năm; giảm mức độ ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM.

Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp

Theo nghị quyết, Quốc hội quyết định tăng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm mức đầu tư năm năm tới cao gấp hai lần năm năm 2005-2010, phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới. Bảo đảm giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Tổ chức thực hiện tốt việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, nhất là bảo hiểm rủi ro thiên tai, dịch bệnh đối với cây lúa, gia súc, thủy sản.

Về lĩnh vực giáo dục, nghị quyết yêu cầu Chính phủ xây dựng đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; quy định chặt chẽ các điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài, đào tạo từ xa, đào tạo tại chức để đảm bảo chất lượng đào tạo đại học; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học vi phạm điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, không để gây quá tải và áp lực cho học sinh cấp cơ sở.

* Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề. Theo đó, Quốc hội yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với khu kinh tế và làng nghề. Hoàn thiện hướng dẫn đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giám sát chặt chẽ việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường và đầu tư đối với công tác bảo vệ môi trường.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu kinh tế, trong đó chú trọng việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải tập trung khi đi vào hoạt động.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến dư luận và các tố cáo đại biểu Quốc hội Long An Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ngày 21-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và nghe báo cáo bước đầu của Bộ Công an liên quan đến các nội dung tố cáo đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. Theo kết quả xác minh, bà Yến chưa bị khởi tố bị can trong một vụ án làm lộ bí mật đấu thầu nước ngoài năm 1998. Chưa có tài liệu xác minh bà Yến trốn ra nước ngoài và chuyển tiền bất hợp pháp.

“Bà Yến từng bị cấm xuất cảnh hai năm, từ ngày 16-10-1998 đến 16-10-2000 để phục vụ công tác điều tra vụ án” - ông Phúc nói. Ông Phúc cũng cho biết liên quan đến vụ việc ly hôn của bà Yến, một thẩm phán TAND tỉnh Long An đã bị kỷ luật khiển trách do mắc lỗi trong quá trình giải quyết, vụ việc này đang được xem xét theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục làm rõ các nội dung liên quan đến bà Yến và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31-12-2011.

Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII cũng được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành cao. Theo đó, trong nhiệm kỳ này Quốc hội nhất trí đưa 85 dự án luật, sáu dự án pháp lệnh vào chương trình chính thức, 38 dự án luật và ba dự án pháp lệnh thuộc chương trình chuẩn bị. Dự án Luật biểu tình được đưa vào chương trình chuẩn bị. Các dự án Luật nhà văn, Luật bảo vệ quyền riêng tư không có trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp