29/08/2018 14:12 GMT+7

Con sẽ cùng bố trả nợ

HÀ THANH - LAN HƯƠNG - NGỌC HIỂN
HÀ THANH - LAN HƯƠNG - NGỌC HIỂN

TTO - Định là chị cả. Mẹ mất, Định vừa làm chị, vừa làm mẹ chăm sóc, dạy dỗ 3 em nhỏ. Cầm giấy báo đậu đại học, cô gái tròn 18 tuổi ngân ngấn lệ vừa lau di ảnh vừa thưa chuyện với mẹ: “Con sẽ học đại học, ra trường kiếm việc làm để cùng bố trả nợ”.

Con sẽ cùng bố trả nợ - Ảnh 1.

Trước ngày lên đường, Định tranh thủ đan nắp ấm và dặn dò hai em nhỏ phải ngoan ngoãn, nghe lời bố - Ảnh: HÀ THANH

Ngôi nhà ba gian của tân sinh viên Tống Thị Định (18 tuổi) ở đội 7, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trống huơ trống hoác, hai gian kê hai chiếc giường nhỏ cho bố con trú mưa nắng, còn gian giữa đặt bàn thờ: ông, bà và mẹ Định. 

Cô bé với dáng vóc gầy gò nhìn lên mái nhà còn thủng lỗ chỗ rơm rớm nói: "Ngôi nhà này mấy chú cùng làm phụ vữa giúp bố dựng lên, mẹ mất mà chưa được ở nhà mới".

Đứa trẻ học làm mẹ

Năm 2016, mẹ Định qua đời vì ung thư gan sau một năm chạy chữa. Ông Tống Quang Hợi (bố của Định) một mình gà trống nuôi bốn đứa con nhỏ dại. 

Suốt ba năm qua, ngôi nhà nhỏ thiếu vắng tình mẹ, thiếu bàn tay chăm sóc của người vợ tảo tần. Những ngày đầu, hễ đêm về là mấy đứa nhỏ khóc đòi mẹ, nước mắt ông Hợi cứ chảy ra vì nhớ vợ, thương con.

Ngày đó đang học lớp 10, mẹ mất là cú sốc lớn đầu đời của Định. "Vừa thay mẹ chăm sóc các em, tưởng chừng như tôi không thể nào cáng đáng hết mọi việc. Tôi động viên bản thân "cố gắng lên một chút nữa thôi" và vượt khó khăn đến ngày hôm nay" - cô gái nhỏ trải lòng.

Đôi vai Định gầy gò nhưng ánh mắt rắn rỏi, giọng nói nom chững chạc hơn so với tuổi. Nhưng có mạnh mẽ đến đâu thì hễ nghĩ đến mẹ là Định lại ngước mặt lên như muốn ngăn dòng nước mắt chực trào. 

"Ngày còn mẹ thì mẹ lo cho từ nấu ăn, giặt giũ hay dặn dò con cái phải học thế này, phải sống ra sao. Giờ mẹ mất, tôi thay mẹ dặn dò các em". 

Định nhẩm tính, hiện số nợ trong nhà đã lên đến hơn 100 triệu đồng, là số tiền gia đình chạy vạy anh em, hàng xóm để chữa bệnh cho mẹ.

Định nhớ ngày mẹ còn nằm viện, bố lầm lũi sáng vào viện chăm mẹ, đêm về là hai bố con chạy chiếc xe máy cà tàng từ nhà này đến nhà khác hỏi vay tiền. Nay chỉ cần nghe tiếng xe máy vọng vô từ cổng là Định sợ người ta đến hỏi số nợ, hai bố con phải khất lần khất lữa.

Bố con cùng gồng gánh

Phụ bố, tranh thủ thời gian rảnh, bốn chị em Định nhận việc đan nắp ấm, mỗi chiếc lãi được 4.000 đồng, mỗi ngày đan được 4-5 chiếc. Đứa nào đứa nấy đan nhanh thoăn thoắt, bé Kim Anh nay lên lớp 2 cũng giỏi không kém các chị. 

Số tiền kiếm được Định chia ra tháng này mua dép cho tụi nhỏ, tháng sau mua thêm chai nước mắm, gói mì chính cho cả nhà...

Khó khăn thiếu thốn đủ bề, làm quần quật từ sáng đến tối nhưng suốt 3 năm liền Định đều là học sinh giỏi và niềm vui vỡ òa trong ngày cô gái nhỏ nhận giấy báo đậu đại học ngành ngôn ngữ Trung Quốc, Viện ĐH Mở Hà Nội. 

Nhìn ánh mắt bố, cô biết bố vừa mừng lại vừa lo. Vui vì con gái học hành giỏi giang, nhưng phía trước là chặng đường dài 4 năm học của cô con gái. 

Nợ đầm nợ đìa, khó khăn trước mắt là khoản tiền học phí, nhưng Định nói: "Nếu bây giờ tôi bỏ học đi kiếm tiền thì số tiền kiếm được chỉ có giới hạn thôi, tôi không thể là gương tốt cho các em phấn đấu". 

Rồi cô gái như nằn nì bố: "Ra trường có việc con sẽ đi cùng bố, trả nợ giúp bố", Định quả quyết.

Tôi bảo bố con mình cố gắng, lo được đến đâu hay đến đó. Chỉ có con đường học mới giúp được cuộc đời con xán lạn hơn về sau.

Ông TỐNG QUANG HỢI

Trước ngày lên đường đi học, mấy chị em vẫn chăm chỉ ngồi đan nắp ấm. Kim Anh hỏi chị: "Bao giờ chị Định lên đại học?". 

ịnh buộc lại tóc cho em gái út thủ thỉ: "Cuối tháng chị Định đi rồi. Chị đi học, các em ở nhà phải tự bảo ban nhau để bố bớt mệt nhé". Cô bé út hứa ở nhà sẽ ngoan ngoãn cùng chị Trang, chị Trúc học bài, ăn cơm xong sẽ dọn bát thay cho các chị. 

Định cũng tranh thủ sắp xếp góc bàn học và ôn lại bài vở. Nơi đó có dán tấm hình của mẹ và những mảnh giấy nhỏ: "Cố lên"/ "Đã mất công nghĩ rồi, tại sao không nghĩ lớn hơn?"/ "Không được gục ngã!".

Thêm 270 suất học bổng cho tân sinh viên

Tối 30-8, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Ninh Bình sẽ diễn ra lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên vượt khó, học giỏi của các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng 29 tỉnh, thành đoàn phía Bắc và Bắc Trung Bộ tổ chức, truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Ninh Bình từ 20h15.

Mỗi sinh viên khó khăn sẽ nhận được một suất học bổng trị giá 10 triệu đồng kèm quà tặng từ ban tổ chức, riêng các sinh viên đặc biệt khó khăn sẽ nhận được các suất học bổng đặc biệt, trị giá 15 triệu đồng kèm quà tặng.

Tổng số học bổng cho tân sinh viên khó khăn trong đợt này là 270 suất. Kinh phí trao học bổng do giải golf gây quỹ "Tiếp sức đến trường" (Công ty CP Phân bón Bình Điền, VTV9 - Đài truyền hình Việt Nam, báo Tuổi Trẻ và Công ty CP Đầu tư và kinh doanh golf Long Thành tổ chức) tài trợ.

Năm nay, chương trình "Tiếp sức đến trường" (thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ) dự kiến trao hơn 1.000 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 15,5 tỉ đồng.

Tiếp sức đến trường: Đi qua biến cố cuộc đời

TTO - Không còn oán trách số phận, những bác sĩ tắc trách đã khiến cô mất đi chân phải, giờ đây cô đã bước qua một cột mốc khác của cuộc đời - trở thành tân sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM.

HÀ THANH - LAN HƯƠNG - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp