02/04/2016 10:30 GMT+7

Con tàu cũ, nhiệm vụ mới

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM

TT - Ngay thời khắc Trung Quốc nổ súng đánh chiếm đảo chìm Gạc Ma ngày 14-3-1988, hai con tàu 19-5 và 22-12 của Công ty Sông Thu đã được lệnh khẩn cấp ra Trường Sa ngay trong đêm ấy.

Đại tá Phạm Hồng Nam, bí thư đảng ủy Công ty Sông Thu, kể về những ngày cùng đồng đội bảo vệ Trường Sa - Ảnh: Tấn Vũ
Đại tá Phạm Hồng Nam, bí thư đảng ủy Công ty Sông Thu, kể về những ngày cùng đồng đội bảo vệ Trường Sa - Ảnh: Tấn Vũ

Và những người lính trên hai con tàu đó đã kịp bảo vệ đảo chìm Đá Thị trước khi chiến dịch chiếm đóng các đảo ở đây của Trung Quốc có nguy cơ mở rộng... Trước khi tàu hụ còi tại quân cảng Cam Ranh đã có một cuộc chia tay xúc động.

Đối mặt

Câu chuyện biển đảo và con tàu như gắn vào người đàn ông này thành cái nghiệp của đời lính. Giọng nói trầm ấm, đại tá Phạm Hồng Nam, bí thư đảng ủy Tổng công ty Sông Thu, kể chầm chậm cho chúng tôi nghe về những ngày đối mặt với chiến hạm của Trung Quốc ở Trường Sa.

Đầu tháng 3-1988, tình hình ở Trường Sa bắt đầu căng thẳng khi có khá nhiều khu trục hạm của Trung Quốc lảng vảng quanh các đảo chìm, lập tức hai con tàu của Công ty Sông Thu (khi đó còn thuộc xưởng đóng tàu 234) được lệnh điều động vào Vùng 4 hải quân tại Cam Ranh (Khánh Hòa) để tăng cường trong chiến dịch CQ-88.

Tàu 19-5 và tàu 22-12 được đổi tên thành phiên hiệu tàu 16-11-01 và 16-11-03 để làm nhiệm vụ. Ông Nam khi đó là thuyền phó cùng 20 công binh khác xuất phát tại cầu cảng Cam Ranh, thẳng tiến Trường Sa ngay trong đêm 14-3-1988.

Đại tá Nam nhớ lại: “Xuống tàu trong một cảm giác rất hoang mang vì thông tin từ chiến trường báo về cho biết: Trung Quốc đã nổ súng khiến 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh. Đêm đó cầu cảng tối như mực, con tàu rời bến với những lời động viên, an ủi từ chỉ huy và đồng đội mình hiểu rằng ra đi nhưng rất khó có ngày trở về. Chúng tôi không thể nào quên phút giây khi con tàu hụ những hồi còi tha thiết trước khi rời cầu cảng. Khi ấy không ai nói với ai câu gì, nhưng trong tâm ai cũng hiểu phía trước đang chờ đón chúng tôi”.

Hai con tàu cũ kỹ xuất bến nhưng mọi thông tin về chuyến đi đều nằm dạng tuyệt mật. Thiết bị liên lạc trên tàu chỉ duy nhất một cái la bàn và cái máy truyền tin bằng mật mã. “Chúng tôi âm thầm đi hai ngày hai đêm trên biển trong điều kiện sóng lớn. Trong khi đó các chiến thuật chỉ huy ở bờ cứ thay đổi liên tục. Đối đầu hay không? Vào thẳng vùng chiến sự hay không? Có treo cờ chữ thập để làm tín hiệu cứu nạn nhân đạo hay ủi thẳng vào các đảo chìm? Đó là tất cả phương án được lập ra từ trước và chúng tôi phải xử lý tùy từng tình huống xảy ra trên biển” - đại tá Nam kể.

Khi biết con tàu phía trước đã đi chệch hướng, tàu 16-11-01 phát liên lạc qua điện đàm nhưng bên kia không nghe thấy vì máy hỏng. Đại tá Nam kể tiếp: “Chúng tôi buộc phải dùng cả súng đại liên 12,7 li để bắn ra hiệu nhưng tàu đi trước cũng không nghe thấy. Buộc lòng chúng tôi phải dùng lửa đốt lên để báo hiệu. Và khi con tàu trước nhận được tín hiệu thì cả hai đã áp rất sát vùng biển Gạc Ma - nơi cuộc thảm sát của hải quân Trung Quốc vừa xảy ra”.

Thượng tá Nguyễn Trần Mạnh, giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu (thuộc Tổng công ty Sông Thu), khi đó là trung úy, thuyền trưởng tàu 16-11-01, nhớ lại rằng do sai lệch về la bàn nên thay vì đi vào đảo Đá Thị, hai con tàu đã đi thẳng vào vùng chiến sự vừa xảy ra là Gạc Ma.

“Phía Trung Quốc khi đó cứ nghĩ mình ra tiếp ứng hoặc chiến đấu giành lại đảo nên lập tức điều động ngay một chiến hạm mang tên lửa đến đón đầu. Con tàu xám to lừng lững với cái tháp pháo rất cao. Tất cả pháo đều tháo bạt chỉa thẳng về phía con tàu của chúng tôi uy hiếp. Thậm chí lính Trung Quốc còn cởi trần nhảy ra khiêu khích. Tôi yêu cầu anh em phải bình tĩnh, nếu không sẽ rơi vào bẫy khiêu khích của địch” - ông Mạnh kể.

Khi biết mình đi lệch hướng, lập tức hai con tàu bắt đầu chuyển hướng lên phía bắc nơi có đảo Sơn Ca, nhưng Trung Quốc vẫn bám đuổi gần một ngày trời mới dừng lại. Và ngay sau khi nhận dạng được đảo Sơn Ca thì tàu dừng lại để định vị tìm hướng đến đảo chìm Đá Thị. Ông Mạnh cho rằng: “Nếu khi đó mình khiêu chiến hoặc kích động chắc chắn súng sẽ nổ. Nhưng với hỏa lực quá yếu trong tay, chắc chắn cả hai con tàu vận tải chỉ là bia đỡ đạn cho các chiến hạm Trung Quốc khi ấy mà thôi”.

Tàu 19-5 là một trong hai con tàu của Sông Thu đối đầu với tàu Trung Quốc để bảo vệ Trường Sa trong những ngày tháng 3-1988 - Ảnh: tư liệu
Tàu 19-5 là một trong hai con tàu của Sông Thu đối đầu với tàu Trung Quốc để bảo vệ Trường Sa trong những ngày tháng 3-1988 - Ảnh: tư liệu

Nhanh chân lên đảo

Ngay sau khi hai con tàu dừng lại gần đảo Sơn Ca thì xảy ra một sự cố. Do mật khẩu thời bình đã chuyển sang thời chiến, đơn vị đóng quân trên đảo chưa cập nhật mật mã mới (vốn đã thay đổi) nên hàng loạt cuộc điện đàm giữa hai tàu và chỉ huy đảo Sơn Ca đã không thiết lập được.

“Khi tàu chúng tôi tiến vào gần đảo, lập tức một làn mưa đạn từ đảo bắn ra tạo thành một vòng lửa tròn bao vây hai con tàu. Tình hình rất khẩn cấp, khi ấy chúng tôi buộc phải liên lạc với đất liền yêu cầu đất liền nối liên lạc với Sơn Ca ... “Mãi mấy tiếng sau anh em mới lên được đảo. Mọi người ôm nhau mừng, nghẹn ngào không nói lấy được một câu” - ông Mạnh kể lại. Thượng tá Mạnh cho rằng đến tận bây giờ ông vẫn đau đáu chuyện chính mắt mình nhìn thấy thi thể đồng đội trôi bồng bềnh trên mặt nước nhưng không cách nào dừng lại để đưa các anh lên tàu được vì sóng to, gió lớn.

Sau khi chiếm Gạc Ma, âm mưu đổ bộ của Trung Quốc lên các đảo chìm còn lại vẫn chưa dừng lại. Mệnh lệnh lúc đó là bằng mọi cách phải giữ lấy các điểm đảo còn lại, đặc biệt là các đảo chìm, bãi cạn. “Chúng tôi đến đảo Đá Thị và tức tốc đổ xà gồ, trụ, cọc để dựng lên những căn chòi trên đảo. Những căn chòi rộng chừng 30m2 được dựng lên đủ sức chứa cho một tiểu đội trú ngụ. Chúng tôi ở đó tầm ba tháng để giữ đảo. Những ngày đó tàu Trung Quốc không thôi lòng vòng, săm soi hòng tìm cách xâm chiếm. Khi ấy nếu Trung Quốc nổ súng, tàu chúng tôi sẽ sẵn sàng ủi tàu vào đảo, biến tàu thành một pháo đài để chiến đấu” - thượng tá Mạnh nhớ lại.

Sau ba tháng đóng quân tại đảo Đá Thị, khi biển tương đối bình yên, ông Nam, ông Mạnh đều được điều chuyển trở về lại Quân khu 5 rồi làm việc ở Công ty Sông Thu từ ngày đó cho đến nay.

Câu chuyện Trường Sa gần 30 năm trước trong nét mặt những người lính già này như câu chuyện ngày hôm qua. Thượng tá Mạnh kể rằng sau khi về quê ở Ninh Bình, ông mới biết ngày đó mẹ ông và người thân đã cạn nước mắt lo lắng cho ông. “Mẹ tôi bảo ngày nào hàng xóm cũng đến động viên. Chính quyền xã, thôn xuống tận nhà khuyên gia đình nên an tâm để tôi công tác. Ngày đó thông tin không như bây giờ, cho mãi đến khi tôi vác balô về nhà mẹ tôi mới biết tôi còn sống” - ông Mạnh nói.

_________

Kỳ tới: Bài học giá 6 tỉ đồng

Trở về đất liền, những người lính đó lập tức bắt tay trở lại với nghề đóng tàu. Và rồi một bài học cay đắng đã xảy ra. Cả một con tàu lớn với hàng vạn múi hàn vừa hoàn thiện đã không được đối tác chấp nhận, buộc lòng họ phải dỡ bỏ để làm lại từ đầu…

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp