Lâu nay các nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc của loài người tiến hóa từ loài vượn sống cách đây khoảng 5 triệu năm ở châu Phi. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây về các mẫu hóa thạch được tìm thấy ở Hy Lạp và Bulgaria đã mang lại một giả thuyết mới.
Các nhà nghiên cứu đến từ Pháp, Đức, Bulgaria, Hy Lạp, Canada và Australia đã tiến hành phân tích những chân răng từ 2 mẫu vật hóa thạch của loài sinh vật giống vượn, được biết đến là Graecopithecus freybergi, sống vào khoảng 7,2 triệu năm trước.
Theo đó, bằng cách sử dụng công cụ chụp cắt lớp hàm dưới của mẫu vật được khai quật ở Hy Lạp năm 1944 và răng hàm trên của mẫu vật được tìm thấy ở Bulgaria năm 2009, các nhà khoa học cho rằng, đây có thể là thành viên cổ xưa nhất trong dòng dõi loài người - bắt đầu sau khi tiến hóa tách khỏi loài, sau này tiến hóa thành tinh tinh - họ hàng gần nhất của loài người.
Cho đến nay, loài thuộc phân họ người cổ xưa nhất được biết đến là Sahelanthropus, sống cách đây 6-7 triệu năm ở Cộng hòa Chad thuộc châu Phi.
Các tác giả công trình nghiên cứu nhận định, đây là một phát hiện đáng ngạc nhiên, bởi lâu nay nguồn gốc của loài người thường được biết đến xuất phát từ loài vượn ở châu Phi.
Dựa vào niên đại các mẫu hóa thạch Graecopithecus trên, họ đặt ra giả thuyết sự phân tách tiến hóa của loài vượn sang tổ tiên của loài người và tổ tiên của loài tinh tinh diễn ra tại khu vực Địa Trung Hải. Theo đó, những thay đổi về môi trường có thể đã giúp thúc đẩy quá trình tiến hóa từ loài vượn thành loài tổ tiên của loài người.
Cho đến nay, Graecopithecus vẫn là một loài sinh vật bí ẩn do các hóa thạch được tìm thấy rải rác ở khắp nơi. Kích thước của loài này gần bằng một con tinh tinh cái và thường sống trong các khu vực có đồng cỏ và rừng núi tương đối khô cằn, tương tự các khu vực đồng cỏ ở châu Phi ngày nay, cùng với các loài linh dương, hươu cao cổ, tê giác, voi, linh cẩu và lợn rừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận