Chính quyền Nga tăng cường bắt giữ các công dân, bao gồm nhà báo và nhà khoa học nước này, vì chuyển các thông tin bí mật quốc gia cho người nước ngoài trong vài năm qua - Ảnh: TASS
Phiên tòa kín xét xử ông Vasilyev diễn ra ngày 25-2. Các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội của người đàn ông này không được tòa án công khai do tính chất tuyệt mật của vụ án, theo Hãng tin Reuters.
Ông Vasilyev (52 tuổi) bị bắt tại vùng Zabaykalsky, miền đông Siberia của Nga, giáp biên giới với Trung Quốc và Mông Cổ, vào tháng 8-2019. Hãng thông tấn TASS cho biết ông Vasilyev đã nhận tội phản quốc vì đã thu thập và chuyển giao thông tin được coi là bí mật quốc gia cho cơ quan tình báo Trung Quốc.
Sau khi mãn hạn tù, ông Vasilyev sẽ bị quản thúc tại nhà thêm một năm nữa.
Hãng tin Reuters cho biết phiên tòa phơi bày những căng thẳng đằng sau việc Nga thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc kể từ năm 2014, khi quan hệ giữa Matxcơva và phương Tây chuyển xấu do việc Nga sáp nhập Crimea.
Năm 2020, các công tố viên Nga đã buộc một nhà khoa học nổi tiếng của Nga với tội danh phản quốc vì đã bán bí mật quốc gia cho tình báo Trung Quốc. Một nhà khoa học khác của nước này cũng bị giam giữ ở Siberia vào tháng 10-2020 vì bị buộc tội chuyển giao bí mật công nghệ cho Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, các công tố viên liên bang Đức đã buộc tội gián điệp đối với một công dân Đức, cho biết ông này đã chuyển sơ đồ các tầng của tòa nhà Quốc hội Đức cho tình báo Nga.
Người đàn ông, chỉ được xác định là Jens F., đã lấy tập tin định dạng PDF về sơ đồ các tầng của tòa nhà Quốc hội Đức trong thời gian ông làm việc cho một công ty bảo trì trang thiết bị điện cho tòa nhà này, theo Hãng tin Reuters ngày 25-2.
Theo các công tố viên, nghi phạm Jens F. đã gửi thiết bị lưu trữ dữ liệu chứa sơ đồ tầng của tòa nhà Quốc hội Đức cho một nhân viên Đại sứ quán Nga. Nhân viên này làm việc chính yếu cho Cơ quan tình báo GRU của Nga.
Các cáo buộc trên có thể làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Nga và Đức, trong khi Đức đang phản đối Matxcơva bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny ngay sau khi ông này trở về Nga sau nhiều tháng dưỡng bệnh tại Đức vì bị đầu độc.
Đây cũng không phải lần đầu tiên các cơ quan an ninh Nga bị cáo buộc theo dõi các cơ quan lập pháp của Đức. Năm 2016, giới chức Đức cho biết hệ thống máy tính của tòa nhà quốc hội nước này từng là nạn nhân của một vụ tin tặc do Nga thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận