Người dân Bến Tre vớt tôm chết khỏi ao nuôi nhằm hạn chế sự lây lan - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Theo các doanh nghiệp, nếu không kiểm soát được dịch bệnh và có giải pháp "sống chung" với hạn mặn, nguồn nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt trong thời gian tới.
Tôm chết hàng loạt
Chỉ trong 30 phút chèo xuồng xung quanh vuông tôm, ông Nguyễn Văn Thường (xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) phải vớt cả chục ký tôm chết lên để chôn.
Ông Thường cho biết đã đầu tư khoảng 80 triệu đồng để thả 120.000 con giống tôm càng xanh và 130.000 tôm thẻ chân trắng, đến nay số tôm này bị thiệt hại trên 50% và đang tiếp tục chết.
Bến Tre có truyền thống nuôi tôm càng xanh quảng canh xen với lúa. Năm nay, do mặn xâm nhập sớm và sâu, nhiều nông dân không kịp trở tay, đa số lúa bị nhiễm mặn. Sau khi thả tôm giống, con tôm cũng không chịu nổi nên chết dần chết mòn.
"Vụ năm ngoái, lúa lẫn tôm trừ chi phí tôi lãi 150 triệu đồng. Vụ này dự kiến chỉ hơn một tháng nữa là thu hoạch nhưng giờ chắc trắng tay" - ông Thường nói.
Tại Sóc Trăng, nhiều hộ nuôi tôm cũng đang đối diện nguy cơ trắng tay do con tôm bị dịch đốm trắng tấn công trên diện rộng.
Ông Nguyễn Văn Tám (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) cho biết hơn 350.000 con tôm thẻ chân trắng được gần 40 ngày tuổi trong vuông tôm nhà ông bất ngờ bị bệnh đốm trắng, chết dần nên buộc phải thu hoạch non, bán tháo để gỡ vốn.
Tương tự, ông Lâm Văn Phước (xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu) cũng buộc phải thu hoạch gần 500.000 con tôm thẻ chân trắng mới hơn 30 ngày tuổi do bị bệnh đốm trắng tấn công.
"Nhiều năm nuôi tôm, đây là lần đầu tôi đành buộc bụng bán tôm khi mới đạt cỡ trên 100 con/kg. Thương lái mua giá 70.000 đồng/kg, trừ chi phí lỗ gần 50 triệu đồng" - ông Phước nói.
Giảm nuôi để hạn chế rủi ro
Ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết độ mặn cơ bản đáp ứng việc xuống tôm giống nhưng diễn biến thời tiết phức tạp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao nên dễ phát sinh dịch bệnh.
Đã có ít nhất 150ha tôm thả nuôi ở Sóc Trăng bị thiệt hại. "Sóc Trăng dự kiến thả nuôi khoảng 50.000ha, đến nay đã xuống giống được gần 7.000ha. Nhưng ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con chậm thả giống, thả nuôi mật độ thưa để tránh rủi ro" - ông Quyết nói.
Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, cho biết gần 10 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm tại Sóc Trăng hiện đang mua, chế biến tôm xuất khẩu bình thường. Nhờ một số địa phương như Trà Vinh, Bạc Liêu xuống giống tôm nuôi sớm, hiện đang thu hoạch nên vừa qua các nhà máy có đủ nguyên liệu chế biến. Dù cung nguyên liệu tôm không mạnh bằng cùng kỳ năm 2019 nhưng cầu vẫn giữ ổn định.
"Nếu kịch bản đến quý 2-2020 hết dịch bệnh COVID-19, kinh tế toàn cầu ổn định, nhu cầu tiêu thụ tôm vẫn tốt. Nhưng đến cuối năm 2020 nếu dịch bệnh vẫn còn, không chỉ con tôm mà nhiều mặt hàng khác cũng gặp khó" - ông Lực phân tích.
Theo một số doanh nghiệp, do ảnh hưởng thời tiết và dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên bà con chưa dám thả nuôi nhiều. Với tiến độ thả nuôi chậm, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh trên con tôm, trong vòng khoảng 2 tháng nữa sẽ xảy ra khả năng thiếu nguyên liệu tôm.
Giám đốc một doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu cho rằng cần tăng cường khuyến cáo, tập huấn kỹ thuật, thông tin thị trường kịp thời để người nuôi an tâm, đảm bảo có nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu của các nhà máy thủy sản.
Theo Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Bến Tre, toàn tỉnh có hơn 3.000ha ao nuôi tôm càng xanh xen canh, quảng canh và gần 1.500ha ao nuôi cá tra, trê, mè.
Do ảnh hưởng nước mặn, vụ này khoảng 1.000ha ao nuôi tôm càng xanh và hơn 400ha ao nuôi cá tra, mè bị ảnh hưởng khoảng 30%, thiệt hại sơ bộ gần 80 tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại các huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận