18/11/2014 09:24 GMT+7

​“Con nuôi” của các chú biên phòng

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Trong đội hình tập thể dục lúc 5g30 của đồn biên phòng Thu Lũm (xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) có hai em nhỏ đứng lọt thỏm phía trước.

Thầy giáo “quân hàm xanh” trung úy Nguyễn Văn Chương và hai học sinh Lò Xé Giá và Mạ Mò Hà trong một tối học tập - Ảnh: Vũ Toàn

Hỏi chuyện mới biết đây là “hai chú bộ đội con” của đồn biên phòng.

Hình ảnh “hai chú bộ đội con” này mở đầu câu chuyện cảm động về tình quân dân dọc nẻo rừng biên giới.

“Nuôi con”

Thiếu tá Đào Xuân Dũng - phó đồn trưởng đồn biên phòng Thu Lũm - cho hay “hai chú bộ đội con” là Mạ Mò Hà (15 tuổi) đang học lớp 9, Lò Xé Giá (11 tuổi) lớp 6.

Cả hai đều là người Hà Nhì, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vẫn vượt 11km đến trường nên đồn biên phòng “tuyển” về nuôi.

Tiêu chí nhận nuôi là học sinh lên lớp 6. Học hết chương trình THCS, đồn biên phòng chuyển lên trường THPT vì trường có chế độ học bán trú cho học sinh các dân tộc thiểu số.

Hà mồ côi cha mẹ, ở với chị gái. Ngày chị gái đi lấy chồng, Hà một mình bữa đói bữa no. Còn Giá là con phó bản Coòng Khà nhưng cũng thuộc diện nghèo khó.

Trước đó, năm 2009 đồn biên phòng Thu Lũm đã nhận nuôi Sừng Sú Sá. Khi học hết chương trình THCS, Sá được đồn biên phòng chuyển giao trường THPT, nay Sá đang học lớp 12. Sá chuyển đi, đồn biên phòng nhận Giá về cùng ở với Hà để đồn luôn đảm bảo có “hai con nuôi”.

Căn phòng quân y của trung úy Nguyễn Văn Chương ngăn làm đôi, một nửa để bàn học và đặt hai chiếc giường của hai “con nuôi”. Trên hai chiếc giường này chăn màn cũng được Hà và Giá xếp gọn ghẽ, vuông thành sắc cạnh theo nội vụ của các chú biên phòng.

Chiều đến, Hà và Giá cùng các chú biên phòng đi tăng gia sản xuất. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Hà và Giá vun luống rau cải, nhổ cỏ, tưới rau.

Trong vườn rau cải đang lên xanh, trung úy Chương nói: “Hai chú bộ đội con này không rèn luyện theo chế độ quân nhân nhưng mọi sinh hoạt bình thường thì tham gia đều đặn. 5g30 nghe kẻng báo thức là dậy tập thể dục, chiều cùng bộ đội tăng gia sản xuất, tối học bài. Cứ thế các em quen dần nếp sống, sinh hoạt của bộ đội. Buổi tối, khi các em ngồi vào bàn học là tôi kiểm tra bài vở. Các em hỏi gì thì tôi hướng dẫn, kèm cặp để đảm bảo kiến thức vững vàng cho các em đến trường”.

“Nâng bước chân em đến trường”

Việc nuôi học sinh ở đồn biên phòng Thu Lũm xuất phát từ ý tưởng của thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc -nguyên đồn trưởng đồn biên phòng Thu Lũm.

Năm 2009, thượng tá Ngọc đi công tác xuống bản gặp gia đình của học sinh Sừng Sú Sá và Mạ Mò Hà quá éo le nên bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường rồi xin phép Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Lai Châu đưa hai em về nuôi.

Năm 2012, thượng tá Ngọc chuyển làm đồn trưởng đồn biên phòng Ka Lăng lại gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nên bàn với đơn vị nhận nuôi hai em Vàng Lý Si và Vàng Lì Sẻ.

Tại đồn biên phòng Hua Bum (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn), đại tá Phan Hồng Minh - phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Lai Châu - cho biết: “Đồn Hua Bum cũng vừa nhận nuôi hai học sinh người Mảng là Chìn A Tròn và Lò A Thanh.

Đây là sự lan tỏa phong trào “Nâng bước chân em đến trường” do Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phát động.

Phong trào này bắt nguồn từ chương trình “Hũ gạo tình thương” của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng khởi động năm 2009 để giúp đỡ con em các dân tộc đặc biệt khó khăn, trong đó chủ yếu là tộc người La Hủ, Hà Nhì, Mảng được đến trường”.

Hiện nay 13 đồn biên phòng kể từ đồn Thu Lũm xa nhất đến 12 đồn dọc biên giới của Lai Châu đã nhận nuôi và hỗ trợ 29 học sinh từ lớp 6.

“Việc các đồn biên phòng nuôi dưỡng học sinh nghèo hiếu học còn là sự gắn kết keo sơn tình nghĩa quân và dân dọc tuyến biên giới Việt-Trung này” - đại tá Minh nói.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp