08/10/2019 09:21 GMT+7

Con vẫn là con bé bỏng của mẹ

LÊ VĂN TÁM
LÊ VĂN TÁM

TTO - Những năm trước mỗi dịp 8-3, nghe bài hát Mừng tuổi mẹ mà cảm giác tôi khó tả, lo lắng đến ngày “mẹ già như chuối chín cây”. Năm nay, nỗi lo lại càng đến gần...

Con vẫn là con bé bỏng của mẹ - Ảnh 1.

Những gì tôi phấn đấu được, chắc mẹ yên tâm phần nào. Nhưng tôi biết trong lòng mẹ dù con thành đạt thế nào thì vẫn là đứa con bé bỏng của mẹ.

LÊ VĂN TÁM

Tôi còn nhớ như in ngày tựu trường năm ấy, tưởng rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành "người điện lực".

Nước mắt mẹ!

Từ khi tôi làm hồ sơ thi cho đến lúc đi học, mọi việc đều chỉ thành công ở "những giây bù giờ cuối cùng". Có giấy báo nhập học của Trường trung học Điện II TP.HCM, cả nhà tôi mừng lắm. Nhưng sắp đến giờ đi mà không thấy mẹ đâu, tôi ra sau vườn, thấy nhấp nhô nón lá giữa đồng.

Đến chỗ mẹ đang giặm lúa, tôi thưa: "Mẹ ơi! con đi học".

"Ôi! Thôi chết, mẹ quên mất", mẹ cuống quýt nói, rồi đi hết nhà nọ đến nhà kia mượn tiền nhưng không ai giúp được. Đã hết giờ không còn chiếc đò nào ra thị xã nữa. Mẹ nói trong nước mắt: "Thôi con ạ! Ở nhà, năm tới thi sư phạm cho gần. Học sư phạm không tốn phí, phù hợp gia cảnh mình. Chứ mẹ không lo nổi cho con nữa...". Lòng tôi như thắt lại!

Ngày ấy, xã tôi ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, chỉ có điện ở khu trung tâm, xóm sâu thì le lói đèn dầu. Tôi được đi học ngành điện là niềm vui cho cả xóm. Biết đâu tôi học về, xóm làng sẽ sáng ánh điện.

Gia đình tôi đông con nghèo khó. Trước đây, anh chị tôi đi học, mẹ đều cố lo được hết. Gánh nặng nào mẹ cũng cố vượt qua, bởi lúc đó mẹ còn trẻ, còn sức khỏe để ngược xuôi, lo toan. Đến lượt tôi thì mẹ sức cùng lực kiệt, không còn khả năng lo nữa dù mẹ đã cố mọi cách. Tôi chẳng thể cầm lòng được trong khoảnh khắc nhìn cảnh mẹ nằm võng, khóc thương con sắp tan hi vọng đến trường.

Đang rối ren thì anh ba tôi về. Nghe tôi đi học, anh chị và cháu về chơi, tiễn tôi đi. Anh chị có ảnh hưởng rất lớn trong gia đình. Cha mẹ khó khăn, em út đông, anh chị đều choàng gánh. Tôi chưa thấy người chị dâu nào tốt như vậy. Chị mua đất cho nhà chồng canh tác, giúp nuôi bầy em chồng ăn học mà không một lời ca thán.

Hôm nay, chị lại cầm tiền đưa cho tôi và nhẹ nhàng nói: "Chú lên đó nộp phí và học cho tốt nhé". Tôi cảm mến chị vô cùng. Mẹ tôi thì sụt sịt: "Con đưa em đủ tiền đi thôi, còn lại con gửi lên sau cho an toàn". Đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh hai người phụ nữ này. Khoảnh khắc đó của chị dâu đã mở toang cánh cửa cho tôi vào đời. Nước mắt mẹ là động lực mãi mãi cho tôi phấn đấu nên người...

Niềm vui và nỗi lo của mẹ

Ngày tôi về thực tập, con kênh xóm nghèo đã được rải cột điện trên bờ. Bà con hớn hở vì quê hương đổi thay. Mẹ tôi ngồi cùng hàng xóm, ai cũng vui vẻ chia sẻ. Chị Năm chợt thốt lên: "Chú Tám về rồi hả? Sắp tự nuôi thân rồi hen! Cột đèn cắm tới nhà tôi rồi, về nhanh đi còn kéo dây cho sáng nhà sáng cửa nữa". Chị lại quay qua mẹ tôi: "Bà sướng nhất đó". Mẹ tôi rưng rưng lo: "Học xong, không biết có xin việc được không".

Tôi được nhận vào làm ở cơ quan điện lực huyện nhà. Lính đường dây quanh năm bận công việc nên cũng ít về thăm gia đình. Lần nọ, tôi nghe đồng nghiệp về kể hôm đó mẹ tôi bỏ dở bữa ăn trong đám cưới, chỉ vì câu gièm pha của hàng xóm: "Con làm điện lực để ngày vui gia đình người ta không có điện mà bà coi được à?".

Mẹ tôi lầm lũi ra về, không nói một lời nào. Bà nhận hết thiệt thòi về mình như bao lần trước!

Bè bạn đồng nghiệp về nhà ăn giỗ, bảo mẹ cưới vợ cho tôi, kiếm con dâu cho nhà bớt hiu quạnh. Mẹ cười lo lắng: "Chưa được đâu! Em nó phải cố gắng đi học hàm thụ lên, rồi cưới vợ chưa muộn". Tôi hiểu ý mẹ muốn con mình phải vươn lên nữa. Ra trường, tôi chỉ là công nhân quản lý vận hành lưới điện 22kV bậc 2/7.

Sự quan tâm việc "học hàm thụ" của mẹ khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, phải thay nước mắt mẹ bằng nụ cười mãn nguyện. Tôi vạch kế hoạch chi tiết cho việc tự học tập nâng cao kiến thức, lấy động lực bằng chính hình ảnh mẹ mình. Bằng mọi giá tôi phải "học tập hoàn tất trước 35 tuổi".

Tôi xin lãnh đạo cho học quản trị kinh doanh mà không được duyệt vì ngành không liên quan tới điện, nhưng tôi vẫn học và không ảnh hưởng việc cơ quan. Tốt nghiệp xong, tôi xin học quản trị nhân lực, lần này được duyệt và hỗ trợ 30% học phí. Học xong, tôi tự thấy mình "chưa đủ 35 tuổi" nên tiếp tục học kỹ sư điện.

Ròng rã từ năm 2006 đến 2016, tôi đã hoàn thành mục tiêu 3 trường đại học. Mẹ tôi chắc yên tâm lắm vì con luôn phấn đấu. Cũng nhờ nỗ lực đó mà sau 13 năm làm việc điện lực huyện, tôi được lãnh đạo rút về điện lực tỉnh. 3 năm sau, tôi lại chuyển về điện lực miền Nam, làm quản lý dự án lưới điện phạm vi 21 tỉnh thành phố phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau.

Ngày 1-10 là Ngày quốc tế người cao tuổi, rồi đến Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, cơ quan có phần quà thăm hỏi cha mẹ cán bộ công nhân viên. Tôi về thăm mẹ trong cơn gió se sắt trở mùa.

Lòng con trẻ rưng rưng khi nhìn thấy mẹ. Mái tóc dài theo cả cuộc đời mẹ đã không còn chấm ngang hông. Mặt mẹ lúc nào cũng như mới tỉnh ngủ. Mẹ đã thay đổi, yếu đi rất nhiều theo thời gian chống chọi bệnh tai biến.

Mẹ nhìn tôi với đôi mắt như trẻ thơ, nhưng khác ở độ quầng sâu theo năm tháng. Nước mắt mẹ lại rời khóe mắt, lăn dài trên má, chỉ khác cách đây 20 năm là không thành lời. Mẹ bám vào thành giường đi ra sau, chắc mẹ sợ con buồn, nên lại nhận nỗi buồn cho riêng mình.

Tôi đứng chôn chân nhìn theo lưng còng dãi dầu mưa nắng của mẹ. Hình như có rất nhiều hạt bụi đang bay vào mắt tôi và sống mũi tôi cay cay. Mẹ ơi!

Con vẫn là con bé bỏng của mẹ - Ảnh 3.
Bố, vị thần hộ mệnh của tôi Bố, vị thần hộ mệnh của tôi

TTO - Mỗi người đều có riêng mình vị thần hộ mệnh. Và với tôi, bố chính là vị thần yêu thương đó.

LÊ VĂN TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp