TP.HCM nhiều lần đề xuất được thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Ảnh minh họa. |
Tại dự thảo mới nhất, có hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Phương án một: tất cả đơn vị hành chính (ở cấp tỉnh, huyện, xã) đều có chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND).
Phương án hai: các đơn vị hành chính khác đều tổ chức HĐND và UBND, riêng ở phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức UBND (chủ tịch UBND phường sẽ do chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm hoặc do cử tri bầu trực tiếp).
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sau hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 16-4, đang có ba loại ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
“Đa số tán thành phương án 1, một số tán thành phương án 2, một số đề nghị cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn theo tinh thần mở của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương (ví dụ chính quyền ở đô thị là hai cấp, ở nông thôn là ba cấp, ở hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là một cấp). Đó là những ý kiến rất phong phú, chúng tôi đã ghi nhận để báo cáo với Trung ương, Quốc hội” - ông Lưu nói.
Dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương khi trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu (tháng 11-2014) đã tạo ra hai luồng ý kiến rất khác nhau về các mô hình.
Trước đó, từ tháng 11-2008, Quốc hội đã ban hành nghị quyết “về việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường”, thực hiện trong phạm vi 10 tỉnh, thành với 67 huyện, 32 quận và 483 phường.
Tháng 3-2014, sau khi nghe Ban cán sự Đảng Chính phủ báo cáo kết quả tổng kết thực hiện thí điểm, Bộ Chính trị đã ra thông báo và yêu trình xin ý kiến Ban Chấp hành trung ương ba phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (ngoài hai phương án nêu trên, có thêm phương án đơn vị hành chính cấp quận, phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND).
Cũng liên quan đến vấn đề này, tại hai khóa Quốc hội gần đây, đoàn TP.HCM nhiều lần đề xuất được thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận