24/07/2023 13:27 GMT+7

Cõng đá, vác cát, mở đường lên núi

Sau nhiều ngày miệt mài đãi cát, đắp đường, con đường bê tông lên Tu Nương, một trong hàng chục ngôi làng nằm lưng chừng núi ở huyện Nam Trà My, Quảng Nam đã hiện hình.

Người làng Tu Nương cùng hợp sức chuyển vật liệu lên đắp đường - Ảnh: B.D.

Người làng Tu Nương cùng hợp sức chuyển vật liệu lên đắp đường - Ảnh: B.D.

Người Ca Dong, Xê Đăng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) lâu nay chọn lưng chừng núi để lập làng, trú ngụ. Những ngôi làng nằm trên núi cao trông như những tổ tò vò bằng đất là thử thách không dễ để kẻ lạ ra vào.

Ngàn đời sống tách biệt như thế, việc có một con đường để tới làng là cả hành trình gian nan và không thể có được bằng tiền mà bằng lòng quyết tâm sắt đá.

Con đường trong mơ

Suốt tuần qua, không khí tại làng Tu Nương, xã Trà Tập (huyện Nam Trà My) chộn rộn khác thường. Vào làng chỉ thấy trẻ con và người già ngồi tựa cửa nhìn ra. Người lớn, thanh niên khỏe mạnh và cả học sinh tuổi đang lớn cũng rời làng ra bờ sông đãi cát từ sáng sớm.

Một cuộc vận động toàn dân làm đường được nóc trưởng và bà con đồng lòng để đắp con đường bê tông rộng 1,5m, đủ cho hai xe máy tránh nhau nối từ chân cầu treo dẫn lên tới làng.

Trưởng nóc (làng) Tu Nương Hồ Văn Dơi (29 tuổi) nói trong kỳ vọng rằng chỉ chừng vài tuần nữa thôi, lần đầu tiên sau gần 10 năm dời về nơi ở mới, 51 hộ dân ở làng anh sẽ được đi trên con đường mới. Con đường đó rộng chỉ hơn ngang sải tay thôi, nhưng người dân đã phải đợi từ rất lâu.

Tu Nương là một trong hàng chục ngôi làng nằm giữa lưng chừng núi ở huyện Nam Trà My. Tới nay để vào được làng thì phải qua sông, đi bộ thêm 30 phút nữa mới tới nơi, nhưng theo trưởng nóc Hồ Văn Dơi thì "giờ đã trung tâm lắm rồi".

"Trước đây bà con ở trên chóp núi kia, chỉ có một con đường đi bộ theo dấu chân người thôi, mỗi lần ở ngoài vào nóc mất tầm 2-3 tiếng nếu đi nhanh. Theo chủ trương di dời dân xuống các vị trí thuận lợi thì năm 2014 bà con dọn nhà về vị trí bây giờ", vị trưởng nóc nói.

Những ai đi lên Nam Trà My trên con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ ôm dọc dòng sông Tranh đều ấn tượng bởi những ngôi làng mọc túm tụm lại giữa rừng già như cảnh đâu đó thường thấy trong phim ảnh rừng Amazon.

Ngay bên mép sông, dưới những hàng cây gốc to đồ sộ, thân thẳng đứng chọc lên nền trời có những ngôi nhà dựa lưng vào núi y như những tổ tò vò khổng lồ.

Để đến được các vị trí này, trước đây phải vượt sông, nhưng năm 2019 một cây cầu sắt đã được kéo ngang lòng sông, đưa bờ bên này gần hơn làng ở bên kia.

Sống quanh năm dưới rừng già, thứ mong mỏi nhất của bà con ngoài điện là một con đường bê tông sạch sẽ.

Bà Hồ Thị Ba (70 tuổi), sinh ra và lớn lên ở chân núi, nói gần hết đời người bà chỉ mơ thấy một ngày nào đó con cháu mình được đi trên con đường bê tông xi măng sạch sẽ để lên làng.

Phụ nữ cũng góp sức mình để có con đường mong ước - Ảnh: B.D.

Phụ nữ cũng góp sức mình để có con đường mong ước - Ảnh: B.D.

Bản thiết kế trong... đầu

Dải mép đá nằm sát con sông Tranh mùa lũ hung tợn, gầm xé như mãnh thú nhưng mùa cạn thì hiền, mềm như dải lụa. Nước rút xuống, trong ngần lộ ra bờ đá và cơ man cát mịn.

Từ ngày dự án đường bê tông dẫn lên nóc được động thổ, làng Tu Nương về tới mép sông như có động, bước chân người rậm rịch từ tờ mờ sáng.

Cô giáo Trà Thị Thu - Trường THPT dân tộc bán trú xã Trà Tập, người đứng ra vận động làm đường lên nóc Tu Nương - kể rằng cuối tháng 5, khi mình đặt chân lên làng và nói rằng sẽ xin nguồn để xây tặng nhà vệ sinh cho các gia đình khó khăn thì bà con vây quanh cô giáo trẻ. Bà con nói rằng cần con đường hơn.

Nỗi trăn trở của cô Thu được trải bày và ngay lập tức nhận được sự đồng cảm, chung tay của hai nhà hảo tâm sống tại TP.HCM. Hai người này quyết định tài trợ toàn bộ xi măng để làm đường lên Tu Nương.

Khi cô giáo vùng cao gọi điện xuống làng báo đã có nguồn xi măng thì trưởng nóc Hồ Văn Dơi cùng thầy giáo trong nóc Tu Nương đã "hiệu triệu" bà con. Cuộc hội ý làng được tiến hành ngay đêm đó với sự có mặt của già làng, bà con, thanh niên trai tráng.

Một ngày cuối tháng 6, trưởng thôn Hồ Văn Dơi cầm cây gỗ tươi bé bằng ngón tay đã được bẻ gọn hai đầu, chuốt phẳng phiu và đo được 5 gang tay (tương đương với 1m). Trong đầu của già làng và bà con cũng đã thống nhất "bản vẽ thiết kế" con đường từ chân cầu Tu Nương dẫn lên làng.

Anh Dơi lẩm nhẩm rồi bước tới chân cầu, đặt cây gỗ tươi rồi hướng thẳng lên làng. Cây gỗ được gập đi gập lại trong tiếng lẩm bẩm đếm của vị trưởng nóc. Khi con số dừng lại thì bàn chân vị trưởng nóc cũng chạm tới đầu làng. Và thế là con đường được vạch ra, non dư 700m, bề rộng 1,5m.

Cả các em học sinh cũng hăng hái tham gia - Ảnh: B.D.

Cả các em học sinh cũng hăng hái tham gia - Ảnh: B.D.

Cõng đá, gạn cát đắp đường

Sáng 25-6, sau nhiều phiên họp và thống nhất của người làng, toàn bộ người mạnh khỏe, có cả học sinh nghỉ hè, đã gác hết mọi công việc để xuống sông lật từng viên đá, moi cát bỏ vào gùi cõng lên đắp đường.

Mép sông nằm ngay đường lên làng nên nguồn vật liệu có sẵn. Nhưng thứ cát bám dọc bờ sông nằm lẫn trong đá lớn nhỏ nên bà con phải lấy xẻng xúc lên từng mớ hỗn độn rồi đổ vào sàng tre. Từng lọn đá được chắt chiu thành thứ cát mịn và đổ vào gùi, bao tải rồi đặt lên lưng từng người cõng ngược lên núi.

Anh Hồ Văn Dơi nói con đường là niềm mong mỏi của bà con nên khi khởi công có những cụ già dù đã lớn tuổi nhưng vẫn ra cõng từng bao cát.

"Người khỏe thì cõng được nhiều. Người yếu thì bỏ vào cái bao tải, mỗi lần cõng chừng vài chục ký đưa lên làm đường. Học sinh trong ngày nghỉ hè cũng ra phụ gia đình. Cả làng chung sức làm đường", vị trưởng nóc Tu Nương nói.

Anh Dơi cho biết thấy bà con hăng hái tham gia làm đường, nhà hảo tâm ở TP.HCM phấn khởi nên đưa xi măng về tới tấp. Thanh niên thay phiên nhau dùng xe máy qua sông chở từng bao đem về điểm tập kết. Có xi măng, bụng dạ bà con thêm phấn chấn và tự tin. Họ bảo nhau làm từ sáng tới chiều, mỗi ngày trôi qua hình hài con đường mới đã hiện ra trước mặt...

Bà con có sức, cái chân cái tay rất mạnh. Cát sỏi thì có dưới bờ sông, nước thì chảy trên rừng về nhưng không làm ra được cái xi măng nên đành chịu, phải đi đường đất thôi. Nay cùng góp sức làm đường, vui bụng lắm.
Bà Ba tâm sự

Vui vọng cả núi rừng

Dựa trên "bản vẽ" đo đạc bằng cành cây của người Tu Nương, con đường bê tông dài 700m, rộng 1,5m và sẽ tốn hết 8 tấn xi măng. Nếu ở thành phố, làm một khúc đường như thế này chỉ cần vài ngày nhưng trên núi cao phải mất hàng tháng trời với sự chung tay của hàng chục người mỗi ngày.

"Bà con quyết tâm làm không nghỉ ngày nào, nhưng có hôm làng có đám ma thì một số người vắng. Dù vậy cũng có ít nhất 30 - 40 người ra làm đường. Khổ nhất là công sàng cát, cõng vật liệu từ sông lên đắp đường mất rất nhiều thời gian.

Tất cả phải làm bằng tay, bằng đôi chân ngược núi nên nếu tính ngày công thì nhiều ngày mới xong", ông Hồ Văn Tý (ở nóc Tu Nương) nói.

Sau nhiều ngày miệt mài đãi cát, đắp đường, con đường bê tông lên Tu Nương đã hiện hình. Ông Tý nói rằng ngày làm đường xong, bà con mổ heo cúng Yang để làm lễ ăn mừng, vui vọng cả núi rừng.

Gian nan đường đến trườngGian nan đường đến trường

TTO - Những ngày này, học sinh nhiều nơi trên thế giới bắt đầu rộn ràng vào năm học mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp