Một số người lao động ngoài trời thiệt mạng do sốc nhiệt ở Tây Ban Nha tuần qua - Ảnh: AFP
“Người lao động đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu và họ cần được bảo vệ để đối phó với mối nguy hiểm ngày càng gia tăng từ nhiệt độ cực đoan”, Hãng tin AFP dẫn lời phó tổng thư ký của Liên đoàn Công đoàn châu Âu (ETUC) Claes-Mikael Stahl nói ngày 25-7.
Theo ETUC, ở châu Âu hiện chỉ có Bỉ, Hungary và Latvia có một số hạn chế hoạt động liên quan đến nhiệt độ. Tại Pháp, nơi không có giới hạn về nhiệt độ tối đa để làm việc ngoài trời, ít nhất 12 lao động đã thiệt mạng trong đợt nắng nóng kỷ lục năm 2020.
Tây Ban Nha cũng có một số giới hạn về nhiệt độ môi trường làm việc nhưng chủ yếu dành cho một số ngành nghề.
Tuần trước, khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C, ít nhất 3 lao động đã thiệt mạng ở thủ đô Madrid, gồm 1 nhân viên vệ sinh đường phố 60 tuổi, một nhân viên nhà kho 56 tuổi và 1 lao động khác chết vì sốc nhiệt.
Sự ấm lên toàn cầu được cho là nguyên nhân của đợt nắng nóng khủng khiếp ở châu Âu thời gian qua. Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo hàng chục triệu người sẽ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ trái đất tăng lên.
"Các đợt nắng nóng có thể chết người đối với những ai làm việc dưới nắng mà không được bảo vệ, như chúng ta đã thấy ở Tây Ban Nha mùa hè này", ông Stahl nói, cho rằng châu Âu cần có chính sách chung về nhiệt độ tối đa để làm việc vì "thời tiết không có biên giới".
"Các chính trị gia không thể phớt lờ nguy cơ đối với những lao động dễ bị tổn thương nhất trong khi họ thoải mái trong các văn phòng có gắn điều hòa", ông Stahl cho biết.
Theo khảo sát của Eurofound, 23% lao động ở châu Âu tiếp xúc với nhiệt độ cao trong 1/4 thời gian làm việc. Con số này tăng lên 36% và 38% trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng.
Nghiên cứu trước đó cho thấy nhiệt độ cao có liên quan đến một số căn bệnh mãn tính và làm tăng nguy cơ xảy ra chấn thương tại nơi làm việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận