16/11/2015 12:21 GMT+7

Hai Bộ đưa hai con số chênh nhau 3.000 ha

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn  báo cáo số liệu trồng rừng thay thế cho diện tích rừng bị phá làm thủy điện là 21.000 ha, trong khi đó Bộ Công Thương lại đưa ra con số là 18.000 ha.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát 

Tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 16-11, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt câu hỏi cho cả hai bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp phát triển nông thôn về việc có hay không một số doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm thủy điện? Tiến độ trồng bù diện tích rừng thay thế cho rừng bị phá làm thủy điện đang được tiến hành ra sao? Kế hoạch 2015 có đạt được theo đúng tiến độ?

Và vì sao số liệu trồng rừng thay thế cho diện tích rừng bị phá làm thủy điện giữa hai bộ này lại chênh nhau đến 3.000 ha (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo 21.000 ha, Bộ Công Thương báo cáo 18.000 ha)?

Chênh 3.000 ha nhưng không có tiêu cực gì

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Đúng là có việc một số doanh nghiệp làm thủy điện nhưng chưa trồng rừng thay thế. Họ báo cáo vì trước đây khi xét duyệt dự án không nhắc nên bây giờ không có tiền để làm. Và đúng là có thực tế như vậy, duyệt dự án thủy điện trước rồi khi Quốc hội nhắc nhở mới rà lại trồng rừng thay thế.

Đúng là có sự vênh nhau trong việc xét duyệt dự án thủy điện và trồng rừng thay thế. Tôi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng luật. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Bộ Công thương là doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị rút. Hai năm nay Quốc hội quan tâm, Chính phủ chỉ đạo thì đã chuyển biến rất nhiều, bây giờ tất cả đã vào guồng và sẽ thực hiện nghiêm túc hơn”.

“Về độ vênh rừng thay thế tôi nghĩ do thời điểm, còn chúng tôi đã gửi đến Quốc hội danh sách từng tỉnh một chứ không có vấn đề gì ở đây cả” - ông Cao Đức Phát nói.

Về phần mình, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết khả năng việc trồng rừng thay thế khi làm thủy điện của năm 2015 sẽ hoàn thành. Cụ thể về biện pháp thực hiện, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Chúng tôi có ba phương án. Thứ nhất, với những dự án thủy điện đã phê duyệt, chúng tôi đôn đốc tiến độ trồng bù rừng, nếu không hoàn thành thì chế tài.

Với các dự án đang có phương án trồng bù, trong khi chờ đợi sẽ tạm thời cấp giấy hoạt động điện lực 1 năm. Với các dự án đang phê duyệt nhưng không thực hiện thì tạm ngưng giấy phép hoạt động điện lực.

Câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở về chênh lệch số diện tích rừng phải trồng bù do làm thủy điện, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Có thể do thống kê hai ngành khác nhau, thực tế một số công trình kết hợp thủy lợi thủy điện nhưng thủy lợi là chính. Cho nên khi tính thì tính như thủy lợi hoặc không tính như thực tế, tôi xin rút kinh nghiệm. Chứ còn ở đây cũng không có ý gì”.

40 chưa phải là đa số (?)

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Cao Đức Phát khi bộ trưởng ký ban hành thông tư 21 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật bị nhiều doanh nghiệp sản xuất phản đối vì hạn chế số nhãn hiệu thuốc, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Ông Tuyết đưa ra bản kiến nghị có con dấu chữ ký của 40 doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phản đối thông tư này và đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát cho ý kiến.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: “Trước khi thông tư này ban hành thì cả nước có 4.100 tên thuốc bảo vệ thực vật với 1.700 hoạt chất, tôi thấy số lượng nhiều quá. Bà con nông dân, cán bộ quản lý cũng gặp khó khăn khi chọn lựa.

Thực ra có nhiều loại thuốc tên khác nhau nhưng hàm lượng chênh nhau một chút thôi, tên thì toàn tiếng nước ngoài, ngay cả cán bộ chuyên ngành cũng khó nhớ. Để chấn chỉnh, chúng tôi siết lại, trong đó có quy định việc đăng ký tên thuốc. Mỗi một tổ chức cá nhân chỉ đăng ký 1 tên thuốc cho một loại hoạt chất.

Như thế cũng đã là nhiều rồi, nhưng thoải mái quá thì cũng rối loạn. Cũng có tình trạng, các doanh nghiệp thay đổi chút hoạt chất thì thay đổi tên, thuốc xuống cấp cũng đổi tên.

Tất nhiên khi ban hành theo đúng quy định thì chúng tôi lấy ý kiến, tôi cũng nhận được ý kiến như đại biểu đã nêu. Nhưng 40 chưa phải là đa số. Tôi sẽ tiếp tục lắng nghe. Tinh thần của chúng tôi xin phép Quốc hội được siết chặt quản lý, nếu không thì sẽ có nông sản dư lượng thuốc thực vật cao.

Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Văn Tuyết chưa đồng tình câu trả lời này, ông hỏi lại bộ trưởng Cao Đức Phát: “Thưa bộ trưởng, 40 doanh nghiệp chưa phải là nhiều thì bao nhiêu là nhiều?”.

Tuy nhiên trong phần trả lời sau đó, bộ trưởng Cao Đức Phát chưa giải thích về chuyện này. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ khẳng định: “Đúng là chúng tôi làm chuyên môn hiểu rõ mỗi cây trồng sâu bệnh thuốc khác nhau, chính vì thế phải siết lại để nông dân có thuốc tốt và hiệu quả, thả ra quá rộng thì không giúp ích nhiều. Mỗi doanh nghiệp có một tên thuốc theo một hoạt chất, mà có tới 1,700 hoạt chất, vậy là rất nhiều. Chúng tôi rất nghiêm túc thực hiện theo luật pháp”.

Chiều nay, lúc 14g Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận và chất vấn.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp