Người dân thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay xử lý tình huống cụ thể - Ảnh: Công an cung cấp
Ngày 13-9, đại diện Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết đã tổ chức buổi tập huấn, tuyên truyền các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ cho hơn 170 đại diện cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, massage, cửa hàng ăn uống. Tham dự chỉ đạo có thượng tá Phan Vũ Anh Giang, phó trưởng Công an quận Gò Vấp.
Gần đây có vụ cháy quán karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương) làm 32 người chết, chính vì vậy Công an quận Gò Vấp tổ chức buổi tập huấn nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định, kỹ năng an toàn PCCC đối với các loại hình kinh doanh trên.
Theo Công an quận Gò Vấp, quán karaoke có đặc điểm kiến trúc thường rất kín để tránh tiếng ồn sang nhà lân cận, mặt trước công trình hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo. Điều kiện thông gió gần như không có, khi cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói.
Đây cũng là nơi tồn chứa nhiều vật liệu dễ cháy như bàn ghế, phông rèm, cách âm, thảm nền bằng mút, xốp, cao su, bông vải sợi…, do đó khi cháy có tốc độ lan cực nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều loại thiết bị điện với công suất lớn như điều hòa, thiết bị âm thanh, ánh sáng… dễ dẫn đến tình trạng quá tải, chập mạch gây cháy.
Việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán karaoke nhưng không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC cũng là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC như thiếu lối thoát nạn, hệ thống điện, ngăn cháy lan...
Công an quận Gò Vấp đề nghị các chủ cơ sở kinh doanh lắp biển quảng cáo bên ngoài không che kín toàn bộ nhà, không che lấp các lối thoát nạn, ban công, tầng thượng. Yêu cầu 100% cơ sở karaoke phải có lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…).
Các thiết bị bảo vệ, hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện phải đảm bảo chất lượng. Đường dây dẫn điện phải đi trong ống gen bảo vệ và phải tính toán đủ tiết diện đảm bảo cấp cho các thiết bị tiêu thụ (trong đó phải tính đến cả dự phòng), trước các thiết bị tiêu thụ dòng điện lớn phải có Aptomat bảo vệ; lắp đặt bổ sung thiết bị ngắt mạch khi có sự cố chập điện (bảo vệ quá tải và chống rò) để đảm bảo ngắt mạch một cách thông minh những nguyên nhân gây cháy do chập điện.
Mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái.
Tăng cường tự kiểm tra hệ thống điện, thiết bị âm thanh, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ, đèn quảng cáo, phương tiện chữa cháy… để kịp thời khắc phục các sơ hở, thiếu sót nhằm hạn chế nguy cơ cháy, nổ xảy ra.
Kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra:
1. Bình tĩnh, không hoảng loạn, dùng khăn thấm nước che mặt, che người hoặc sử dụng mặt nạ lọc độc (nếu có), tự mình thoát nạn và hướng dẫn người thân thoát nạn theo các hướng hành lang, cầu thang bộ, mái nhà, ban công, lối đi phụ khác...
2. Đi khom lưng hoặc bò trên đường di chuyển để tránh bị nhiễm khói khí độc.
3. Đóng các cửa trên đường di chuyển để tránh lửa lan rộng ra hoặc cô lập đám cháy.
4. Kiểm tra nhiệt độ cánh cửa bằng mu bàn tay, nếu phát hiện cửa nóng thì tìm lối di chuyển khác.
5. Nếu mắc kẹt trong đám cháy, hạn chế khói khí độc lan vào phòng bằng cách sử dụng chăn ướt, băng keo dính... bịt kín các khe cửa, tuyệt đối không ẩn nấp dưới gầm giường, nhà vệ sinh, tủ quần áo, khu vực khó tìm thấy.
6. Nếu chẳng may bị lửa tạt vào người, tuyệt đối không chạy hay cởi quần áo, lập tức nằm xuống sàn nhà lăn qua lăn lại vài vòng để dập lửa.
Quy trình chữa cháy ban đầu:
Bước 1: Báo động, hô hoán, gõ kẻng, phát hiệu lệnh báo khẩn khi phát hiện cháy.
Bước 2: Ngắt toàn bộ hệ thống, thiết bị điện khu vực bị cháy.
Bước 3: Sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, nước (khi đảm bảo đã ngắt điện), cát, chăn... để dập lửa.
Bước 4: Gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 và thông báo đến các cơ quan chức năng gần nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận