28/03/2019 10:21 GMT+7

Công bố PCI: Tham nhũng lớn lẫn tham nhũng vặt đều giảm

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh năm 2018 ghi nhận tham nhũng lớn lẫn tham nhũng vặt đều có dấu hiệu giảm bớt dù chi phí không chính thức vẫn còn cao.

Công bố PCI: Tham nhũng lớn lẫn tham nhũng vặt đều giảm - Ảnh 1.

Các chuyên gia trao đổi trước thềm diễn ra lễ công bố PCI - Ảnh: DN

Điều tra PCI, được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 28-3, ghi nhận "tham nhũng lớn" có dấu hiệu giảm bớt, chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả cho chi phí không chính thức để thúc đẩy nhanh thủ tục đất đai, giảm 32% so với năm ngoái.

Gần 40% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, trong khi năm ngoái là gần 52%.

Một số lĩnh vực cần thêm nhiều cải cách, theo VCCI, đó là hậu đăng ký doanh nghiệp vẫn là một gánh nặng, cần có trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính, minh bạch thông tin.

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cho biết năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn sẽ được quyết định bởi chất lượng điều hành, sự thuận lợi của môi trường cạnh tranh cấp tỉnh.

Theo đó, các xu hướng nổi bật đáng mừng là chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt, môi trường kinh doanh đã bình đẳng hơn, các cấp chính quyền trở nên năng động hơn, cải cách hành chính có bước tiến, đặc biệt là thanh kiểm tra giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn mức cao, 58% bị nhũng nhiễu, môi trường kinh doanh vẫn ưu tiên, ưu ái DN nhà nước và FDI.

Thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn còn gánh nặng, có tới 30% DN cho biết khó khăn trong xin giấy chứng nhận kinh doanh, thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, tính minh bạch còn ít được cải thiện, chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ DN chưa cao...

Tiếp tục duy trì vị trí quán quân trong năm thứ hai liên tiếp, VCCI đánh giá sức nóng cải cách môi trường kinh doanh tiếp đã được Quảng Ninh duy trì qua nhiều nỗ lực. 

Chẳng hạn như thực hiện phương thức "4 tại chỗ" như tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả khi giải quyết thủ tục hành chính công các cấp.

Địa phương này cũng thực hiện đánh giá năng lực các sở ngành, huyện thị và triển khai đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp qua mô hình cà phê doanh nhân nhằm giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo đó, có tới 80% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại tỉnh này cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút gọn hơn và 74% đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản hơn.

Công bố PCI: Tham nhũng lớn lẫn tham nhũng vặt đều giảm - Ảnh 2.

Bảng xếp hạng chỉ số PCI 2018 - Nguồn: VCCI

Đứng thứ hai bảng xếp hạng là Đồng Tháp cũng tiếp tục phá vỡ kỷ lục của chính mình trong năm nay, khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh thành phố đứng đầu PCI.

VCCI đánh giá Đồng Tháp đã xây dựng "thương hiệu địa phương" theo ý tưởng giản dị, gần gũi. Người đứng đầu tỉnh và hệ thống chính quyền coi nhiệm vụ cần thiết là tạo niềm tin vào tương lai cho khách hàng là người dân và doanh nghiệp bằng sự minh bạch, thân thiện, trung thực và sáng tạo trong cung cấp dịch vụ công.

Theo điều tra, có tới 92% doanh nghiệp tại tỉnh này đánh giá cán bộ có thái độ thân thiện trong quá trình giải quyết công việc, 90% thấy cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả.

Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm của cả nước cũng nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu PCI. 

Đà Nẵng cũng là địa phương được đánh giá cải thiện PCI trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo đánh giá của doanh nghiệp, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại thành phố này sụt giảm rõ rệt. 

Đó là tình trạng khoảng cách giữa chỉ thị điều hành của chính quyền thành phố với các sở, ngành, huyện thị có sự gia tăng, dẫn tới, địa phương này đã lùi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng.

Nhóm cuối bảng là Đắk Nông, Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn, Kon Tum, nhưng VCCI đánh giá các chỉ số đều cải thiện đáng kể. 

Đơn cử như Đắk Nông và Bình Phước đều tăng trên ba điểm so với kết quả của năm trước.

PCI là bộ chỉ số bao gồm nhiều chỉ số thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự...
7 lãnh đạo sở chịu trách nhiệm tăng bậc PCI cho Hà Nội

TTO - Lãnh đạo 7 sở ngành của Hà Nội phải chịu trách nhiệm cải thiện, nâng chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Hà Nội tăng 5 - 7 bậc trong năm 2016.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp