Áp lực công việc ở cơ quan nhà nước, thời gian qua người lao động tìm việc ở nhiều môi trường khác thông qua phần mềm phỏng vấn online - Ảnh minh họa: H.Q.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay có khoảng 9.000 nhân viên y tế trên cả nước nghỉ việc.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa vừa ký văn bản gửi tới các đơn vị, tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị báo cáo tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ thôi việc từ 1-1-2020 đến hết 6 tháng đầu năm 2022.
Bộ Nội vụ nhận định trong thời gian qua, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức ở một số địa phương xin nghỉ việc "theo nguyện vọng cá nhân" có xu hướng tăng nhanh.
Bộ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng xin thôi việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý và kiến nghị, đề xuất các giải pháp để khắc phục.
Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã nói hộ lòng tôi. Cuối năm nay tôi cũng rời biên chế để tìm cơ hội mới. Sau hơn 10 năm cống hiến, hiện tôi vẫn trắng tay, làm tốt hay làm biếng thì cuối năm vẫn có giấy khen, lương không đủ lo cho gia đình, hàng trăm thứ không tiện nói...
Ý kiến bạn đọc Minh Khôi
Trả lời cho những yêu cầu trên của Bộ Nội vụ, bạn đọc tên Ngô Tuấn Hiển - từng là công chức đã có hơn 25 năm làm việc cho cơ quan nhà nước - viết như sau: "Tôi là công chức có thời gian làm việc trong cơ quan nhà nước hơn 25 năm và đã xin nghỉ việc từ năm 2018. Trong đơn xin nghỉ việc, tôi và mọi công chức khác đều ghi là "nghỉ theo nguyện vọng cá nhân" để tổ chức không bị lăn tăn và cơ quan cũng không vướng bận gì về mình".
Tuy nhiên, thực tế theo bạn đọc Hiển: Lương quá thấp, không thể lo cho những nhu cầu cơ bản của con cái khi sống tại một thành phố nổi tiếng đắt đỏ như TP.HCM mới là nguyên nhân chính.
"Là công chức đủ lâu và đã phải chuyển ngạch lương, tôi cũng chỉ có thu nhập dưới 8 triệu/tháng. Những cơn bão giá càn quét làm thu nhập của tôi bị teo tóp không thể đủ để chi dùng cho bữa cơm hằng ngày cũng như tiền đi lại hằng tháng. Tôi nghĩ tốt hơn hết là đứng lên khi cảm thấy không còn phù hợp, tuổi trẻ đã cống hiến đủ lâu cho Nhà nước" - bạn đọc này bổ sung.
Cùng nhìn nhận lương không đủ sống là nguyên nhân chính dẫn đến cán bộ nhà nước nghỉ việc hàng loạt, bạn đọc Minh Phúc nêu ý kiến: "Quan trọng nhất là lương, thu nhập của công chức thuộc chuẩn nghèo thì rất khó để họ tập trung vào công việc, khó giữ chân nhân tài".
Ngoài ra bạn đọc Minh Phúc cũng cho rằng những ưu đãi tiếp theo như: chính sách tiếp theo chính sách hỗ trợ cán bộ công chức mua nhà ở xã hội, cơ hội thăng tiến... cũng góp phần để những cán bộ, viên chức nhà nước có điều kiện chuyên tâm phục vụ nhân dân.
Đây là lý do khiến bạn đọc Minh Phúc có mặt trong số hơn 9.000 nhân viên y tế trên cả nước nghỉ việc: "Tuy nhiên hơn 10 năm đi làm công chức tôi chưa thấy một dự án nào được mời chào, đi vay thì ngân hàng cho vay với điều kiện thu nhập tiền lương nên cho vay rất ít. Cuối cùng là sau 3 năm chống dịch, khối lượng công việc nhiều hơn, giá cả tăng chóng mặt trong khi cải cách tiền lương thì chưa thực hiện được càng khiến người lao động kiệt quệ hơn, nên họ khó mà trụ được nữa".
Chỉ vì cơm áo gạo tiền, phải dứt áo ra đi, phải từ bỏ công việc trước đây đã chọn là điều không ai muốn. Tuy nhiên, theo một số bạn đọc, trong hoàn cảnh hiện nay khi vật giá ngày càng leo thang, mà lương không tăng... thì không còn sự lựa chọn nào khác.
Về ý này, bạn đọc Nguyễn Thanh Tuấn viết: "Gần 3 năm nay lương cơ sở không tăng nhưng vật giá tăng không phanh, đời sống công chức nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Vì đồng cảm chung với cộng đồng cũng như Chính phủ, người làm công không than vãn. Tuy nhiên, vì cuộc sống họ đành phải chọn công việc khác đảm bảo về kinh tế, cộng với việc ngày càng giảm biên chế nhưng công việc phục vụ người dân ngày càng phải nâng lên và còn nhiều lý do khác nữa nên họ buộc phải xin nghỉ việc yêu mến mà trước đây đã chọn".
Còn một nguyên nhân khác, theo một số bạn đọc, là khi thị trường lao động mở, người lao động có thể tự chọn lựa công việc phù hợp với khả năng và năng lực của mình, thì việc chuyển dịch lao động cũng là điều tất yếu.
Bạn đọc Nguyễn Hà viết: "Làm công chức với đồng lương ít ỏi sao sống nổi, nghỉ việc là chuyện đương nhiên, nhất là những người có năng lực. Khi thị trường lao động rộng mở, áp lực công việc không xứng với tiền lương thì việc dịch chuyển lao động cũng là theo quy luật".
Theo bạn, ngoài nguyên nhân lương không đủ sống, chế độ ưu đãi không cao, còn lý do nào khác khiến hàng loạt cán bộ, viên chức nhà nước xin nghỉ việc hàng loạt?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected] và [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận