15/05/2012 02:02 GMT+7

Con vẫn luôn "khát sống"...

NGUYỄN THỊ THANH HOA (ĐH Sư Phạm TP.HCM)
NGUYỄN THỊ THANH HOA (ĐH Sư Phạm TP.HCM)

AT - Chiều nay, trong phút rảnh rỗi hiếm hoi giữa bộn bề công việc làm thêm và học tập, con dành thời gian ngồi sắp xếp lại tủ sách yêu quý của mình. Thật bất ngờ khi trên tay con là cuốn sách cô tặng năm nào. Lòng con trào dâng niềm xốn xang và bồi hồi đến lạ...

Kính tặng cô giáo Lưu Hương Bình

Con sinh ra trong một gia đình nghèo nơi mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Tuổi thơ con là những tháng ngày khó khăn, vất vả chống chọi với chứng bệnh bại liệt hai chân do cơn sốt viêm não Nhật Bản năm lên 2 tuổi. Khó có bút mực nào tả hết được những nỗi nhọc nhằn, cơ cực của hai đấng sinh thành ngày ấy khi phải làm rất nhiều nghề có tên lẫn không tên khác nhau để xoay xở tiền thuốc men chữa bệnh cho con.

Con luôn tự hào vì có một gia đình nghèo nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương. Còn cô là người đã dắt con bước ra khỏi vỏ ốc của sự mặc cảm và tự ti, đưa con hòa nhập với cuộc sống như những - người - bình - thường khác.

Con được học cô khi trở lại trường sau một năm nghỉ học để phẫu thuật và tập những bài tập vật lý trị liệu tại Trung tâm Phục hồi chức năng và chỉnh hình Vinh. Cô lúc đó cũng mới bắt đầu về Trường THCS Ngọc Sơn ở Thanh Chương, Nghệ An, giảng dạy bộ môn ngữ văn và giáo dục công dân cho một số lớp khối 7. Con vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên đến lớp ấy. Ánh mắt con ngơ ngác khi xung quanh không còn là những người bạn thân ngày trước, khi có nhiều bạn nhìn theo mỗi bước chân con, xì xào, bàn tán.

Năm đó, nhà trường tổ chức các lớp học thêm. Vì biết hoàn cảnh gia đình mình nghèo túng nên con không đăng ký học. Ngay buổi học sau đó, cô đã gọi con đứng lên trước lớp để trình bày lý do. Trong tiếng nấc nghẹn ngào vì tủi, con đành nói sự thật rằng nhà con quá khó khăn, lại vừa phải dồn hết tiền lo cho con suốt cả một năm ròng trong bệnh viện nên không thể đi học thêm với số tiền không phải là nhỏ như vậy được. “Và chiều chiều, con còn phải lắp đôi chân giả tự tập đi với hai cây nạng gỗ nữa, cô ạ!” - con bật khóc.

Nghe xong, cô xúc động, nhìn con trìu mến và nói: “Cô xin lỗi vì không biết hoàn cảnh của em. Cô sẽ đề nghị nhà trường miễn tiền học phí nên hãy đi học, em nhé! Em có thể sắp xếp thời gian tập đi vào sáng sớm, đúng không nào? Cô hi vọng lớp mình sẽ giúp đỡ bạn học thật tốt!”. Cả lớp vỗ tay rần rần. Còn con đã lặng người đi không thốt nổi nên lời.

Từ hôm đó, nhờ sự quan tâm đặc biệt hơn của cô, con bắt đầu học văn tốt trở lại. Những bài văn của con điểm số ngày càng cao, được cô chọn đọc lên giữa lớp trong mỗi tiết trả bài. Cô bảo rằng cô đã dần hiểu con hơn qua những bài viết chân thực, xúc động - một cách trải lòng thật sự chứ không đơn thuần chỉ là bài kiểm tra lấy điểm...

Năm 17 tuổi, quà sinh nhật cô tặng con là cuốn truyện ký viết về tấm gương một thanh niên bị tai nạn giao thông khi 19 tuổi. Những tưởng cuộc đời đắm chìm miên man trong hôn mê, nhưng anh đã chiến thắng tử thần dù bị bại liệt toàn thân, nói năng ngọng nghịu, phát âm không rõ ràng. Bằng nghị lực sống phi thường, anh tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội với tấm bằng loại giỏi, vượt qua hàng trăm ứng cử viên để trở thành lập trình viên Công ty phần mềm CES. Cuốn sách cô trao đã đem đến cho con những luồng suy nghĩ mới, thổi bùng trong con khát vọng được sống, được mơ ước và cống hiến.

Trong lòng con, những tháng ngày cô dạy dỗ luôn hằn sâu bao kỷ niệm đẹp. Cô thường hay gọi con lên bảng làm bài tập (trong khi những giáo viên khác ngại cho con đi lại). Cô chọn con vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn văn, cho tham gia làm báo tường cho toàn khối. Rồi những tiết giáo dục công dân con cũng được cô chọn làm “diễn viên” đóng mấy vở kịch nhỏ.

Cô đã cho con hiểu rằng con không hề thua kém ai, không hề bất hạnh bởi con còn có những năng khiếu, khả năng mà không phải ai cũng may mắn có được. “Cô tin em còn làm được hơn thế!” - câu nói của cô đã khiến con thật sự xúc động!

Giờ đây, cô học trò nhỏ bé ngày nào đã là sinh viên năm nhất ngành ngữ văn ĐH Sư phạm tp.HCM, cũng phần nào nối bước chân cô. Có đôi khi giữa đất Sài Gòn rộng lớn, không người thân bên cạnh, con lại cô đơn và buồn bã. Những lúc ấy, chỉ một cú điện thoại thôi, được nghe giọng nói thân thương của cô là con lại thấy lòng mình thật bình yên và ấm áp.

Đối với con, cô luôn chiếm trọn góc sâu lắng, dung dị mà chất chứa nhiều bài học làm người ý nghĩa nhất trong trái tim!

PQHBbYMU.jpgPhóng toÁo Trắngsố 8 ra ngày 1/05/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN THỊ THANH HOA (ĐH Sư Phạm TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp