Phóng to |
Sữa ký không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở chợ Bà Chiểu, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Một ngày gặp lại mẹ con người bạn cùng quê, vốn là công nhân da giày, và giờ đây đang ôm con đi bán vé số, chúng tôi ngạc nhiên không tin vào mắt mình khi bé N., con trai chị, đã chuyển từ suy dinh dưỡng trước đây sang thừa cân (và có lẽ đã ở mức béo phì). Khi hỏi “bí kíp” nuôi con, chị hào hứng cho biết từ dạo bé uống một loại sữa ký mà bạn mách bảo thì tăng cân vùn vụt.
Biết tôi cũng đang nuôi con nhỏ, chị khuyên nên dùng sữa ký vừa tốt vừa rẻ. Tốt thì chị chỉ cậu con trai béo phì làm bằng chứng, còn rẻ thì chị nói: “Mỗi tháng chỉ tốn tối đa 300.000 đồng thôi”. Trong khi đó con tôi ngoài sáu tháng tuổi, mỗi tháng “ngốn” mất của ba mẹ đến 3 triệu đồng tiền sữa. Quả là quá rẻ!
“Mê hồn trận” sữa ký không nhãn mác
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp (giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM): Không nên dùng sữa không có xuất xứ Không nên dùng sữa trôi nổi trên thị trường, không có xuất xứ hàng hóa, không đạt các tiêu chí quy định về an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng. Mỗi đối tượng sử dụng khác nhau sẽ có những yêu cầu về dinh dưỡng và tiêu chí dinh dưỡng khác nhau. Vậy nên khi dùng những thực phẩm để điều trị về dinh dưỡng thì cần đến các bác sĩ dinh dưỡng. Và dù được tư vấn về dinh dưỡng thì người sử dụng thực phẩm vẫn phải luôn nhớ đọc hướng dẫn sử dụng của sản phẩm, phải tìm đến những nhà sản xuất có uy tín. |
Theo lời mách bảo của chị cũng như nhiều bà mẹ nghèo khác, chúng tôi tìm đến nhiều địa chỉ bán “sữa ngon, giá rẻ”. Và càng thâm nhập thị trường sữa ký này tại TP.HCM, chúng tôi như lạc vào “mê hồn trận”.
Điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến là chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), nơi sữa ký “tăng chiều cao”, “thông minh”... được bày bán công khai. Tại đây hàng loạt quầy hàng bày bán các loại sữa ký được đóng gói đơn giản trong túi nilông, không hề có nhãn mác của nhà sản xuất, đơn vị cung cấp mà chỉ được người bán ghi chú bằng bút lông như: sữa tăng chiều cao, sữa tăng cân, sữa canxi, sữa béo... Chúng tôi nhẩm đếm tại chợ này phải có trên 30 sạp hàng bày bán các loại sữa ký không nhãn mác như trên với giá... không biết đâu mà lần. Sữa tăng cân, tăng chiều cao tại sạp Thanh Nga có giá 220.000 đồng/kg nhưng tại sạp chị Gái - anh Tâm lại có giá chỉ 80.000 đồng/kg. Ở quầy hàng khác giá sữa tăng cân, tăng chiều cao được chào mời chỉ 125.000 đồng/kg và khách hàng thỏa thuận mức 100.000 đồng/kg thì được gật đầu liền. Do chỉ được đóng gói bằng cọng thun và được ghi ngoài bằng bút lông nên người mua cũng không biết hạn sử dụng, không rõ hàng ở đâu. Thế nên xuất xứ, nguồn gốc các loại sữa này đều tùy thuộc người bán nói sao biết vậy. Như ban đầu chủ sạp Thanh Nga khẳng định số sữa ký (tăng cân, tăng chiều cao...) là “hàng của Bộ Y tế, được Viện Pasteur công nhận”, sau một lúc lại nói rằng “một lô hàng 18kg có chữ USA ở ngoài, hàng của Mỹ.” Còn tại sạp Hồng Ân, loại sữa ký này khi được giới thiệu là hàng của Pháp, lúc lại nói hàng của New Zealand. Tại một sạp khác lại cho hay mấy loại sữa ký đang bày bán được lấy từ gói 25kg, cũng hàng của New Zealand. Thế nhưng tất cả các sạp này đều không chịu đưa ra bao bì gốc của sản phẩm mà chỉ trưng được các hộp nhựa (và trên hộp nhựa cũng ghi chú các loại sữa bằng bút lông) đựng các loại sữa bột chưa chia thành ký.
Lần theo nhiều chỉ dẫn, địa điểm thứ hai mà chúng tôi ghé là chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM). Không “vô tư” bày bán công khai các loại sữa bột đóng gói theo ký như chợ Bà Chiểu, một số tiểu thương ở đây chỉ bán hàng khi có người hỏi. Thông thường tại chợ này khách hàng muốn mua thì phải mua sỉ (hàng trăm ký) hoặc mua cả bao (18-25 kg/bao). “Chúng tôi chỉ bán sỉ cho người lấy hàng về bán hoặc bán lẻ thì cũng bán theo từng bao”, bà Vân, một chủ cửa hàng chuyên bán các loại sữa bột tại chợ này, cho hay. Tương tự bà Hiền, nhân viên một cửa hàng chuyên bán phẩm màu và các loại hương liệu, cũng cho biết ở đây chỉ bán sỉ, mỗi bao giá 1,5 triệu đồng/20kg, đảm bảo hàng ngon nhưng không có hàng tại chỗ. Nếu người mua đồng ý giá cả thì đến xem hàng rồi trả tiền.
Địa chỉ thứ ba chúng tôi tìm đến là chợ Bình Tây (Q.5, TP.HCM). Tại đây các loại sữa ký cũng không được bày bán công khai như ở chợ Bà Chiểu, nhưng chịu khó hỏi cũng dễ dàng tìm thấy người bán. Giá ở đây rẻ hơn nhiều so với chợ Bà Chiểu, có sạp nói giá mỗi ký sữa tăng chiều cao chỉ 50.000 đồng. Giống nhau ở chỗ khi hỏi nhãn mác, nguồn gốc thì không ai trưng ra được giấy tờ nào để chứng minh.
Phóng to |
Khách hàng mua sữa bột được đổ vào bịch nilông và ghi bằng bút lông ngoài vỏ tại chợ Bà Chiểu, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Mượn cả giám đốc bệnh viện để quảng cáo!
Do không có nhãn mác, thành phần nên sữa ký bỗng chốc phù hợp với tất cả mọi lứa tuổi nếu người mua hỏi đến. Tại quầy hàng Bảy Nga (chợ Bà Chiểu), khi chúng tôi hỏi mua sữa tăng chiều cao cho trẻ 3, 4 tuổi, dù trên quầy hàng chỉ có hai loại sữa ký được ghi là “sữa béo, sữa canxi” nhưng người bán vẫn khẳng định “sữa béo là sữa tăng trưởng chiều cao”. Tại sạp Thanh Nga, sau khi chê bai chất lượng sữa ký ở các sạp khác là... “sữa cho heo ăn, sữa nuôi thú”, chủ sạp này cho biết trẻ 4-5 tháng tuổi cũng có thể uống được sữa ký và công thức pha chế là “một muỗng sữa ký với hai muỗng sữa Dielac”. Không những vậy, chủ sạp này còn khẳng định với trẻ 8 tháng thì có thể uống hoàn toàn bằng sữa ký (loại sữa sạp đang bán). Sữa ký sẽ giúp bé tăng cân nhanh lại giúp chiều cao phát triển. Để khẳng định loại sữa ký này phù hợp với trẻ, chủ sạp Thanh Nga còn nói nhỏ rằng các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 thường xuyên mua sữa của sạp để cho con uống. Thậm chí, “Tháng nào giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng lấy 2,5kg cho hai con trai uống”!
Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi thuật lại lời quảng cáo trên, TS.BS Hà Mạnh Tuấn, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cười lớn và nói: “Tôi lớn tuổi rồi, làm gì có con nhỏ mà... mua sữa bột cho uống, nói gì đến sữa ký. Nói tầm bậy tầm bạ quá”!
Trong quá trình tiếp xúc với các địa chỉ bán sữa ký, chúng tôi mới tá hỏa vì người bán muốn trộn gì vào sữa cũng được. Chẳng hạn khi chúng tôi thắc mắc: “Sao sữa này có giá 220.000 đồng/kg?”, chủ sạp Thanh Nga liền giải thích: “Hàng vàng vàng đó (chỉ những loại sữa ký tăng cân, tăng chiều cao, canxi... ở những hàng bên cạnh-PV) là hàng Chợ Lớn đã pha bột béo rồi. Sữa càng trắng càng tốt, vàng là đã pha bột béo rồi, không nên uống”. Trong khi đó cầm những sản phẩm mua được từ sạp Thanh Nga, chủ sạp chị Gái - anh Tâm lập tức có ý kiến: “Hàng nguyên chất là phải vàng vậy nè. Sữa trắng thế này là đã trộn thêm nhiều đường vào rồi nó mới trắng vậy.” Nhìn hai loại sữa mà chúng tôi mua theo lời quảng cáo của chủ sạp Thanh Nga, một dùng tăng chiều cao cho trẻ 4 tuổi và một là dùng tăng ký cho trẻ 4-5 tháng tuổi, chủ sạp chị Gái - anh Tâm lắc đầu: “Cả hai thứ đều được pha đầy đường. Như vậy là không nguyên chất nữa”.
Gây hại cho tim, thận...
Chúng tôi đã mua năm loại sữa ký gồm: sữa tăng cân, sữa tăng chiều cao, sữa dinh dưỡng... dành cho trẻ 5 tháng tuổi, trẻ 1 tuổi và trẻ 4 tuổi rồi mang đến phân tích tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm tại TP.HCM. Chúng tôi biết theo quy định, việc tự thân lấy mẫu kiểm nghiệm không có giá trị về mặt pháp lý, nhưng với nỗi niềm của một người mẹ muốn tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện sữa ký, để nếu tốt thật thì không sao, nhưng nếu không tốt thì cần phải cảnh báo cho những bà mẹ nghèo. Và kết quả kiểm nghiệm thật đáng lo ngại: ba mẫu sữa chúng tôi phân tích thành phần đường, aflatoxin... thì phát hiện thành phần đường cao đến hơn 62% và hai mẫu sữa tìm trans-fat thì cả hai đều dương tính với trans-fat. Giảng viên Trần Thị Thu Trà, bộ môn hóa thực phẩm, khoa hóa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết việc cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống sữa với thành phần cao như nói trên là không đúng khuyến nghị của Bộ Y tế. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, nếu thành phần đường cao như trên thì có thể uống sữa đó với điều kiện trẻ không ăn thêm nhiều bánh kẹo, gây mất cân đối. Đồng thời trẻ phải “cân, đo, đong, đếm” các loại thực phẩm khác để ăn đúng mức khuyến nghị. “Điều này rất khó đạt được, nên khi uống nhiều sữa ngọt sẽ sinh ra dư đường. Như vậy đường sẽ tích lũy lại trong cơ, gan, chuyển hóa thành mỡ với nguy cơ béo phì và sinh ra bệnh tiểu đường type 2. Trước mắt, việc uống sữa ngọt (nhiều đường) làm thận còn non yếu của trẻ sẽ mệt” - thạc sĩ Trần Thị Thu Trà phân tích thêm.
Chưa phát hiện!? Trong khi chúng tôi tìm hiểu chi tiết với đầy đủ bằng chứng về việc mua bán các loại sữa ký không rõ nguồn gốc thì ban quản lý các chợ lại không biết gì. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lưu Thị Kim Nhung, trưởng ban quản lý chợ Kim Biên, cho biết trong danh mục hàng hóa mà các tiểu thương đăng ký bán với ban quản lý chợ không có hộ nào kinh doanh sữa. Trong khi đó bà Trần Thị Nhiều, trưởng ban quản lý chợ Bà Chiểu, cũng khẳng định những sạp bán sữa ở chợ này đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. “Họ để sữa trong bao bóng trong suốt và ghi chữ bằng bút lông bên ngoài để làm mẫu chứ không phải là hàng không có nguồn gốc, nhãn mác. Chúng tôi kiểm tra định kỳ thì các sạp này đều đảm bảo giấy tờ, vệ sinh an toàn thực phẩm” - bà nói. Còn theo đại diện ban quản lý chợ Bình Tây, hiện trong chợ chỉ có 15 sạp kinh doanh sữa. “Chúng tôi kiểm tra thì không sạp nào bán các loại sữa không có nguồn gốc cả” - vị này cam kết. M.MẪN |
Trans-fat gây ra các bệnh tim mạch Theo thạc sĩ Trần Thị Thu Trà, trans-fat là một chất béo hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe. Chất béo dạng trans không tan trong nước nên không tan trong máu. Để có thể vận chuyển chất béo trong máu, cơ thể phải tạo nên các “chiến thuyền” gọi là các lipoprotein cholesterol chuyên dụng. Trong khi các chất béo có lợi cho cơ thể sẽ tạo nên những “chiến thuyền” nhỏ cỡ 10nm (nanomet), tỉ trọng cao (khoảng 1,13g/ml) được gọi là HDL dễ đào thải khỏi cơ thể thì các chất béo no và trans-fat có khuynh hướng tạo thành các “chiến thuyền” to khoảng 20nm và tỉ trọng nhỏ (1,04g/ml) được gọi là LDL (Low Density Lipoprotein Cholesterol) dễ kẹt lại trong mạch máu. Điều này gây giảm kích thước vận chuyển của đường ống dẫn, tạo ra bệnh xơ vữa động mạch. Khi ống bám bẩn thì bơm phải hoạt động mạnh hơn, tức là tim phải đập mạnh để truyền máu cho đủ nuôi cơ thể. Lâu quá, tim mệt và đình công thì... “gây đau tim” và nếu kẹt trầm trọng thì có thể gây vỡ đường ống. “Thế nên việc tiêu thụ trans-fat là một trong các nguyên nhân gây các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, giảm lưu lượng máu đi nuôi cơ thể, tắc nghẽn động mạch, tạo ra các cơn đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...” - thạc sĩ Trần Thị Thu Trà nhấn mạnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận