25/04/2024 15:52 GMT+7

Con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể về đàm phán Hiệp định Geneve 1954

Xuất hiện tại lễ kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Geneve, thiếu tướng Phạm Sơn Dương - con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - đã kể về những ngày tháng đàm phán căng thẳng giữa Việt Nam với các nước lớn 70 năm về trước.

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chia sẻ tại lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve - Ảnh: Baoquocte.vn

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chia sẻ tại lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve - Ảnh: Baoquocte.vn

Ngày 25-4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve với sự tham gia của đại sứ, đại diện đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử.

Lễ kỷ niệm còn là dịp tái ngộ đầy ý nghĩa của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện các gia đình thành viên đoàn đàm phán tại Geneve cách đây 70 năm. Trong số đó có thiếu tướng Phạm Sơn Dương - người con của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng là trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Geneve năm 1954.

Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

"Tôi có may mắn được sống cùng ba và Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch nên được ba kể cho nghe những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu, trong đó có câu chuyện về bài học ngoại giao tại Hội nghị Geneve", thiếu tướng Phạm Sơn Dương nhớ lại.

Ngày 8-5-1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve về Đông Dương chính thức khai mạc. Đoàn Việt Nam do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn bước vào hội nghị với tâm thế của người chiến thắng.

"Ba tôi kể, là người giàu kinh nghiệm nên Bác Hồ đã dự đoán Việt Nam tham dự Hội nghị Geneve sẽ gặp những áp lực rất lớn. Mặc dù chiến thắng Điện Biên Phủ cùng sự chuyển hóa trong Chính phủ và Quốc hội Pháp là cơ hội thuận lợi cho ta nhưng khó khăn lớn nhất là sự can thiệp của các nước lớn vào hội nghị", ông Phạm Sơn Dương chia sẻ.

Chủ trương của Đảng và Bác Hồ là vừa đánh vừa đàm phán để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hiệp định Geneve là một giải pháp đồng bộ về chính trị và quân sự để thực hiện mục tiêu đó.

Ông Phạm Sơn Dương cũng cho biết ba ông từng kể Việt Nam Dân chủ cộng hòa định cử Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám, nhưng sau khi có ý kiến của Bác Hồ, Chính phủ quyết định cử Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.

Tham gia đoàn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu và nhiều đồng chí, chuyên viên khác.

Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng tại phòng làm việc ở Hội nghị Geneve - Ảnh: TTXVN

Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng tại phòng làm việc ở Hội nghị Geneve - Ảnh: TTXVN

Suốt thời gian diễn ra hội nghị, trưởng đoàn Phạm Văn Đồng thường xuyên báo cáo và xin ý kiến trực tiếp của Bác Hồ.

Trong số các nước lớn tham gia Hội nghị Geneve, có nước đối đầu với Việt Nam nhưng cũng có những nước ủng hộ; mặc dù vậy, các bên đều có điểm chung là muốn tranh thủ hội nghị để đạt được lợi ích của mình. Do đó, hội nghị không còn là việc riêng giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Pháp nữa.

"Bác căn dặn ba tôi là trong đàm phán phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược và bước đi để đạt được mục đích là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia", thiếu tướng Phạm Sơn Dương kể tiếp.

Trải qua 75 ngày căng thẳng và phức tạp, với sự tham gia của 9 bên trong đó có các nước lớn, Hội nghị Geneve đã kết thúc với kết quả "nằm ngoài ý định ban đầu của nước lớn", theo ông Phạm Sơn Dương.

Trong đó, về mặt chính trị và pháp lý, các nước tham gia hội nghị đã công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Hiệp định Geneve: Tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam

Có mặt tại lễ kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Geneve, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định bối cảnh thế giới đầy biến động phức tạp như hiện nay, đây là dịp để ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi chúng ta lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và khát vọng, nỗ lực vươn lên.

Đó còn là dịp để tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật của ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" - "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".

Trước đó, phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ là nguyên tắc bất di bất dịch của dân tộc Việt Nam.

Nhắc lại đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng "Hội nghị Geveve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to", ông Bùi Thanh Sơn giải thích nếu trong Hiệp định sơ bộ năm 1946, Việt Nam mới chỉ được công nhận là một quốc gia tự do, thì với Hiệp định Geneve, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc.

"Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Việt Nam, là thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân xâm lược", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại lễ kỷ niệm - Ảnh: TTXVN

Với quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953 - 1954, Đảng ta đã chủ trương dùng đàm phán hòa bình làm phương thức chấm dứt xung đột, từ đó mở ra hướng đàm phán kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.

"Chủ trương đúng đắn này xuất phát từ tư tưởng hòa hiếu và nhân văn đã thấm sâu vào văn hóa của dân tộc Việt Nam, 'dùng ngòi bút thay giáp binh', tìm mọi cách ngăn chặn nạn binh đao.

Phát huy truyền thống tốt đẹp này của dân tộc, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam ủng hộ giải quyết các bất đồng, xung đột trên thế giới bằng các biện pháp hòa bình", bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Khẳng định Hiệp định Geneve là "một mốc son trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneve là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học sâu sắc, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam.

Hội nghị Geneve cũng đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.

Nhiều bài học quý báu từ Hiệp định Geneve cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá và tổng kết để kế thừa, vận dụng và phát triển trong xây dựng trường phái đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam".

Tình đoàn kết đặc biệt trên bán đảo Đông Dương

Biểu diễn văn nghệ tại lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve - Ảnh: TTXVN

Biểu diễn văn nghệ tại lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve - Ảnh: TTXVN

Cũng tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Hiệp định Geneve là "thắng lợi mang ý nghĩa thời đại", bởi đây không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và ba nước Đông Dương, mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức.

"Hiệp định này cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ cho các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới vững tin vào chính nghĩa, đạo lý và công lý, đứng lên đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới", người đứng đầu Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Phát biểu sau đó, đại sứ Lào đại sứ Campuchia tại Việt Nam cũng đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định Geneve, nhấn mạnh quan hệ đoàn kết và hữu nghị đặc biệt giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Hai đại sứ khẳng định trong bối cảnh hiện nay, Lào và Campuchia sẽ tiếp tục thắt chặt quan hệ với Việt Nam, cùng tiến lên phía trước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác quốc tế, cũng như phát triển kinh tế khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Việt Nam rút ra được nhiều bài học từ Hiệp định GeneveBộ trưởng Bộ Ngoại giao: Việt Nam rút ra được nhiều bài học từ Hiệp định Geneve

Việt Nam đã học được nhiều kinh nghiệm từ Hiệp định Geneve năm 1954, xem đây là cuốn cẩm nang quý báu kể từ đó đến nay, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp