11/01/2023 10:38 GMT+7

Công chúa Đồng Xuân: 'Giải oan cho cuộc biển dâu này'

Đồng Xuân, công chúa út của vua Thiệu Trị, tên là Nguyễn Phúc Gia Phúc. Tên là vậy, nhưng công chúa không được hưởng phúc mà suốt đời phải chịu vô phúc, bạc phước.

Công chúa Đồng Xuân: 'Giải oan cho cuộc biển dâu này' - Ảnh 1.

Ảnh: MINH TỰ

Một tuổi mồ côi cha, 26 tuổi trở thành góa phụ, 37 tuổi, nàng bị vướng vào một vụ án tình dục chấn động lịch sử: loạn luân với anh ruột là Gia Hưng Công Nguyễn Phúc Hồng Hưu, sinh được một con gái. 

Nàng bị phế thành thứ dân, buộc đổi sang họ mẹ và phải mang cái tên tục tĩu, hạ đẳng: Hồ Thị Gia Đốc. Đến đời vua Đồng Khánh, Gia Đốc được phục vị công chúa, nhưng bỏ hiệu Đồng Xuân, cải phong thành Phục Lễ công chúa, với ý nghĩa là "quay về với lễ nghĩa".

Một đời công chúa Đồng Xuân chứa toàn bất hạnh và ô nhục. Đau không thể đau hơn, nhục không thể nhục hơn, nhưng có thể cũng là oan không thể oan hơn. Vì sao oan?

Trong tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân, nhà văn Trần Thùy Mai đã bằng "quyền được suy đoán vô tội" để chiêu tuyết cho nàng và người anh ruột thịt hoàng gia. Tội loạn luân của Gia Phúc - Hồng Hưu bị trừng trị tức thì mà không qua xét xử. 

Hồng Hưu bị lưu đày ở Lao Bảo, Quảng Trị và chẳng bao lâu sau thì chết một cách bí ẩn. Hồng Hưu thông minh, hiểu thời cuộc. Ông thuộc phe chủ hòa, lại hay qua lại với khâm sứ Pháp là Rheinart, được người Pháp quý trọng.

Để dập tắt hoàn toàn ngọn lửa chủ hòa trong triều, hai vị phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chỉ còn cách phải giết chết Hồng Hưu. Hồng Hưu khôn ngoan và cẩn trọng, cáo ốm không vào chầu, không tiếp khách, khiến các vị chủ chiến bế tắc. 

Nhưng gót chân Asin của Hồng Hưu chính là cô em công chúa mà ông yêu quý đang mang hoang thai. Chụp cái án loạn luân lên đầu anh em họ, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã thực hiện được ác ý của mình một cách vẹn toàn.

Công chúa Đồng Xuân không giữ tiết hạnh, chừng đó cũng đủ khiến người đàn bà vương tôn quý tộc như nàng chịu trừng phạt. Nhưng khép nàng vào tội loạn luân thì thật quá oan nghiệt. Nàng là nạn nhân của cuộc tương tàn đau xót giữa hai phái chủ chiến và chủ hòa trong những năm tháng nước mất nhà tan của triều Nguyễn.

Tuy nhiên, nhà văn chỉ mượn câu chuyện vụ án tày trời này để làm nút thắt cho công cuộc chọn đường cứu nước của hai phái chủ hòa và chủ chiến. Song hành với câu chuyện đời tư của công chúa Đồng Xuân là câu chuyện thế sự. 

Tác giả tái hiện bức tranh lịch sử Việt Nam từ đời vua Tự Đức đến đời Thành Thái với trùng trùng mâu thuẫn và xung đột giữa người Pháp xâm lăng và người Việt yêu nước, giữa quân tướng nhà Nguyễn với quân phiến loạn Trung Hoa, giữa hai phái chủ hòa và chủ chiến trong triều, giữa nông dân và triều đình, giữa người Công giáo và người lương giáo... 

Máu đã đổ rất nhiều vì hy sinh, vì hiểu nhầm, vì tận hiến cho quốc gia, cho vương quyền và thần quyền. Mọi con đường cứu nước an dân đều bế tắc, trừ một con đường là canh tân thì không được thực hiện.

Với kết cấu đa tuyến truyện được kể theo trục thời gian biên niên sử và sự dịch chuyển không gian, tác giả đã trình bày sự kiện một cách lớp lang, sống động. 

Trừ một vài chỗ chưa thật thỏa đáng (việc "sát Tả" của Nghĩa hội, vai trò của Đoàn Châu trong khởi nghĩa Đoàn Trưng, hành tung của Cúc Tần...), nhìn chung, các tình tiết được xử lý chắc tay và kiến giải hợp lý hợp tình. 

Đa số các nhân vật lịch sử được xây dựng thành công từ tính cách đến ngôn ngữ, hành động và tâm lý. 

Trong tiểu thuyết, ta thấy vua Tự Đức không làm thơ mà chỉ đau đáu vì mệnh nước, Từ Dụ thái hậu nhân hậu sắc sảo, Phan Thanh Giản cương trực khẳng khái, Nguyễn Trường Tộ hoài tài bất ngộ, Nguyễn Tri Phương tận trung quả cảm, Đoàn Trưng quyết liệt dữ dội, Hồng Hưu điềm tĩnh thẳng thắn, Nguyễn Văn Tường cơ biến quyền mưu, Tôn Thất Thuyết độc đoán và hiếu sát... 

Mỗi người trong họ yêu nước, cứu nước bằng một cách khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ đầy bế tắc và cùng quẫn.

Vì vậy, đọc tác phẩm, ta không chỉ thương cho sự bạc phước của công chúa Đồng Xuân, mà lớn lao hơn, là thương cho sự bạc mệnh của đất nước từng lừng lẫy những chiến công chống ngoại xâm phương Bắc nay vẫy vùng đến tuyệt vọng trong bàn tay sắt của ngoại bang phương Tây. 

Hiểu nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết Trần Thùy Mai mới thấy đa số họ đều mang nỗi oan lịch sử, "nỗi đau trăm năm"; mới thấy yêu nước trong đớn đau và tuyệt vọng thì xa xót biết nhường nào. Vì vậy, Công chúa Đồng Xuân là "chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ giải oan cho cuộc biển dâu này" (thơ Tô Thùy Yên) của nhà văn Trần Thùy Mai đối với lịch sử.

NGUYỄN THỊ TỊNH THY

Đọc Dân cư Ông Tạ của Cù Mai Công, hiểu "linh hồn phố thị"Đọc Dân cư Ông Tạ của Cù Mai Công, hiểu 'linh hồn phố thị'

Nhà báo Cù Mai Công (thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ) vừa 'tung' ra tác phẩm dày gần 300 trang Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" - tập 2.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp