19/12/2020 06:21 GMT+7

Công chứng đất ẩu phải đền 4,3 tỉ đồng, nhưng hậu quả vẫn chưa giải quyết xong

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Vì sự cẩu thả trong việc kiểm tra giấy tờ chứng thực, phòng công chứng để "lọt cửa" một bộ hồ sơ đất và bị tòa tuyên buộc đền bù 4,3 tỉ đồng. Từ sai sót này, người dân cũng mướt mồ hôi đòi lại quyền lợi.

Công chứng đất ẩu phải đền 4,3 tỉ đồng, nhưng hậu quả vẫn chưa giải quyết xong - Ảnh 1.

Suốt 8 năm nay, ông Võ Văn Thiện phải ôm đơn mỏi mòn đòi quyền lợi nhưng chưa có hồi kết - Ảnh: B.D.

Ông Võ Văn Thiện ở TP Đà Nẵng cho biết năm 2012 ông mua một lô đất rộng 1.559m2 tại khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) do Công ty TNHH Chí Thành (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đứng tên trên sổ đỏ.

Hồ sơ không đủ vẫn lọt cửa công chứng

Tháng 9-2012, ông Thiện cùng đại diện Công ty Chí Thành ra Phòng công chứng số 1 (thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam) làm thủ tục sang tên. Sau khi kiểm tra, công chứng viên đã đồng ý thực hiện. Ông Thiện trả đủ 2,1 tỉ đồng cho Công ty Chí Thành. Cuối năm 2012, khi cầm hồ sơ đi làm thủ tục điều chỉnh chủ sở hữu, ông Thiện mới biết lô đất không đủ điều kiện sang tên. Lý do là Công ty Chí Thành còn nợ tiền sử dụng đất.

Điều đáng nói là trên "sổ đỏ" có ghi rõ nội dung "Tiền sử dụng đất của lô đất được nạp chậm đến năm 2007", trong khi thời điểm ông Thiện mua đất là năm 2012, nhưng Phòng công chứng số 1 vẫn đồng ý công chứng. Bức xúc, ông Thiện đã khởi kiện Công ty Chí Thành và Phòng công chứng số 1 Quảng Nam ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Sau nhiều năm theo đuổi vụ việc, tháng 11-2019 TAND tỉnh Quảng Nam đã xử phúc thẩm và tuyên vô hiệu bản hợp đồng chuyển nhượng đất giữa Công ty Chí Thành với ông Thiện. Buộc Công ty Chí Thành phải hoàn trả 2,1 tỉ đồng tiền mua đất, đồng thời công ty này cùng Phòng công chứng số 1 phải bồi thường thiệt hại 8,7 tỉ đồng (mỗi bên 4,3 tỉ đồng) cho ông Thiện.

Tòa nhận định nguồn gốc của vụ việc là Công ty Chí Thành đã không nộp tiền sử dụng đất trước khi giao dịch mua bán; công chứng viên của Phòng công chứng số 1 đã không kiểm tra kỹ hồ sơ.

Lúng túng trong thi hành án

Mặc dù bản án đã có hiệu lực thi hành từ ngày 28-11-2019, nhưng ông Thiện cho biết tới nay cả Phòng công chứng số 1 và Công ty Chí Thành vẫn chưa thi hành bản án. Tới ngày 15-1-2020, cơ quan thi hành án tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định thi hành án nhưng cho tới nay mọi việc vẫn loay hoay. 

"Khu đất mà tôi mua hiện nay đã bị Nhà nước thu hồi, tiền tôi đã đóng và tới nay nếu tính đúng giá trị thị trường thì thiệt hại hơn 30 tỉ đồng. Dù vậy, số tiền bồi thường thấp hơn rất nhiều giá trị thị trường mà tòa tuyên buộc tới nay tôi cũng chưa được nhận đồng nào" - ông Thiện nói.

Theo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam, do Phòng công chứng số 1 là đơn vị thuộc quản lý của Nhà nước khi thi hành án, đơn vị này đã gửi văn bản đề nghị Sở Tư pháp tỉnh (đơn vị quản lý) yêu cầu thi hành án. 

Sở Tư pháp Quảng Nam cũng đã có văn bản hỏi Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) về trách nhiệm bồi thường và được phúc đáp rằng từ năm 2010, Phòng công chứng số 1 đã trở thành đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi phí hoạt động. Do vậy, ngân sách nhà nước sẽ không bồi thường cho thiệt hại mà đơn vị này gây ra.

Cục Bổ trợ tư pháp cũng viện dẫn các quy định và cho biết trách nhiệm bồi thường cho ông Thiện thuộc về Phòng công chứng số 1. Khi đã bồi thường xong thì phòng công chứng này làm việc với công chứng viên trực tiếp gây ra thiệt hại để bồi hoàn theo thỏa thuận, nếu không được thì khởi kiện ra tòa.

Để có cơ sở thi hành bản án, ngày 15-9 Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam gửi công văn yêu cầu Phòng công chứng số 1 kê khai, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Tuy nhiên tới nay đơn vị này vẫn chưa chấp hành.

Một lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Quảng Nam cho rằng do hoạt động theo cơ chế tự thu tự chi nên hiện tài sản của Phòng công chứng số 1 vẫn thuộc tài sản của Nhà nước, do vậy việc cưỡng chế là không thể.

"Phía Bộ Tư pháp đã trả lời rằng Nhà nước sẽ không bồi thường cho trường hợp này, trong khi nếu áp dụng Luật doanh nghiệp thì Phòng công chứng số 1 lại không có tài sản để thi hành bản án, đây là trường hợp rất khó" - đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam nói.

"Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại do lỗi của công chứng viên gây ra cho người công chứng", trích khoản 5, điều 32 Luật công chứng 2006.

Phải đảm bảo quyền lợi của dân

Tháng 11-2020, tại buổi tiếp công dân định kỳ, ông Lê Văn Dũng - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - đã yêu cầu Sở Tư pháp phải tìm ra hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho ông Thiện. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Văn Đào - giám đốc Sở Tư pháp Quảng Nam - cho biết đã làm việc để tháo gỡ vụ việc với đơn vị thi hành án. Trong khi đó, ông Trịnh Minh Hùng - phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Quảng Nam - cho biết sẽ mời ông Thiện lên để trao đổi về tiến độ thi hành án.

TP.HCM yêu cầu liên thông dữ liệu để hạn chế giả mạo trong công chứng TP.HCM yêu cầu liên thông dữ liệu để hạn chế giả mạo trong công chứng

TTO - Từ chỉ đạo của UBND TP về loạt bài '1.001 chiêu giả mạo trong công chứng' trên báo Tuổi Trẻ, Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp các sở liên quan cung cấp thông tin thật về nhân thân, giấy tờ nhà đất cho hệ thống công chứng.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp