Từ những năm 1980 đến nay, khi những du học sinh Việt Nam đưa món ăn này đến Ba Lan, niềm yêu thích với Saigonka hầu như chưa bao giờ hạ nhiệt. Nhiều người Ba Lan mua Saigonka về nhà ăn và học cách làm món này.
Dạy đầu bếp Ba Lan làm nem rán
Saigonka không chỉ có mặt ở nhà hàng Việt mà cả ở nhà hàng Ba Lan và nhà hàng của các nước châu Á.
Chị Phạm Thanh Nhàn (34 tuổi) và chồng có hai cửa hàng bán đồ ăn nhanh và một nhà hàng phục vụ các món ăn châu Á. Ở cả ba cửa hàng, Saigonka đều là món chủ đạo. Chị kể năm 2016 một giám đốc phụ trách mở nhà hàng mới người Ba Lan mời chị tới hướng dẫn cách làm nem rán cho các cửa tiệm và nhà hàng Ba Lan sắp mở hoặc muốn đưa món này vào thực đơn.
Chị cho biết lớp đông nhất mình từng dạy có trên 20 đầu bếp tham gia. Trung bình một lớp khoảng 10 người, có lớp chỉ 4-5 người theo kiểu nấu ăn gia đình. Cũng có khi chị đến tận bếp của tiệm hoặc nhà hàng để hướng dẫn.
Theo chị Nhàn, phở và nem rán đều là hai món ăn Việt Nam rất phổ biến ở Ba Lan, nhưng ít người hỏi công thức nấu phở. Nhiều người Ba Lan muốn học cách làm nem rán vì trong ẩm thực Ba Lan cũng có một món kiểu "bà con xa" là pierogi - món bánh xếp có nhân rau, thịt, nấm nhưng vỏ làm bằng bột mì.
Khi hướng dẫn làm nem rán cho các đầu bếp, chị Nhàn sẽ hướng dẫn chung một lần và hỗ trợ thêm 1-3 lần trong những tháng tiếp theo cho đến khi họ có thể làm thành thục. Làm nem rán không khó, nguyên liệu tương đối dễ tìm.
Ở Ba Lan, với phần nhân nem rán, các quán có thể dùng bắp cải cứng để giảm giá thành. Ngoài ra, để giới thiệu món ăn này đến nhiều người hơn, chị Nhàn đã nhờ người quay video hướng dẫn làm nem rán bằng tiếng Ba Lan đăng trên Facebook của nhà hàng.
Không ế ngày nào
Anh Nguyễn Quốc Phương (51 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kim Oanh (43 tuổi) có một siêu thị tiện ích bán thực phẩm châu Á ở thủ đô Warsaw. Do tình hình kinh doanh của cửa hàng từ cuối năm ngoái bắt đầu kém đi và tới đầu năm nay xuống dốc nghiêm trọng, vợ chồng anh lo lắng tìm cách tăng thêm thu nhập.
"Suy nghĩ mãi, vợ chồng tôi quyết định làm nem rán. Món này người Việt Nam ai cũng biết làm, còn người Ba Lan hầu như ai cũng thích ăn" - anh Phương chia sẻ.
Anh Phương cho biết trước đây vợ chồng anh vẫn thường làm nem rán bán gây quỹ từ thiện cho trẻ em, một buổi bán được 600 - 700 chiếc là bình thường, cho thấy người Ba Lan rất thích nem rán. "Chúng tôi tính, nếu làm ra ngày đầu mà không bán được mình mang cho người quen. Nhưng chúng tôi đã bán hết, không ế ngày nào", anh Phương vui vẻ kể.
Theo anh Phương, từ ngày bắt đầu bán nem rán, vợ chồng anh đỡ vất vả hơn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Mỗi ngày bán khoảng 100 chiếc nem, đều làm trong ngày, giá 3 zloty (tiền Ba Lan)/chiếc, tương đương 17.000 đồng tiền Việt.
"Lợi nhuận từ cửa hàng nhà tôi mỗi ngày vào khoảng 1.500 - 1.800 zloty (8 - 10 triệu đồng). Riêng lợi nhuận từ nem rán là khoảng 150 - 200 zloty (trên dưới 1 triệu đồng), chiếm 10%. Nhờ nem rán, chúng tôi giải quyết được khó khăn riêng. Chúng tôi cũng rất hạnh phúc khi món ăn Việt được đón nhận nhiệt tình ở Ba Lan".
Vì sao là Saigonka?
"Saigonki" trong tiếng Ba Lan nghĩa là "một chiếc nem", và "Saigonka" là "nhiều chiếc nem". Tuy nhiên, hậu tố "ka" còn để chỉ người phụ nữ, nên Saigonka có nghĩa gốc là người phụ nữ Sài Gòn. Nếu ở Ba Lan mà nghe Saigonka, nhiều khả năng từ này được sử dụng với nghĩa phổ thông những chiếc nem vì nem đã trở thành một món ăn quốc dân nơi đây.
Ông Nguyễn Chí Dũng, cựu du học sinh Ba Lan vào cuối những năm 1970, cho biết khi các du học sinh Việt Nam đến Ba Lan, họ đã giới thiệu ẩm thực Việt đến bạn bè nước sở tại.
Trong các món ăn Việt, nem rán được ưa chuộng nhất. Người Ba Lan thuộc mọi thành phần và lứa tuổi ai cũng thích. Mỗi lần đến ăn với người Việt Nam, họ đều nhớ và nhắc đến nem rán - lúc đó chưa có tên là Saigonki.
Thế rồi trong một lần bàn chuyện đặt tên cho nem rán để dễ hiểu nhau khi nói chuyện với những người bạn, ông Dũng bột phát đề nghị đặt tên món này là Saigonka.
Ông cho biết mình không phải là nhà ngôn ngữ học và cũng chẳng nghĩ gì nhiều lúc ấy. Thấy trên tivi, các nữ sinh Sài Gòn mặc áo dài nhìn thật đẹp và tiếng Saigonka dễ nghe, dễ nhớ nên ông nghĩ đây là một cái tên dễ thương cho món nem rán.
Trong đại hội thành lập Hội Văn hóa xã hội người Việt Nam ở Ba Lan trong những năm 1980, ông đề nghị ghi tên Saigonka trong thực đơn. Đó là lần đầu tiên món nem rán với tên gọi Saigonka được biết đến.
Ông Dũng nhớ lại, nhà hàng Việt Nam đầu tiên ở Ba Lan (tên Bông Sen) đã đặt tên món nem rán là "spring rolls" giống như tên đa số các nước trên thế giới gọi món nem rán, nhưng một thời gian ngắn sau, họ đổi lại thành Saigonka.
Sau đó, không ai nhớ là khi nào, Saigonka được đưa vào từ điển ở Ba Lan và đến nay nó đã đi vào đời sống và trở thành từ vựng hằng ngày của người dân. Dù không được gọi là nem rán hay "spring rolls" nhưng chữ Saigonka đều được mọi người ở Ba Lan hiểu là món nem rán của Việt Nam.
Thế là Saigonka trở thành danh từ mới đi vào đời sống ở Ba Lan. Người Ba Lan quen gọi thế, bây giờ ai muốn sửa thành một cái tên khác gần như bất khả thi. Thôi thì tên gọi thế nào, nem rán đúng là đã tạo ra một cơn sốt nhẹ ở Ba Lan.
Món ăn yêu thích của mọi lứa tuổi
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, chủ một nhà hàng Việt tại Ba Lan, hầu hết quán ăn của người Việt ở Ba Lan đều có món Saigonka trong thực đơn.
Đó là chưa kể Saigonka còn được bán ở các nhà hàng châu Á, nhà hàng Ba Lan hoặc siêu thị. Ngoài nhân thịt, các quán còn làm thêm nhân chay, gà, vịt, hải sản… để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Ông Dũng cho biết tiệm ăn nào cũng có vài chục món, riêng Saigonka ông thấy từ trẻ già, nam nữ ai cũng thích ăn. Tại nhà hàng của ông, ai vào mà còn phân vân chưa biết ăn gì thì họ luôn gọi Saigonka. Món nem này thường mang lại khoảng 10 - 15% doanh thu cho nhà hàng của ông.
Với Saigonka, nhận xét của người Ba Lan gói gọn trong hai chữ "ngon tuyệt". Món này được khen là dễ ăn, cân bằng và tốt cho sức khỏe vì có thịt, nấm, miến và nhiều loại rau như bắp cải, su hào, cà rốt, hành tây bên trong.
Dùng bắp cải hoặc su hào làm nhân
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết ở Ba Lan, các quán người Việt dùng bắp cải trong nhân nem rán. Bắp cải rẻ nên bán nem theo giá chung sẽ lời nhiều hơn, nhưng nhà chị vẫn chọn dùng su hào dù đắt hơn.
Chị Oanh cũng dùng nhiều thịt hơn vì muốn nem ngon chất lượng, nhưng không làm loại nem rán có tôm vì muốn giữ mức giá bán phù hợp với số đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận