20/12/2024 13:42 GMT+7

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Cắm mốc chủ quyền, dựng nhà trấn thủ

Cùng nhiệm vụ gia cố công sự phòng thủ, xây dựng cầu cảng ở các đảo nổi, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công binh hải quân là khẳng định, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở các đảo nổi và đảo chìm Trường Sa.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Cắm mốc chủ quyền, dựng nhà trấn thủ - Ảnh 1.

"Nhà cao chân" gìn giữ chủ quyền trên đảo Đá Lớn, Trường Sa thế hệ đầu tiên 1989 - Ảnh tư liệu

Thả, cắm mốc chủ quyền ở các đảo chìm

Đảm nhận những nhiệm vụ tối quan trọng này vẫn là những người lính công binh hải quân. Họ tiếp tục đẫm mình trong nắng, hứng chịu sóng gió Biển Đông để tôn nền Tổ quốc thêm cao.

Đến năm 1978, ngoài việc tiếp quản những đảo nổi của chế độ cũ gồm Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Sơn Ca, hải quân nhân dân Việt Nam đã hoàn thành việc khẳng định chủ quyền ở những đảo nổi khác như Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh và Sinh Tồn Đông.

Cũng trong thời gian này, qua khảo sát vùng biển ở quần đảo Trường Sa cho thấy có rất nhiều bãi cạn hay còn gọi là đảo chìm. Và nhiệm vụ khẳng định, trấn giữ chủ quyền cần kíp được đặt ra.

Trong cuộc đời quân ngũ của mình ở Trường Sa, trung úy Vũ Đình Khảo - sinh năm 1957, quê Nghĩa Hưng, Nam Định - đã làm việc ở năm đảo nổi và nhiều đảo chìm.

Ngoài nhiệm vụ đi xây đảo, làm công sự, đào giao thông hào, trung úy Khảo còn trực tiếp đi thả bia chủ quyền ở đảo chìm Tốc Tan và cắm bia chủ quyền ở đảo nổi Sinh Tồn Đông, Phan Vinh. Ông Khải nhớ ngày đó khi lên đảo Sơn Ca thì phân chim dày hơn 2m.

Công binh đóng vai trò quan trọng trong biên chế quân đội. Bác Hồ từng nói "Quân đội ta ví như cây mác, bộ binh như mũi mác, công binh như cán mác.

Cán có chắc, mũi có sắc thì mới đâm được giặc". Trong công cuộc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, lực lượng công binh hải quân càng quan trọng.

Đại tá Trần Đình Dần - sinh năm 1951, nguyên trung đoàn trưởng E83, nguyên trưởng phòng công binh Bộ Tư lệnh hải quân - tâm sự rằng trong xây dựng đảo ở Trường Sa thì công binh hải quân ngoài là cán mác thì cũng chính là mũi mác.

Bởi ở nhiều hòn đảo của quần đảo Trường Sa những năm ấy, công binh không chỉ đơn giản là xây dựng đảo mà còn đảm nhận luôn vai trò người lính giữ đảo, giữ chủ quyền Tổ quốc.

Từ những năm đó, nhiều bia chủ quyền được thả xuống bãi đá ngầm, đảo chìm ở Trường Sa để liên tục khẳng định chủ quyền Tổ quốc.

Tư liệu lịch sử ghi lại từ năm 1976 đến 1984, E83 cùng với lực lượng công binh hải quân của lữ đoàn 146, Ban công binh Vùng 4 hải quân đã thả nhiều bia chủ quyền xuống các bãi đá ngầm, đảo chìm ở Trường Sa.

Sau khi thả bia chủ quyền ở các đảo chìm, hằng năm Bộ Tư lệnh hải quân đều tổ chức các đoàn công tác có các thủ trưởng quân chủng đi kiểm tra.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Cắm mốc chủ quyền, dựng nhà trấn thủ - Ảnh 2.

Đô đốc Giáp Văn Cương, tư lệnh quân chủng hải quân, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) - Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI

"Nhà cao chân" đầu tiên trên đảo chìm Thuyền Chài

Cuối tháng 3-1986, tàu HQ505 và HQ511 rẽ sóng chở đoàn công tác của Quân chủng Hải quân ra Trường Sa. Đoàn do tư lệnh Giáp Văn Cương dẫn đầu.

Ông là vị tư lệnh hải quân, vị tướng hải quân hầu như năm nào cũng ra Trường Sa. Từ những chuyến đi thực tế có tính chất "trinh sát" nhiều hơn là thị sát, tư lệnh Giáp Văn Cương đã có các phương án, kế hoạch triển khai cho vùng phên dậu Tổ quốc ngày càng vững chắc như thành đồng.

Chuyến đi kiểm tra đảo nổi, "trinh sát" đảo chìm ngày ấy có Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - thiếu tướng Hoàng Kiền - nguyên tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên trung đoàn trưởng E83. Ngày đó, tướng Hoàng Kiền mang quân hàm đại úy, làm việc tại phòng công binh Quân chủng Hải quân.

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Cắm mốc chủ quyền, dựng nhà trấn thủ - Ảnh 3.

Mẹ già xúc động thắp nén nhang cho con trai là Tống Sĩ Bái, lính E83 hy sinh anh dũng ở Gạc Ma ngày 14-3-1988 - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

Đã gần 40 năm trôi qua nhưng tướng Hoàng Kiền vẫn nhớ rành rọt chuyến đi ngày ấy và ấn tượng sâu sắc, nể phục tài ba, sự sâu sát cụ thể của thủ trưởng mình là tư lệnh Giáp Văn Cương.

Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại sau khi kiểm tra sẵn sàng chiếu đấu cũng như động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các đảo, tàu đoàn công tác đến đảo Thuyền Chài neo lại nghỉ ngơi.

Khi màn đêm xuống, thủy triều xuống cũng là lúc ánh trăng lên cao chiếu bàng bạc trên mặt biển mênh mông. Và một bất ngờ đến ngỡ ngàng là từ dưới nước dần nhô lên một hòn đảo.

Cảm tác trước vẻ đẹp bất ngờ của đảo nổi lên giữa trùng khơi, tướng Hoàng Kiền đã làm bài thơ có đoạn "Mênh mông giữa đại dương xanh.

Biển ru gió hát mát vành trăng xưa. Bỗng dưng bừng tỉnh mắt tròn. Nước ròng sóng nhả ra hòn đảo to". Sau này khảo sát đo đạc được đảo chìm Thuyền Chài dài khoảng 30m, rộng 3m.

Sáng hôm sau, tư lệnh Giáp Văn Cương cử một đoàn có cả đặc công nước lên đảo Thuyền Chài khảo sát. Ông Hoàng Kiền nhớ lại lúc đó vị tư lệnh đã dự cảm vùng biển đảo chìm này sẽ có tranh chấp xảy ra nên yêu cầu các đơn vị chủ động đề xuất biện pháp giữ chủ quyền Tổ quốc.

Tướng Hoàng Kiền nhớ lại ngay trên tàu HQ505, tư lệnh Giáp Văn Cương triệu tập một cuộc họp và yêu cầu công binh hải quân nhanh chóng thiết kế nhà để trấn giữ đảo Thuyền Chài và các đảo chìm khác.

Tư lệnh còn gợi ý công binh hải quân lấy cát san hô trộn xi măng và ghép các tấm ghi nhôm thành tường để tạo thành nhà ở kết hợp công sự chiến đấu.

Sau khi về đất liền, lệnh của tư lệnh Giáp Văn Cương được thực thi ngay. Đến tháng 2-1987, căn nhà đầu tiên được dựng lên đảo Thuyền Chài mà người lính hải quân thường gọi cái tên đúng hình dáng của nó là "nhà cao chân".

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Cắm mốc chủ quyền, dựng nhà trấn thủ - Ảnh 4.

Cựu cán bộ, chiến sĩ E83 xúc động cài áo cho nhau trong ngày gặp mặt truyền thống tháng 8-2024 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nhà nằm trên các cọc bê tông cốt thép, cột chống nghiêng đổ được tận dụng từ cây gỗ thông làm cột điện do Mỹ để lại ở Cam Ranh. Dầm của căn nhà lát gỗ và ghi nhôm. Mái nhà lợp vòm tôn.

Đó là căn nhà cao chân đầu tiên cũng là pháo đài đầu tiên trên hệ thống các đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Tháng 4-1987, tư lệnh Giáp Văn Cương tiếp tục ra Trường Sa để kiểm tra toàn diện và xem xét căn nhà cao chân đầu tiên ở Thuyền Chài. Sau đó ông yêu cầu cấp dưới bổ sung thêm các chi tiết để nhà cao chân vững chắc hơn và sản xuất hàng loạt nhà cao chân khác đưa ra các đảo chìm ở Trường Sa trấn giữ, bảo vệ chủ quyền.

Những tháng cuối 1987 đầu 1988, tình hình Trường Sa bắt đầu có dấu hiệu căng. Bộ Tư lệnh hải quân đã ra lệnh khẩn trương xây dựng các nhà cao chân để trấn giữ chủ quyền trên các đảo chìm khác, thậm chí dùng pông tông kéo lên đảo, dựng nhà bạt trên pông tông để giữ đảo.

Đến giữa tháng 1-1988, nhiều nhà cao chân khác đã được công binh hải quân dựng lên ở các đảo chìm của quần đảo Trường Sa như đảo Đá Tây, Tiên Nữ…

Kỷ niệm với tư lệnh Giáp Văn Cương

Trong cuộc đời quân ngũ dài hơn 30 năm của mình, thiếu tá Đỗ Tiến Dũng (quê Yên Khánh, Ninh Bình) nhớ nhất là lần cõng tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương ở Trường Sa Lớn vào tháng 4-1978. Chuyến đó ông dẫn đầu đoàn công tác quân chủng ra đảo Phan Vinh khảo sát để thả, cắm mốc chủ quyền.

Tàu chở đoàn công tác đậu tàu ngoài xa rồi chuyển tải người vào đảo bằng xuồng cao su. Thiếu tá Dũng cùng bộ đội ra mé đảo đón đoàn. Xuồng vừa chạy thì bất ngờ sóng lớn đánh lật úp, người rơi xuống nước.

Thấy vậy, thiếu tá Dũng lao ra dìu đỡ tư lệnh Giáp Văn Cương lên và cõng vào đảo. Lúc đó thiếu tá Dũng mang quân hàm trung úy, giữ chức chính trị viên đại đội.

Ông Nguyễn Văn Khải - cựu chiến binh E83, người chứng kiến hình ảnh thiếu tá Dũng cõng tư lệnh Giáp Văn Cương - xúc động nhớ lại: "Tư lệnh lúc đó đã lớn tuổi, chúng tôi lính trẻ, sức khỏe dẻo dai. Khi xuồng thủ trưởng bị lật, anh Dũng là người lao ra nhanh nhất để cõng tư lệnh, từng bước chân dò bãi cạn san hô đi vào đảo".

Tháng 8-2024, trong ngày gặp mặt các cựu chiến binh E83, ông Khải chạy đến ôm chầm lấy thiếu tá Dũng rồi ôn lại chuyện xưa: "Anh ơi, em vẫn nhớ mãi hình ảnh anh cõng thủ trưởng giữa biển Trường Sa".

------------------

Ngay trong và sau sự kiện bi tráng ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, công binh hải quân vẫn bình tĩnh, kiên cường tiếp tục ra Trường Sa dựng nhà, xây đảo trấn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Kỳ tới: Xây đảo dưới họng súng

Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao - Ảnh 3.Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Bát cơm người lính trộn nước Biển Đông

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng công binh hải quân bắt đầu ra Trường Sa xây dựng đảo thuộc chủ quyền Tổ quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp