11/09/2014 09:23 GMT+7

​Công chức làm sai, bồi thường bằng... tiền thuế của dân

TÂM LỤA -  T.TR.
TÂM LỤA - T.TR.

TT - 38 tỉ đồng là số tiền phải chi cho hoạt động bồi thường nhà nước năm 2013 (tăng năm lần số trung bình của ba năm trước).

Ông Lương Ngọc Phi, người đang đợi nhận hơn 21 tỉ đồng - số tiền bồi thường oan sai được cho là lớn nhất từ trước tới nay - Ảnh: T.Lụa

Trong khi cán bộ công chức làm sai chỉ hoàn trả cho Nhà nước được 234 triệu đồng.

Sáu tháng đầu năm 2014, Nhà nước đã chi trả bồi thường hơn 2 tỉ đồng, cán bộ công chức hoàn trả hơn 476 triệu đồng, theo thống kê của Bộ Tư pháp.

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước đứng ra bồi thường cho người dân. Ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với cán bộ công chức làm sai.

Tuy nhiên thống kê cho thấy số tiền hoàn trả lại rất thấp. Như vậy ngân sách nhà nước phải chi trả bồi thường vì hành vi sai trái của cán bộ công chức gây ra.

Những vụ hoàn trả hiếm hoi

Năm 2012, ông Lê Văn Vườn (P.Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn giải quyết bồi thường thiệt hại về tài sản (nhà đất) do lỗi của chấp hành viên trong quá trình thi hành án gây ra. Vợ ông Vườn bị TAND tỉnh Lạng Sơn kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chấp hành viên đã tổ chức cưỡng chế kê biên nhà đất tài sản chung của vợ chồng ông Vườn để đảm bảo thi hành án.

Tuy nhiên, chấp hành viên không để lại 1/2 giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Vườn mà lại lấy toàn bộ giá trị tiền của cả ngôi nhà để thi hành án.

Ông Đỗ Xuân Hợi, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn, cho biết cục đã trích kinh phí bồi thường cho ông Vườn 159 triệu đồng.

“Khi về cục, tôi đã yêu cầu thực hiện việc này rất cương quyết. Chấp hành viên cho rằng thi hành án sai có cả lỗi của trưởng phòng, của đại diện viện kiểm sát. Tuy nhiên quan điểm của tôi thì chấp hành viên làm sai, là người thực thi trực tiếp nên phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã có báo cáo lên cấp trên và nhận được sự đồng thuận. Việc hoàn trả được thực hiện theo nghị định 47 năm 1997, theo đó mức hoàn trả do thủ trưởng cơ quan phải bồi thường quyết định. Cục Thi hành án đã trích quỹ thi hành án 59 triệu đồng để hỗ trợ, phần 100 triệu đồng còn lại chấp hành viên này phải hoàn trả. Lương chấp hành viên này 10 triệu đồng/tháng. Hiện nay người này hoàn trả bằng cách trừ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng tiền lương” - ông Hợi cho biết.

Trong vụ việc làm sai ở UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vào năm 2012, bốn người gồm bí thư huyện ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện và nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã cùng nhau bồi thường số tiền trên 215 triệu đồng.

Để có đất xây dựng trụ sở làm việc của Liên đoàn Lao động, UBND huyện Châu Thành có phương án bồi thường về nhà, công trình, hoa màu... cho phần đất có diện tích 924m2 của ông H. với tổng số tiền 350 triệu đồng. Sau đó cơ quan chức năng phát hiện việc kê khống, vì phần đất trên chỉ trồng cây, không có nhà ở và vật kiến trúc nào khác.

Ông Lê Văn Phượng - phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hậu Giang - cho biết Ủy ban kiểm tra đã yêu cầu thu hồi số tiền chênh lệch trên 215 triệu đồng và những cá nhân vi phạm phải bỏ tiền túi ra để hoàn trả cho ngân sách. 

Do nể nang, do không xác định được lỗi cố ý?

Trên thực tế, những việc cấp trên quyết liệt yêu cầu cấp dưới hoàn trả tiền bồi thường như Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn là rất ít. Báo cáo của Bộ Tư pháp nhân dịp ba năm thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho thấy tỉ lệ hoàn trả rất thấp.

Ông Trần Việt Hưng, phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, cho biết: “Vấn đề là các cơ quan có làm hay không, có tổ chức hội đồng để xử lý công chức hoàn trả hay không. Hiện nay có hiện tượng anh em trong cơ quan nể nang nhau nên bỏ qua việc xem xét trách nhiệm hoàn trả. Có những vụ đã có quyết định bồi thường, cơ quan đã có văn bản xác định công chức làm sai phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Cục Bồi thường nhà nước đề nghị các cơ quan báo cáo để nắm thôi chứ chúng tôi không giám sát được việc thu chi của cơ quan đó”.

Cũng theo ông Hưng: “Hiện nay có hiện tượng anh em trong cơ quan nể nang nhau nên bỏ qua việc xem xét trách nhiệm hoàn trả”.

Đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng, kể từ khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực đến nay, Nhà nước chưa thu được một khoản tiền hoàn trả nào. Theo ông Hưng, lý do là không bao giờ xác định được hành vi sai trái của người thi hành công vụ là cố ý.

Cùng ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Tố Hằng (phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước) nói: “Trên thực tế, các vụ việc trong hoạt động tố tụng chủ yếu được xác định là do lỗi vô ý của người thi hành công vụ chứ không phải lỗi cố ý”.

Chẳng hạn, vụ việc ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 17 năm tù về hai tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Sau đó, TAND tối cao đã hủy án. Năm 2010, TAND tỉnh Thái Bình đã bồi thường cho ông Phi 668 triệu đồng do ông Phi bị bắt giam oan và thu nhập bị mất. Tháng 8-2013, TAND tỉnh Thái Bình bị TAND TP Thái Bình tuyên buộc phải bồi thường cho ông Phi hơn 21 tỉ đồng tiền thiệt hại về tài sản nhưng đến nay ông Phi chưa được nhận tiền.

Trong số 668 triệu đồng này thì cán bộ công chức làm sai hoàn trả được bao nhiêu cho Nhà nước? Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ, ông Trần Nam Mẫn (phó chánh án TAND tỉnh Thái Bình) cho biết TAND tỉnh Thái Bình đã lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với vị thẩm phán và hội thẩm ra bản án sai trái đối với ông Phi năm 1999.

“Tuy nhiên sau khi họp xét, hội đồng nhận định việc ra bản án sai trái là lỗi vô ý. Chủ tọa phiên tòa đã chuyển công tác lên TAND tối cao, hai vị hội thẩm thì đã chết nên chúng tôi không thể xem xét trách nhiệm hoàn trả” - ông Mẫn cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Thủy, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, nói hiện nay chưa thống kê được bao nhiêu trường hợp bị xem xét hoàn trả vì thực hiện chưa nhiều.

Cần nghiên cứu tăng mức hoàn trả

Báo cáo của Bộ Tư pháp, ý kiến của TAND TP.HCM, và một số cơ quan khác tại hội nghị sơ kết thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đều cho rằng việc thực hiện trách nhiệm hoàn trả còn hạn chế, quy định của luật về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ còn chưa đủ sức răn đe, mức hoàn trả trong nhiều trường hợp còn thấp, chưa tương xứng với khoản tiền mà Nhà nước chi trả, bồi thường cho người thiệt hại.

Do đó, cần nghiên cứu xem xét tăng mức hoàn trả đối với trường hợp vi phạm lỗi cố ý hoặc vô ý nhưng giá trị khoản tiền đã chi trả bồi thường lớn, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước.

Các mức hoàn trả của công chức làm sai

Nghị định 16/2010 quy định người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả một khoản tiền nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó. Trường hợp lỗi vô ý thì hoàn trả tối đa không quá ba tháng lương.

Thông tư liên tịch 04/2014 quy định cụ thể hơn. 

* Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý: tiền bồi thường dưới 30 triệu đồng thì công chức hoàn trả tối đa không quá một tháng lương của người đó. Bồi thường từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì hoàn trả được tối thiểu là một tháng lương và tối đa không quá hai tháng lương. Bồi thường trên 100 triệu đồng thì mức hoàn trả tối thiểu là một tháng lương và tối đa không quá ba tháng lương.

* Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý: bồi thường dưới 100 triệu đồng thì hoàn trả tối thiểu ba tháng lương và tối đa không quá 12 tháng lương. Bồi thường từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì mức hoàn trả là 12 tháng lương và tối đa không quá 24 tháng lương. Bồi thường trên 500 triệu đồng thì mức hoàn trả tối thiểu là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương.

TÂM LỤA

Bồi thường hơn 1 tỉ đồng, công chức hoàn trả hơn 6 triệu

Năm 1996, bà Lê Thị Kim Thanh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) bị TAND tỉnh Ninh Thuận kết án tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chấp hành viên của Phòng thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận (nay là Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận) đã tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của bà Thanh để đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, quá trình cưỡng chế kê biên tài sản có một số sai sót về mặt thủ tục.

Sau khi ra tù, bà Thanh tiếp tục làm đơn khiếu nại. Năm 2011, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận đã bồi thường cho bà Thanh số tiền 1,071 tỉ đồng. 

Bà Ngô Thị Khoa, trưởng phòng kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận, cho biết cục đã thành lập hội đồng xem xét lỗi của chấp hành viên để xác định mức tiền hoàn trả.

“Chúng tôi đã xin ý kiến của Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Bồi thường nhà nước. Hội đồng xác định lỗi của chấp hành viên là vô ý. Thông tư 16/2010 quy định lỗi vô ý thì công chức phải hoàn trả một khoản tiền nhưng không quá ba tháng lương. Xét thấy chấp hành viên đã về hưu, vợ bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... nên hội đồng quyết định chấp hành viên phải hoàn trả một tháng lương là hơn 6 triệu đồng. Lúc đầu chấp hành viên không đồng ý hoàn trả nhưng chúng tôi đã giải thích, thuyết phục, cuối cùng ông cũng đồng ý và hiện nay đã hoàn trả xong” - bà Khoa cho biết.

TÂM LỤA - T.TR.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp