Khách hàng giao dịch tại một BTM Bitcoin ở TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản yêu cầu cơ quan Công an TP.HCM phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện công tác điều tra, phòng, chống các hành vi liên quan việc sử dụng các đồng tiền điện tử trong thanh toán trên địa bàn.
Yêu cầu này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn về hoạt động tiền tệ và hạn chế tối đa những ảnh hưởng bất lợi đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn trong khi chờ đợi có khuôn khổ pháp lý chính thức cho tiền điện tử kiểu Bitcoin.
Tại văn bản chỉ đạo, UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp Cục Thanh tra, NHNN TP chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước liên quan đến việc sử dụng các đồng tiền ảo trong thanh toán trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng phải thực hiện thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về thanh toán không hợp pháp, bị cấm phát hành, cung ứng và sử dụng theo quy định.
Bên cạnh việc cập nhật và tham mưu UBND TP.HCM triển khai kịp thời các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới liên quan đến quản lý và xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM còn phải thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về những rủi ro liên quan đến các đồng tiền điện tử để người dân và doanh nghiệp nắm và hiểu rõ, hạn chế tối đa những rủi ro bất lợi ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ thuộc lĩnh vực phụ trách có liên quan đến việc sử dụng tiền điện tử trong thanh toán và phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm.
Thực tế, dù không được xem là phương tiện thanh toán nhưng với sự tăng, giảm giá liên tục trong thời gian ngắn của tiền điện tử như Bitcoin đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Ngân hàng Nhà nước thì khẳng định, Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như là một loại tài sản cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân.
Còn theo quy định của Bộ Luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên hiện nay trên thị trường việc giao dịch các loại tiền điện tử vẫn diễn ra rầm rộ.
Con số kỷ lục
Cục Hải quan TP.HCM cho biết tính đến trung tuần tháng 12-2017, đã có 7.005 máy đào tiền ảo được làm thủ tục nhập khẩu hải quan.
Trước đó, tính đến cuối tháng 10-2017, số máy được nhập về TP.HCM chỉ khoảng 1.400 máy, bao gồm 1.310 máy Bitcoin và 620 máy Litecoin. Như vậy, chỉ trong gần 2 tháng, đã có hơn 5.000 máy đào tiền điện tử được nhập về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận