Bộ trưởng Tô Lâm (bên phải) ở hành lang phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội - Ảnh: LÊ KIÊN
Sáng nay (11-9), Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm, đã thay mặt Chính phủ trình dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ trưởng cho biết triển khai Luật công an nhân dân năm 2018, "đến nay, các địa phương trong toàn quốc đã hoàn thành xong việc bố trí công an xã chính quy tại 100% các xã, thị trấn với gần 30.000 cán bộ, chiến sĩ".
Theo quy định, hiện có 126.084 công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ công an xã, đang dôi dư, cần phải bố trí tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã, thị trấn. Việc ban hành luật mới để tổ chức lại lực lượng này, cùng với các lực lượng tự nguyện đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở, tạo thành một lực lượng thống nhất.
Dự luật cũng phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn phạm vi, cách thức thực hiện, tránh việc lạm dụng, tùy tiện xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Theo đó, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách sẽ được sắp xếp, bố trí thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, và được bố trí thành tổ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.
Việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo dự luật, sẽ do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong nhân dân. Cụ thể, được hỗ trợ hằng tháng do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, một số ý kiến thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh đề nghị cân nhắc, chỉ thực hiện thí điểm mô hình này trong một thời gian. Lý do là nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức lực lượng, kinh phí, ngân sách bảo đảm hoạt động và nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; hoạt động của các tổ chức tự nguyện, tự quản trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề hiện nay có nhiều mô hình, tổ chức tự quản của quần chúng đang hoạt động khá hiệu quả thì mối quan hệ với tổ chức mới này như thế nào, cần sắp xếp lại ra sao.
Khẳng định việc ban hành luật này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng nếu cơ sở không yên ổn, chỉ cần một đốm lửa cũng có thể bùng ra. "Không được để xảy ra điểm nóng ở cơ sở. Nếu bùng lên, phải dập tắt ngay. Việc ban hành luật này là cần thiết nhưng phải nghiên cứu thật kỹ", bà Kim Ngân lưu ý.
Thống nhất lực lượng sẽ giúp giảm ngân sách
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết việc nhập 3 lực lượng kể trên sẽ khắc phục được thực trạng hiện nay là trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách).
Việc thống nhất tổ chức cũng tạo điều kiện để tập trung, huy động nguồn lực cho hoạt động, giảm gánh nặng ngân sách địa phương.
Đại tướng Tô Lâm cho biết thêm nếu mức chi cho một chức danh thuộc lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là 300.000 đồng thì ngân sách nhà nước phải bảo đảm khoảng 220 tỉ đồng, trung bình địa phương cấp tỉnh phải bảo đảm hơn 3 tỉ đồng/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận