Trên một số hội nhóm chơi Pi trên mạng xã hội Facebook những ngày qua xuất hiện những chia sẻ, kêu gọi xóa ứng dụng Pi trên điện thoại, đồng thời "nghỉ chơi" đồng tiền ảo này.
Người chơi Pi bắt đầu hoài nghi?
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại nhiều trang cộng đồng những người chơi tiền ảo Pi tại Việt Nam và cả trên trang Facebook chính thức của Pi trên toàn cầu, những bài viết chia sẻ sự hoài nghi, thậm chí mất niềm tin vào đồng tiền ảo này đã xuất hiện.
Trên nhóm Pi Network Việt Nam với hơn 311.000 thành viên, thành viên Hữu Bình cho biết: "Theo Pi nhiều năm rồi. Tin tưởng vào Pi. Mình cũng biết chờ đợi là hạnh phúc nhưng hy vọng hơn một năm rồi. Ai cảm xúc giống mình không".
Thành viên Đức Thao đáp bình luận: "Mình cũng như bạn luôn, chán". Còn thành viên Đạt Lê cho biết: "Giờ tao vứt đấy, chả thèm vào bấm sét nữa (sét là biểu tượng trong ứng dụng Pi Network trên điện thoại dùng để kích hoạt tính năng đào Pi - pv)".
Có thành viên tỏ ra cay đắng: "Nghĩ lại một đám nhao nhao lướt quảng cáo cho Nicolas (nhà sáng lập Pi Network - pv) mua lâu đài. Ai mà nói thật thì cũng nhao nhao chửi y như vụ lan đột biến. Bản thân dự đoán 99% là chẳng đi đến đâu"...
Tại một số trang cộng đồng khác là những chia sẻ như: "Tôi đã dừng đào (Pi) từ nhiều tháng trước và không còn quan tâm đến nó nữa", "Xóa app nghỉ chơi thôi anh ae", "Tôi đã xóa các app Pi khỏi điện thoại"...
Tuy nhiên, những bài viết này đã gần như ngay lập tức bị xóa khỏi các trang hội nhóm liên quan đến cộng đồng chơi Pi. Thay vào đó là rất nhiều bài viết phản đối lại những lời kêu gọi này, thậm chí cho rằng đó là chiêu trò kích động, phá rối của những người anti - phản đối.
Thậm chí, một số trang tin, báo điện tử đăng bài viết nói về việc người chơi Pi kêu gọi xóa app cũng được nhiều thành viên chia sẻ hoặc chụp lại và đưa lên các hội nhóm này với những lời lẽ phản đối rất mạnh mẽ.
Một số thành viên còn kích động kêu gọi xóa app của trang tin, báo điện tử vì cho rằng bài viết đã phản ánh không đúng sự thật.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nguồn cơn dậy sóng của cộng đồng người chơi Pi tại Việt Nam xuất phát từ sự chán nản của nhiều người dùng khi đã chờ rất lâu, thậm chí nhiều năm nhưng đồng tiền Pi vẫn chưa được mở để giao dịch với các đồng tiền khác.
Nghĩa là đồng tiền Pi này chỉ là những con số hiện trên ứng dụng trên điện thoại của người chơi, hoặc có thể được giao dịch trong cộng đồng những người chơi bằng sự đồng thuận giữa họ với nhau.
Còn thực tế đồng Pi vẫn chưa được công nhận và chấp thuận giao dịch với các đồng tiền khác.
Cẩn thận kỳ vọng thái quá
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia công nghệ (đề nghị không nêu tên) phân tích có ba góc nhìn về thực trạng của tiền ảo Pi hiện nay là: công nghệ, tiếp thị và tiền mã hóa (cryptocurrency).
Về góc độ tiếp thị, họ đã siêu thành công khi thu hút số lượng người dùng tham gia check-in và mở app hằng ngày rất lớn. Tuy nhiên về góc độ kỹ thuật, "Pi hứa là xây dựng một mạng blockchain layer 1 để làm thành một mạng xã hội kiểu Facebook, nhưng đến ngày hôm nay thì vẫn chưa có mạng gì hết dù nhiều năm rồi. Trong khi việc ra mắt một mạng layer 1 không thể lâu như thế. Hiện tại họ chỉ có một cái app đơn giản", vị chuyên gia nói.
Về mặt tiền mã hóa, theo vị chuyên gia này, đồng Pi chưa được liệt kê trên bất cứ sàn giao dịch nào và cũng không có cả đồng tiền nào trên blockchain. "Vậy ngắn gọn là họ quảng cáo là web3/blockchain nhưng cả ba yếu tố của nó là công nghệ và token thì đều không có", vị chuyên gia nhận xét.
Trong khi đó, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng làn sóng rủ nhau đào Pi mấy năm trước và làn sóng người chơi tiền ảo Pi kêu gọi xóa app vì mất niềm tin khi đội ngũ Pi Network chỉ đưa ra những lời hứa hẹn, cũng giống như một trào lưu trong xã hội. Tuy nhiên đôi lúc đó là trào lưu, kỳ vọng thái quá.
Hoặc cũng có thể xuất phát từ động cơ của một nhóm nào đó để hưởng lợi. Với đồng Pi, sau khi đồng Bitcoin tăng lên mức đỉnh kèm theo việc xuất hiện của hàng loạt đồng coin khác đã dẫn đến làn sóng rủ nhau đào Pi với một niềm tin mãnh liệt rằng "chẳng mất gì" mà một ngày nào đó những đồng Pi này sẽ như Bitcoin và người khai thác bấy lâu nay... ngủ một đêm sẽ thành tỉ phú.
Hiện nay một số quốc gia cũng đã xem Bitcoin như một phương tiện thanh toán. Nhưng vị chuyên gia này lưu ý, nhà đầu tư nên tỉnh táo trước các hiện tượng phái sinh, ăn theo đồng Bitcoin vì không phải đồng coin nào cũng có giá trị. Không phải đồng coin nào xuất hiện trên thị trường cũng là đồng Bitcoin thứ 2.
Trì hoãn đưa đồng Pi ra ánh sáng?
Ngày 28-6 vừa qua, Pi Network đã công bố kế hoạch phát triển nhằm giúp người dùng có thể giao dịch Pi với các đồng tiền điện tử khác, nhưng các điều kiện để thực hiện kế hoạch có vẻ rất khó nhằn và mất nhiều thời gian, chẳng hạn như: 15 triệu người dùng Pi xác thực danh tính (hiện đã có 12 triệu người trên toàn cầu); 10 triệu người chuyển sang Mainnet; 100 ứng dụng Pi đang hoạt động trên Mainnet hoặc sẵn sàng cho Mainnet; không có yếu tố bên ngoài gây bất lợi...
Trước những thông tin này, đông đảo người dùng Pi trên toàn cầu đã phản ứng và cho rằng đội ngũ Pi Network đang cố tình trì hoãn hoặc tìm cách kéo dài thời gian đưa đồng tiền Pi ra "ánh sáng".
Thậm chí có người còn nghi ngờ đội ngũ Pi đang không muốn thực hiện thêm gì cả bởi các điều kiện nêu trên không chỉ khó mà còn rất chung chung.
Chẳng hạn "không có yếu tố bên ngoài gây bất lợi" là điều kiện rất mơ hồ và luôn có thể tìm ra cớ để tiếp tục trì hoãn. Trong khi thực tế hiện nay, 60 triệu người chơi tiền ảo Pi trên toàn cầu đang phải hằng ngày xem quảng cáo trên các ứng dụng của Pi, gián tiếp đem lại doanh thu không hề nhỏ cho đội ngũ phát triển Pi Network.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận