Người dân đến làm việc tại văn phòng một cửa tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng được chỉ dẫn tận tình nhanh gọn. Trong ảnh: làm thủ tục tại Sở Kế hoạch - đầu tư Đà Nẵng - Ảnh: PHAN THÀNH |
Tại những nước phát triển, quản trị hành chính công là nền tảng cũng như thước đo cho một xã hội tiến bộ. Hệ thống quản trị càng hoàn chỉnh thì xã hội càng phát triển.
Nguyện vọng chính đáng
Ở Việt Nam, quản trị và hành chính công các cấp đang đối mặt với nhiều thách thức. Những số liệu từ dự án Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành khảo sát trong 4 năm gần đây đã chỉ ra nhiều điểm đáng quan tâm.
Trong tổng số 13.552 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên tham gia khảo sát năm 2014, có tới 49% người dân cho rằng phải hối lộ khi xin việc vào khu vực công, 33% phải “lót tay” khi đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 43% phải đưa phong bì để được quan tâm hơn khi khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập...
Đáng lo ngại hơn khi các chỉ số PAPI gần nhất là năm 2014 vẫn không thay đổi nhiều so với lần đầu khảo sát vào năm 2011. Trong khi đó, tỉ lệ người dân cho rằng vấn đề tham ô, nhũng nhiễu tại cơ quan công quyền lại có xu hướng gia tăng.
Trong 20 năm tới, với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng là xu thế phát triển khách quan, kỳ vọng bộ máy quản trị hành chính công ở Việt Nam sẽ hoàn thiện theo hướng công bằng và khoa học.
Khi đó, cơ quan công quyền sẽ như một bộ phận cung ứng dịch vụ phục vụ tốt nhất cho nhu cầu hành chính công của người dân thông qua bộ máy quản trị giàu năng lực, được tổ chức khoa học với sự hỗ trợ tối ưu của công nghệ hiện đại.
Mọi giao dịch hành chính của người dân, dù ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng trên hệ thống điện tử đã được lưu trữ thông tin đầy đủ.
Số lượng nhân viên hành chính tại các cơ quan công quyền cũng tinh giản tối đa. Họ sẽ là những người tận tụy nhất trong việc cung ứng các dịch vụ công, đối xử công bằng với tất cả người dân tham gia giao dịch và hoàn thành trong thời gian nhanh nhất.
20 năm nữa, tình trạng tham ô, nhũng nhiễu tại các cơ quan công quyền sẽ không còn. Người dân khi đó sẽ tham gia sâu vào việc giám sát hoạt động quản trị hành chính công, được yêu cầu đầy đủ quyền lợi khi giao dịch các thủ tục hành chính và nhận về kết quả tốt nhất.
Minh bạch để dân giám sát
Để xây dựng được bộ máy quản trị hành chính công công bằng và khoa học, trước hết người dân phải đóng vai trò chủ đạo trong việc hoàn thiện bộ máy quản trị hành chính công bằng việc tham gia góp ý, đấu tranh tích cực từ các hoạt động hành chính cấp cơ sở.
Đối với mỗi giao dịch hành chính cụ thể, người dân cần chủ động tìm hiểu rõ quy trình thực hiện, yêu cầu cán bộ công quyền thực hiện đúng theo quy trình mà Nhà nước quy định. Những trường hợp công chức có dấu hiệu sai phạm, nhũng nhiễu, người dân cần kiên quyết đấu tranh, tố giác. Tránh e sợ, vì lợi ích cá nhân mà dung túng, tiếp tay.
Cùng với đó là tích cực góp ý xây dựng với các cấp lãnh đạo về những điều luật, quy trình, thủ tục hành chính không phù hợp để nó ngày càng hoàn thiện hơn.
Nhà nước cần minh bạch các hoạt động hành chính công để nhân dân hiểu rõ, thực hiện và chủ động giám sát. Minh bạch ở đây là công bố đầy đủ thủ tục, quy trình, lệ phí... của từng giao dịch hành chính cụ thể tại trụ sở công quyền. Có như vậy người dân mới thật sự làm chủ được các hoạt động hành chính cũng như thực hiện quyền giám sát của mình.
Hiện đại hóa bộ máy quản lý hành chính theo hướng số hóa là giải pháp tối ưu để tăng cường hiệu quả quản trị hành chính công. Một khi hoàn thiện hệ thống số hóa thông tin lưu trữ, công tác quản lý sẽ trở nên chặt chẽ và đồng bộ, sai sót hay tiêu cực trong giao dịch hành chính cũng được hạn chế tối đa.
Điều này không những thuận lợi cho người dân mà còn giúp Nhà nước tinh giản được bộ máy công chức cồng kềnh như hiện nay.
Xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công là ba quá trình có tác động lẫn nhau, phản ánh năng lực quản lý của Nhà nước. Chính sách không phù hợp, thực thi không đúng quy định và thiếu sự giám sát sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định của xã hội.
Việc xây dựng, thực thi và giám sát các chính sách cần được Nhà nước cân nhắc, với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân để có thể thiết lập một xã hội công bằng, hợp lòng dân, đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận