Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Đảng Cộng hòa (Mỹ) - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, thượng nghị sĩ Marco Rubio của Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Washington gấp rút trình bày về sự việc trên cho Quốc hội Mỹ.
Bà Mạnh đã về đến Trung Quốc trong ngày 25-9, sau khi đạt được thỏa thuận hoãn truy tố cùng các công tố viên Mỹ vào ngày 24-9.
Nữ giám đốc này bị bắt tại sân bay Vancouver của Canada hồi đầu tháng 12-2018, sau khi Tòa án New York (Mỹ) phát lệnh bắt giữ. Bà bị cáo buộc che giấu Ngân hàng HSBC trong các giao dịch của công ty con của Huawei với Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nếu bà Mạnh tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận, các cáo buộc cuối cùng sẽ bị xóa bỏ vào tháng 12-2022.
“Việc bà Mạnh được thả đã tạo ra nhiều nghi vấn quan trọng về năng lực và sự sẵn sàng của Tổng thống Biden trong việc đối phó với nguy cơ đến từ Huawei và Trung Quốc”, ông Rubio nói.
"Đây chỉ là một ví dụ khác cho cách tiếp cận mềm mỏng nguy hiểm của chính quyền Biden đối với Bắc Kinh”, ông Rubio nói thêm.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Hagerty cũng nói với Reuters rằng đây tiếp tục là một sự nhượng bộ của Mỹ trước Trung Quốc.
“Tôi rất lo lắng rằng việc này cho thấy chính quyền Biden có thể nhượng bộ nhiều hơn”, ông Hagerty nói. Vị thượng nghị sĩ này cho rằng Mỹ đã để mất một đòn bẩy của mình sau khi đồng ý thả bà Mạnh.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch cũng cho rằng thỏa thuận thả bà Mạnh là "chiến thắng" đối với Trung Quốc, cũng như phương pháp "sử dụng công dân ngoại để mặc cả" của Bắc Kinh.
Ông Risch nói về hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt chỉ 9 ngày sau khi bà Mạnh bị giữ lại tại Canada. Hai công dân này đã được trả tự do ngay sau khi bà Mạnh được thả.
Canada cho rằng vụ bắt giữ hai công dân của họ mang động cơ chính trị và cáo buộc Trung Quốc dùng "ngoại giao con tin".
Người phát ngôn của Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Sau khi bà Mạnh được trả tự do, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố các cáo buộc đưa ra với bà Mạnh là "bịa đặt".
Bà Hoa cho rằng các cáo buộc này nhằm đàn áp ngành công nghệ cao của Trung Quốc, đồng thời gọi việc bà Mạnh bị bắt và quản thúc ở Canada là "hành động ngược đãi chính trị đối với công dân Trung Quốc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận