28/04/2016 09:08 GMT+7

Con ơi đừng quên, giọt nước mắt của mẹ

KU SU JEONG
KU SU JEONG

TTO - “Vì lời xin lỗi cho Việt Nam” cũng như lên tiếng đòi công bằng cho nạn nhân chiến tranh Việt Nam, một sự kiện do chính người Hàn Quốc tổ chức đã diễn ra xúc động vào chiều 27-4.

Một cảnh trong trình diễn dâng hoa “Lời ru cho em bé vô danh” trước hai bức tượng để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh  - Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt
Một cảnh trong trình diễn dâng hoa “Lời ru cho em bé vô danh” trước hai bức tượng để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh - Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt

Tuy Chính phủ Việt Nam không gây áp lực nhưng các tổ chức dân sự Hàn Quốc trực tiếp ra mặt và tổ chức những hoạt động hối lỗi về tội ác chiến tranh trong quá khứ đã khiến tôi rất ngạc nhiên

Phóng viên Nhật Bản YOSHIKATA VEKI

 

Đó là buổi họp báo do Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ hòa bình Hàn - Việt (gọi tắt là Quỹ hòa bình Hàn - Việt) tổ chức nhân dịp kỷ niệm 41 năm Việt Nam kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước tại địa điểm trước tượng Thiếu nữ hòa bình ở hội quán Francisco (Jeong-dong, Seoul, Hàn Quốc), với mong muốn hòa bình cho Việt Nam và Hàn Quốc, cùng với lời hứa thành lập nền hòa bình mới trong tương lai 50 năm tới của Quỹ hòa bình Hàn - Việt.

Hình ảnh tượng Thiếu nữ hòa bình và tượng Pieta Việt Nam đứng cạnh nhau khiến người tham dự liên tưởng tới một tương lai hòa bình toàn châu Á vượt qua những nỗi đau quá khứ, vượt qua cả biên giới quốc gia.

Đại biểu cộng đồng người Việt và đại biểu du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới tượng đồng Pieta - một biểu tượng hi vọng hòa bình chiến thắng nỗi đau quá khứ (xem bài Tượng Pieta - một lời xin lỗi Việt Nam của người Hàn).

Tại họp báo, một phần vô cùng ý nghĩa của chương trình là khi đạo diễn Lee Kil Bora và du học sinh Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuyền - những người sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc - đọc lá thư với chung nguyện vọng nhìn rõ quá khứ để cùng xây dựng mối quan hệ hòa bình thật sự giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tiếng nói của những người trẻ như thế đã được cất lên đầy trách nhiệm trước lịch sử.

Cụ bà Lee Yong Su, nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản(ủy viên của Quỹ) đang dâng một bông hoa cho Tượng Pieta Việt Nam  - Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt
Cụ bà Lee Yong Su - nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản (ủy viên của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt) đang dâng hoa cho Tượng Pieta Việt Nam - Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt

Đặc biệt, lời phát biểu của cụ bà Lee Yong Soo, nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản đồng thời cũng là ủy viên Quỹ hòa bình Hàn - Việt, khiến toàn thể hội trường vô cùng cảm động. Cụ nói:

“Bản thân là nạn nhân của chiến tranh, hơn ai hết tôi thấu hiểu nỗi đau khổ tột cùng đó. Tiếc là tôi biết tới sự thật này quá muộn, vì vậy tôi nghĩ rằng lời xin lỗi chân thành tới Việt Nam không thể muộn hơn chút nào nữa.

Tôi cũng mong rằng chính phủ và xã hội Hàn Quốc lẫn Việt Nam nếu có thể lắng nghe tiếng nói của những nạn nhân như chúng tôi thì tốt biết bao”.

Park Jeong Hwan (17 tuổi), học sinh trung học tới tham dự buổi họp báo, đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi trả lời phỏng vấn:

“Vì sách giáo khoa lịch sử Hàn Quốc không hề ghi chép về sự thật lịch sử chiến tranh Việt Nam, chỉ nhấn mạnh tới sự phát triển kinh tế Hàn Quốc nên tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết về những vụ thảm sát tàn khốc này.

Đặc biệt khi chúng ta vô cùng nổi giận trước vấn đề nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản mà lại không hề biết chút nào về quá khứ đi gây hại của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam thì thật sự là không công bằng.

Tôi mong rằng sau này sách giáo khoa lịch sử sẽ ghi chép đầy đủ hơn sự thật quá khứ để các thế hệ sau thấu hiểu sự thật và có thái độ đúng đắn. Phải giải quyết được những mâu thuẫn quá khứ thì chúng ta mới có thể thiết lập nền hòa bình thật sự”.

Kết thúc chương trình là màn biểu diễn của những người mẹ ôm ấp con của mình trong tay với sợi vải trắng được thả dần ra tượng trưng cho sự tưởng nhớ tới những linh hồn bé bỏng và tiến dần tới bức tượng Pieta như tìm tới lời an ủi.

Từng người sau đó tiến lên khán đài dâng hoa tới bức tượng Pieta Việt Nam, gửi lời xin lỗi tới những linh hồn nhỏ đã mất vì sự tàn ác của chiến tranh.

Chương trình kéo dài chưa đầy hai giờ nhưng tràn đầy cảm xúc. Mọi người ra về trong vang vọng lời ca bài hát Lời ru cuối cùng của nhạc sĩ Hong Soon Gwan mà toàn hội trường đã cùng hợp xướng:

“Đừng có quên. Đừng có quên
Con ơi, con ơi
Ầu ơ ầu ơ ầu ơ ~
Con ơi, đừng có quên, giọt nước mắt của mẹ
Con ơi, đừng có quên, nỗi buồn của cha
Con ơi, đừng có quên, hòa bình của chúng ta
Con ơi, đừng có quên, hòa bình của chúng ta...”.

Chủ tịch Quỹ hòa bình Hàn - Việt Roh Hwa Wook phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt
Chủ tịch Quỹ hòa bình Hàn - Việt Roh Hwa Wook phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt

 

Tác động lớn

Buổi họp báo nhận được sự quan tâm từ nhiều tờ nhật báo lớn đại diện của Hàn Quốc như Hankyeore, Kyeonghyang, Dong-A, Hãng thông tấn Yonhap, YTN, Ohmynews cùng hàng chục phóng viên đến từ các tờ báo vừa và nhỏ khác.

Chương trình được bắt đầu với sự xuất hiện của họa sĩ và giáo sư Trường đại học Sang-myung Ko Gyoung Il với vai trò là người dẫn chương trình. Sau đó, Chủ tịch Quỹ hòa bình Hàn - Việt Roh Hwa Wook đã đọc bài phát biểu tại buổi họp báo.

Tiếp theo đó, tiến sĩ sử học Ku Su Jeong đọc bản tuyên bố yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc có thái độ, có trách nhiệm đối với việc giải quyết vấn đề liên quan tới chiến tranh Việt Nam.

Tham dự buổi họp báo, phóng viên Nhật Bản Yoshikata Veki (43 tuổi) nói rằng những động thái như thế này của Hàn Quốc cũng gây tác động lớn đến nhiều người Nhật Bản vẫn còn đang quay lưng với tội ác chiến tranh trong quá khứ.

>>

KU SU JEONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp