23/01/2015 10:50 GMT+7

​Cộng đồng quốc tế tuyên chiến với khủng bố

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Hôm qua, ngoại trưởng các nước liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhóm họp tại London (Anh) để thảo luận chiến lược đối phó với làn sóng cực đoan quốc tế đang trỗi dậy.

Binh sĩ Pháp tuần tra tại thủ đô Paris để ngăn ngừa khủng bố - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Pháp tuần tra tại thủ đô Paris để ngăn ngừa khủng bố - Ảnh: Reuters

Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đồng chủ trì cuộc họp có sự tham gia của đại diện 21 trên tổng số 60 quốc gia thành viên liên minh chống IS. Đây là lần đầu tiên liên minh do Mỹ dẫn đầu nhóm họp kể từ khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) khiến 17 người thiệt mạng.

“Bọn khủng bố muốn chúng ta chia rẽ, nhưng những hành động của chúng đã gây tác dụng ngược. Chúng ta cần phải tấn công trên mọi mặt trận nhưng phải thông qua pháp luật, việc chia sẻ tin tình báo, xử lý các vấn đề cốt lõi để những lời kêu gọi của bọn khủng bố trở thành vô tác dụng và các tay súng nước ngoài không còn muốn đến chiến trường để gây tàn phá” - Ngoại trưởng Kerry khẳng định.

Ngăn chặn cực đoan ra nước ngoài

IS cạnh tranh Al-Qaeda

CNN dẫn nguồn tin an ninh Mỹ khẳng định hiện IS đã triển khai lực lượng tại ba tỉnh ở miền nam, miền trung Yemen và đang cạnh tranh trực tiếp với tổ chức 

Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP). Một cuộc đọ súng giữa hai nhóm đã nổ ra ở miền đông Yemen hồi tháng trước.

Tình báo Mỹ xác định IS đang tuyển quân tại Yemen, từ lâu đã là một lò lửa cực đoan.

Theo báo New York Times, nhiều quan chức ngoại giao Mỹ cho biết cuộc họp của các ngoại trưởng liên minh chống IS chủ yếu tập trung vào chiến lược ngăn chặn những tay súng nước ngoài gia nhập IS ở Iraq và Syria.

Anh em nhà Kouachi, hai kẻ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, có mối liên hệ với Al-Qaeda ở Yemen, trong khi hung thủ tấn công siêu thị Amedy Coulibaly tự xưng là đại diện của IS.

Các cuộc tấn công khủng bố tại Paris đã làm dấy lên mối lo ngại những tay súng nước ngoài chiến đấu ở Trung Đông sẽ trở về nước và gây náo loạn.

Dự kiến liên minh chống IS sẽ thành lập một nhóm chuyên gia để chia sẻ thông tin tình báo nhằm ngăn chặn những kẻ cực đoan ra nước ngoài.

Cảnh sát châu Âu (Europol) ước tính khoảng 5.000 công dân châu Âu đã đến Iraq và Syria để gia nhập IS và các tổ chức khủng bố khác.

Hãng an ninh Soufan Group cho biết hơn 500 tay súng đã quay về châu Âu. Tình báo Mỹ xác định hiện mỗi tháng có khoảng 1.000 công dân nước ngoài đến Iraq và Syria gia nhập các tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ với đường biên giới dài hơn 800km bị xem là cửa ngõ chủ yếu để cực đoan quốc tế tiến vào Syria và Iraq.

Các quan chức Mỹ đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ không đủ nguồn lực để đảm bảo an ninh tại biên giới. Các nước EU cho biết sẽ trấn áp nạn buôn lậu vũ khí, hỗ trợ cảnh sát ở Trung Đông và Bắc Phi để chặn công dân châu lục ra nước ngoài.

Nhật chạy đua với thời gian

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida không có mặt trong cuộc họp ở London dù trước đó đã thảo luận với Ngoại trưởng Anh Philip Hammond. Theo báo Japan Times, Chính phủ Nhật thừa nhận vẫn chưa đối thoại được với IS về số phận của hai con tin là nhà báo tự do Kenji Goto và doanh nhân Haruna Yukawa.

“Chúng tôi không thể đảm bảo được sự an toàn của họ” - chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết.

Trước đó, IS đe dọa sẽ sát hại hai con tin này trong vòng 72 giờ nếu Tokyo không chịu trả 200 triệu USD tiền chuộc. Thời hạn này sẽ hết hiệu lực lúc 12g50 hôm nay (23-1, giờ VN). Chiến lược của Nhật là nhấn mạnh khoản hỗ trợ 200 triệu USD mà Tokyo dành cho các nước liên minh chống IS hoàn toàn mang tính chất nhân đạo và phi quân sự.

“IS hiểu sai về ý định của chúng tôi - ông Suga khẳng định - Chúng tôi không muốn chống lại thế giới Hồi giáo, mà muốn giúp đỡ hàng triệu người tị nạn trong khu vực. Đó là sự hỗ trợ nhân đạo. Chúng tôi muốn họ hiểu rõ điều này và thả các con tin”.

Mới đây chính quyền Jordan cam kết sẽ làm tất cả để giúp hai con tin Nhật trở về nước an toàn. Nguồn tin báo chí Nhật cho biết hồi tháng 12-2014 có kẻ đã gửi thư điện tử cho vợ ông Goto đòi tiền chuộc 8-16 triệu USD.

Theo CNN, hồi tháng 10-2014 ông Goto làm một đoạn video ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, trong đó ông khẳng định muốn đến vùng đất bị IS chiếm đóng vì ông là nhà báo. Ông nhấn mạnh nếu điều gì đó không may xảy ra thì đó là trách nhiệm cá nhân của ông.

“Người dân Syria phải chịu đau khổ suốt hơn ba năm qua và tôi muốn biết IS muốn gì” - ông Goto cho biết. Ông có quen biết với con tin thứ hai là ông Yukawa.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp