Phóng to |
Từ trái qua: những ca sĩ - đội trưởng trong Hợp ca tranh tài: Ngọc Anh, Mỹ Lệ, Đức Tuấn, Siu Black, Phương Thanh và Khánh Linh trong buổi họp báo ra mắt chương trình vào sáng 22-2 - Ảnh: T.T.D. |
Tuy thế Hợp ca tranh tài là một trong số ít chương trình hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hứng khởi cho người xem, bởi ngoài tính chất đặc trưng của một chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí, Hợp ca tranh tài còn là chương trình truyền hình đầu tiên ở VN mà những người nổi tiếng và các thí sinh tham dự không nhằm giật giải cho bản thân mình mà cho các hoạt động từ thiện, xã hội ngay tại nơi mình được sinh ra.
Hát cùng quê hương
Điểm độc đáo nhất của Hợp ca tranh tài là khai thác sức mạnh tập thể của cả người dự thi lẫn khán giả theo dõi chương trình. Đây là cuộc thi hát giữa bảy dàn hợp ca (từ 16-18 thí sinh) do bảy ca sĩ nổi tiếng: Siu Black (Buôn Ma Thuột), Phương Thanh (Thanh Hóa), Mỹ Lệ (Huế), Phan Đinh Tùng (TP.HCM), Đức Tuấn (Long Xuyên), Ngọc Anh (Quảng Ninh) và Khánh Linh (Hà Nội) tuyển chọn từ chính quê hương của mình, hướng dẫn tập hát, luyện vũ đạo, cùng vào phòng thu và cùng lên sân khấu biểu diễn.
Hằng tuần, bảy dàn hợp ca dưới sự huấn luyện của các ca sĩ sẽ cùng nhau biểu diễn, sau đó sẽ loại lần lượt qua từng tuần để chọn ra một dàn hợp ca xuất sắc nhất. 500 triệu đồng là phần thưởng dành cho đội thắng cuộc. Toàn bộ số tiền này cùng với số tiền từ tin nhắn bình chọn (4.000 đồng/tin) qua các tuần của đội chiến thắng cũng như của các đội khác sẽ được dành cho hoạt động từ thiện mà từng đội chọn.
Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, đạo diễn chương trình, cho biết: “Tôi hứng thú với chương trình này vì tính tập thể của nó. Hầu hết các cuộc thi hát khác ở VN đều tập trung nhiều vào cá nhân, còn nay cả một tập thể cùng nhau tham gia, từ khâu tuyển chọn đến tập hát, luyện vũ đạo, làm việc với các chuyên gia, vào phòng thu và lên sân khấu biểu diễn đều tôn vinh tính tập thể, kỷ luật và sáng tạo”.
Cũng khá bất ngờ khi các ca sĩ thuộc hàng đắt sô kể trên chịu khó dành một khoảng thời gian khá dài (hơn bốn tháng kể từ thời điểm tuyển giọng) và chịu cực với chương trình. Ngoài lý do “màu cờ sắc áo” là những ước nguyện rất riêng. “Tôi tham gia vì muốn khám phá thêm những khả năng khác của mình như: tài chỉ huy, khả năng dàn dựng ca khúc... Bên cạnh đó là mong muốn thắt chặt tình cảm của mình với người hâm mộ ở quê nhà” - ca sĩ Đức Tuấn chia sẻ.
Với Phương Thanh lại là: “Tôi hi vọng sẽ giới thiệu đến người xem cả nước những giọng ca lạ và sốc, theo kiểu tự lập và tự phát nhưng cũng đặc biệt đúng kiểu Thanh Hóa giống tôi”. Trong khi đó, với Ngọc Anh thì: “Quảng Ninh là nơi sinh ra rất nhiều giọng hát hay. Tuy nhiên vì môi trường không thuận lợi nên nhiều tài năng bị thui chột. Tôi nghĩ chương trình là một trong những cách giúp khơi gợi, nuôi lại niềm đam mê ca hát cho những giọng ca đẹp của Quảng Ninh”.
Phiêu lưu cùng “định dạng” mới
Tuy là một sân chơi vừa giúp người tham gia thỏa mãn được đam mê, vừa có ý nghĩa cộng đồng xã hội mạnh mẽ nhưng không vì thế mà Hợp ca tranh tài “né” được những khó khăn. Các “đội trưởng” của Hợp ca tranh tài đều chia sẻ cái khó lớn nhất của mình không phải là tìm cho ra những giọng hát hay mà là những giọng hát có thể hòa hợp, biết tiết chế cá tính của mình trong một dàn hợp ca với đủ giọng nam/nữ, giọng trầm - trung - cao, giọng lĩnh xướng... cùng kỹ năng hát bè, bọc lót cho nhau trong hình thức tốp ca, hợp ca. Bên cạnh đó là những than thở trong việc không thuyết phục được các thí sinh tạm gác việc học việc làm để cùng đồng hành với chương trình suốt ba tháng liền.
Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh có phần khốc liệt mà Hợp ca tranh tài phải đối diện từ các sân chơi ca hát khác. Thí sinh dự thi và cả lượng khán giả xem đài cũng sẽ bị phân cắt ghê gớm khi những sân chơi ca hát không kém phần hấp dẫn và mời gọi khác như: Vietnam’s got talent (với những chú ý đang nghiêng về các tiết mục ca hát), The voice (lần đầu ra mắt tại VN sau hai mùa thi quá thành công ở Mỹ), Vietnam Idol, Sao Mai - Điểm hẹn, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường, Sáng bừng sức sống... đang diễn ra hay rục rịch tuyển sinh. Việc các thí sinh từ bỏ sân chơi này để lao vào sân chơi khác hoặc cùng lúc xuất hiện tại nhiều cuộc chơi là điều không tránh khỏi. Khán giả cũng dễ dàng chuyển kênh và dành sự bình chọn của mình cho sân chơi họ yêu thích hơn.
Vậy nên việc quyết định can thiệp nhẹ nhàng hay thô bạo vào kịch bản, tính thực tế của các sân chơi này nhằm tạo thị phi, “câu rating” (lượng người xem), kéo quảng cáo về cho các sân chơi giải trí với ý nghĩa ban đầu nhiều tích cực này cũng là thách thức với những nhà tổ chức.
Rất nhiều hiểu lầm (với riêng Hợp ca tranh tài thì số tiền làm từ thiện cùng phương thức tổ chức các hoạt động từ thiện sẽ dễ trở thành chủ đề chính trong các tranh cãi) lẫn ảo tưởng cho người chơi lẫn người xem cũng là một vấn đề lớn mà các nhà tổ chức những chương trình dạng này cần phải làm rõ, không chỉ trong khuôn khổ cuộc chơi của riêng mình.
Bắt đầu từ một chương trình của Friday TV ở Thụy Điển, Clash of the Choirs đã nhanh chóng trở thành một chương trình ăn khách tại Mỹ ngay mùa đầu tiên được phát sóng (2007) trên kênh NBC với sự tham gia của các danh ca: Michael Bolton, Nick Lachey, Patti LaBelle... Đến nay Clash of the Choirs đã có 14 phiên bản trên toàn thế giới. VN là điểm đến mới nhất của Clash of the Choirs và đây cũng là phiên bản đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á với tên gọi Hợp ca tranh tài do Đài truyền hình VN và BHD phối hợp tổ chức qua phần dẫn dắt của MC Nguyên Khang. Khán giả sẽ toàn quyền quyết định kết quả của sân chơi này. Sẽ không có thành phần giám khảo nhưng khi đội này thi thì đội trưởng (ca sĩ) của những đội còn lại sẽ ngồi xem và đưa ra những lời nhận xét. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20g thứ sáu hằng tuần, kể từ ngày 24-2 và kéo dài trong 12 tuần. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận