01/02/2004 15:53 GMT+7

Còn thương Phùng Quán

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTCN - Những nén hương lòng, những cung bậc tình cảm dành cho người thơ tài hoa Phùng Quán vừa được tập hợp lại thành tập sách Nhớ Phùng Quán do Nhà xuât bản Trẻ và Công ty Phương Nam thực hiện.

clY0O5rX.jpgPhóng to
Bìa sách
TTCN - Những nén hương lòng, những cung bậc tình cảm dành cho người thơ tài hoa Phùng Quán vừa được tập hợp lại thành tập sách Nhớ Phùng Quán do Nhà xuât bản Trẻ và Công ty Phương Nam thực hiện.

Sinh thời, Phùng Quán là người rất trọng bạn bè. Và bạn bè của ông là một tập hợp những mối quan hệ kỳ thú. Đây là một nội dung độc đáo của tập sách. Bởi văn tài của Phùng Quán, sự nghiệp của Phùng Quán, những nỗi đau, những oan nghiệt mà nhà thơ phải chịu trong bao nhiêu năm làm người, hẳn đã nhiều người biết đến.

Bạn bè là cái khoảng riêng của mỗi người và trong đó bộc lộ rất nhiều câu chuyện. Với người chịu nhiều lận đận như Phùng Quán thì tình bạn trong những năm tháng gian khổ đó càng quí biết bao nhiêu.

Đọc những dòng bè bạn viết về ông, mới biết ông đã trải lòng ra với mọi người như thế nào. Con người Phùng Quán - do vậy mà trở nên quen thuộc với bạn bè trong giới như một quyển sách hay, mọi người chuyền tay nhau, rất thân thương và mỗi khi đọc lại bắt gặp nhiều điều mới lạ, thú vị hơn.

Xúc động lắm, khi đọc đoạn văn miêu tả trong đám tang của Phùng Quán có một “phái đoàn” của những người chuyên câu cá trộm ở hồ Tây đến đọc điếu văn hẳn hoi, lại còn đọc một đoạn thơ trong bài Lời mẹ dặn như một tấc lòng thành kính dâng hương hồn nhà thơ. Sống như thế và chết như thế, quả là người của bạn bè.

Sẽ không có bút mực nào chia sẻ hết nỗi niềm với Phùng Quán, nhất là bao nhiêu công phu của ông dốc hết ra để tồn tại với thơ, với ngòi bút trong những năm tháng “viết văn chui” để sống, để tồn tại. Điều nực cười và cũng là hiếm thấy ở ai như Phùng Quán: viết văn chui nhưng luôn đoạt giải, có khi phải nhờ người đứng tên giùm mình đi lĩnh giải. Bạn bè cả, sống đến mức là ai cũng thương.

Phùng Quán đa tài. Điều này ai cũng biết, và có thể đó là một trong những điều làm ông lận đận ngót 30 năm. Thôi không nhắc đến khả năng làm thơ và độc tấu, diễn tấu, thôi không nhắc đến cái thời can đảm vào vệ quốc đoàn năm 13 tuổi; thôi cũng không nên nhắc lại những tháng năm công phu ngồi viết thơ và truyện trong lời thề “thế nào cũng phải được in văn, thơ bằng chính tên của mình”. Điều đau khổ ấy ai cũng biết, đã có nhiều bài viết, thước phim ghi lại chuyện này.

Có nhiều người tự nhận rằng đã bị ám ảnh khi lần đầu tiên đọc được những câu thơ: Yêu ai cứ bảo rằng yêu, ghét ai cứ bảo rằng ghét; dù ai ngon ngọt nuông chiều; cũng không nói yêu thành ghét; dù ai cầm dao dọa giết; cũng không nói ghét thành yêu... giấy bút tôi ai cướp giật đi; tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. Trời ạ, những câu thơ của một chàng trai 25 tuổi mà đã đầy khí khái như thế! Đọc xong không khỏi cúi đầu, nghĩ lại mình, nghĩ lại thế hệ hôm nay, 25 tuổi có ai phát biểu được những điều như thế.

Quan trọng hơn, Phùng Quán không chỉ phát biểu, Phùng Quán cố làm như một lời tự hứa với lương tâm. Nhưng thôi, sự phát biểu nhiều khi cũng còn rất khó khăn, không thể viển vông nghĩ rằng làm theo điều phát biểu là đơn giản.

Chuyện bạn bè, như tên tập sách - xoay quanh nỗi nhớ về Phùng Quán. Có người nhớ chiếc áo ông đã đổi của Thu Bồn và “sưu tập” được rất nhiều chữ ký, có người nhớ đến ông như một vị thầy đã dìu dắt mình vào nghiệp thơ văn, có người nhớ Phùng Quán như một nhà báo thâm thúy, lại có người nhớ hình bóng ông như một người ẩn sĩ trên cái “chòi ngắm sóng” bên bờ hồ Tây.

Xúc động nhất vẫn là những mẩu chuyện khi Phùng Quán bị phê phán sau vụ nhân văn - giai phẩm, không nghề nghiệp, không gia cư, không cơm ăn, không cả người lui tới. Chính lúc ấy mới thấy tình người quí giá. Một anh lính giải ngũ tên Văn Xương nào đó đã gặp Phùng Quán trong cơn túng bấn ấy, đã truyền nghề câu cá và rủ ông gia nhập “hội câu cá trộm ở hồ Tây”. Đó là một bước ngoặt trong cơn ngặt nghèo của Phùng Quán.

Những bạn bè kiểu đó, khi Phùng Quán mất mới xuất hiện, họ xem mình như một người bạn tình cờ, trùng phùng giữa cơn nguy biến của cuộc đời Phùng Quán. Rồi thôi, họ chẳng xem đó làm quan trọng. Nhưng chính bàn tay của những người yêu Phùng Quán - những người đã tập hợp bài viết để in quyển sách này - đã lưu ý tới họ, lẩy họ ra trong lẩn khuất của cuộc đời để thấy thêm một mảng đời của Phùng Quán.

Kể từ khi Phùng Quán được phục hồi hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988, có lẽ đây là tin vui hiếm của ông: một tập sách tâm tình của những bạn bè dành riêng cho ông được in trang trọng. Và, trong tập sách còn một phần lớn các trước tác của Phùng Quán. Từ những bài viết theo chất tâm tình về Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang với ngồn ngộn tư liệu, đến những bài thơ bất hủ đồng thời cũng là những bài thơ từng đưa Phùng Quán “lên bờ xuống ruộng” như Lời mẹ dặn, Chống tham ô lãng phí.

Tập sách phát hành nhân lễ giỗ lần thứ 9 nhà thơ Phùng Quán, như một cách bày tỏ tấm lòng của những người đi sau, nhìn về ông và thắp một nén hương lòng, thương và trân trọng một tài năng, một nhân cách cuộc đời.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp