Thượng tá Lê Mạnh Hà - Ảnh: THÀNH NHÂN
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, tình trạng tội phạm buôn bán người đã là vấn đề nhức nhối của thế giới và Việt Nam từ lâu. Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống mua bán người, có hiệu lực từ 1-1-2012, và Chính phủ cũng đã ban hành quyết định 793 lấy ngày 30-7 hằng năm là ngày Phòng chống mua bán người. Bộ luật hình sự Việt Nam cũng có quy định tại các điều 151, 152.
Công an TP tăng cường nắm tình hình
Các đối tượng mua bán người thường lợi dụng những người nhẹ dạ cả tin, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân hiểu biết hạn chế, kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi đua đòi…để lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, rồi bán ra nước ngoài để thu lợi.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi mạng xã hội phát triển, các đối tượng làm quen, tiếp cận, hướng dẫn nạn nhân rơi vào cạm bẫy mua bán người. Hoặc các thủ đoạn lừa đảo mà báo chí đã phản ánh như lập các trang mạng xã hội tuyển người sang Campuchia làm việc hành chính, hứa hẹn mức lương cao, đưa ra các điều kiện như biết đánh máy thì lương cao hơn… để tăng lòng tin với các nạn nhân.
Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu trả các chi phí đi lại ăn ở, có các biện pháp khống chế yêu cầu gia đình đưa tiền, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục... Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phối hợp với các cơ quan ngoại giao điều tra, xử lý và hỗ trợ các nạn nhân.
Nạn nhân hoặc người nhà liên hệ với cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin, hình ảnh, thời gian, địa điểm, phương thức của các đối tượng.
Cơ sở kinh doanh phế liệu phải cam kết không mua thiết bị bị trộm cắp
Về tình trạng mất cắp thiết bị ở các công trình đang xây dựng thời gian vừa qua, thượng tá Lê Mạnh Hà cho rằng tình trạng mất cắp phát sinh từ sự mất cảnh giác, chủ quan của các đơn vị chủ thầu trong việc quản lý tài sản, không có người trông coi, che chắn, không có biện pháp bảo vệ phù hợp, các tài sản, vật tư, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực vắng người dễ tháo lắp.
Đối với các vụ việc này, ban giám đốc Công an TP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ (PC02) phối hợp với các quận huyện truy xét, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng gây án.
Về lâu dài, Công an TP cũng phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng quy chế phối hợp để thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự tại các tuyến đường, khu vực lắp nhiều thiết bị hạ tầng kỹ thuật, tổ chức tuyên truyền vận động chủ đầu tư, nhà thầu thi công và người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tài sản nhà nước, tố giác hành vi, đối tượng có biểu hiện trộm cắp, phá hoại hạ tầng kỹ thuật.
Đối với các vụ việc xảy ra, các đơn vị thi công, quản lý, nhà thầu thi công khẩn trương báo về trụ sở công an sớm nhất để cơ quan công an có điều kiện điều tra xác minh, xử lý các đối tượng nhanh chóng nhất.
Công an TP cũng chỉ đạo cho công an các phường xã rà soát, lên danh sách các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn để ký cam kết không tiếp tay, không mua các cấu kiện, vật tư hệ thống kỹ thuật, tố giác khi có nghi vấn.
Về việc người dân ở TP Thủ Đức gặp khó khăn khi đi làm căn cước công dân (CCCD), ông Hà cho biết hiện nay ở một số địa bàn, đặc biệt là địa bàn đông dân cư như TP Thủ Đức, số lượng người dân đi làm CCCD đông. Số lượng máy cấp CCCD hiện chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến tình trạng như phản ánh. Công an TP mong người dân chia sẻ khó khăn của cơ quan công an.
Công an TP có một số giải pháp, trong đó có đề xuất Bộ Công an cấp thêm máy cấp CCCD, bố trí, tăng thời gian cấp CCCD, có những đơn vị làm việc từ 6h sáng đến 11h đêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận