Các diễn giả cùng ghi nhận một lớp tác giả mới đang làm nên dòng văn chương thần tượng - Ảnh: L.Điền |
“Văn chương thần tượng” là cách gọi mới mẻ, trong ba vị khách mời diễn giả của chương trình gồm TS Quách Thu Nguyệt, nhà văn Minh Nhật và bạn đọc Thục Phương, bà Nguyệt cho biết bà thích cách gọi văn chương của người trẻ viết cho người trẻ hơn.
Một thế hệ viết mới
Các diễn giả đã tạm thống nhất với nhau về hai chiều tồn tại của văn chương thần tượng: có thể từ yêu thích tác phẩm dẫn đến thần tượng tác giả; và từ chỗ thần tượng tác giả khiến cho mọi thứ của “người ấy” đều được yêu thích kể cả tác phẩm họ viết ra.
Văn chương thần tượng của một loạt tên tuổi được đề cập tại chương trình này như Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương, Jun Phạm... có vẻ nghiêng về trường hợp thứ hai.
Ở trường hợp này, tên tuổi người viết được biết đến nhiều, nhanh chóng trở thành một dạng “bảo chứng” cho sự thành công của tác phẩm. Điển hình như trường hợp Anh Khang, “chỉ trong vòng 5 năm, cái tên Anh Khang đã đủ để xem như là tác giả của những cuốn sách bán chạy”, TS Quách Thu Nguyệt nhận định.
Bà Thu Nguyệt kể lại con đường trở thành thần tượng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ những năm 1980 khi khởi động tủ sách Áo Trắng tại TP.HCM, đến lúc Nguyễn Nhật Ánh in 23 tác phẩm thì tên tuổi mới được xem là tác giả sách best-seller.
TS Quách Thu Nguyệt cho rằng với văn chương thần tượng cũng cần xem xét "đường dài mới biết ngựa hay" - Ảnh: L.Điền |
Khoảng thời gian để Nguyễn Nhật Ánh trở thành thần tượng của bạn đọc dài hơn, cũng bởi bối cảnh xã hội ở hai thời kỳ khác nhau.
“Các bạn viết trẻ bây giờ có cơ hội xuất hiện trước công chúng nhiều hơn, gặp gỡ bạn đọc nhiều hơn, nên con đường “trở thành thần tượng” cũng có thể nhanh hơn”, TS Quách Thu Nguyệt nhận định.
Minh Nhật cũng đồng ý rằng việc PR bản thân (khai thác các mối quan hệ để giới thiệu mình trước công chúng) của một số nhà văn là con đường để tác phẩm của họ được nhiều người biết đến. “Như Hamlet Trương khi ra mắt tác phẩm đầu tiên cũng bình thường, nhưng khi kết hợp với Iris Cao làm các hoạt động PR thì nhiều người biết đến Hamlet Trương hơn và nhận ra: Hamlet Trương viết văn hay đấy chứ”, Minh Nhật ghi nhận.
Nhà văn Minh Nhật (giữa) cho rằng việc PR bản thân của một số nhà văn đã giúp tác phẩm của họ được nhiều người biết đến - Ảnh: L.Điền |
Điểm tích cực của hiện trạng này, theo bà Quách Thu Nguyệt, là chúng ta đang có một thế hệ người viết mới, các bạn này có ý thức làm mới mình qua tác phẩm, biết vị trí của mình ở đâu trong lòng bạn đọc. Chúng ta nên dành thiện cảm cho họ.
Đường dài mới biết ngựa hay
Có mặt tại chương trình Book Talk, nhà văn trẻ Nhật Phi (giải nhất Văn học tuổi 20 lần 5) chia sẻ rằng anh vẫn đọc dòng văn chương thần tượng, nhưng bản thân không thấy “đã” lắm.
Điểm chung của dòng văn chương thần tượng là những tác phẩm viết về tình yêu, về những cung bậc tình cảm, về sự thất bại trong yêu đương, đau khổ, vui buồn, những xáo trộn của đời sống tình cảm xảy ra xung quanh trong không gian sống gần gũi quen thuộc khiến cho bạn đọc luôn thấy như có sự hiện diện của mình trong đó.
Vừa là tác giả thuộc dòng văn học thần tượng, vừa làm công việc biên tập báo, nhà văn Minh Nhật cho rằng các tác giả trẻ thường chọn viết tản văn vì có thể chuyển tải những nội dung lãng đãng, những đề tài chung chung dễ gần với nhiều người. Anh tự nhận bắt đầu quá trình viết văn của mình “đơn giản là khi buồn thì viết buồn, khi vui viết vui, đến khi lớn lên, cuộc đời có những ngả rẽ thì viết về những ngả rẽ..., nói chung là viết thật về những gì gần gũi xung quanh mình”.
Dù vậy, nếu chỉ khai thác chừng ấy đề tài, dòng văn chương thần tượng ắt sẽ nhanh chóng “cụt vốn”. Bạn đọc Thục Phương cho rằng có những anh chị viết về tình yêu nhưng hời hợt, nếu nội dung văn chương chỉ là những nỗi buồn, rồi người đọc cũng lún sâu vào nỗi buồn đó thì cuộc sống không còn gì tươi đẹp nữa.
Nhìn xa hơn, TS Quách Thu Nguyệt cho rằng trong văn chương, cần xem xét ở khả năng theo đuổi đường xa, như cách nói “đường dài mới biết ngựa hay” trong dân gian.
“Viết về những nội dung được số đông chấp nhận là một chuyện, vấn đề còn là các đề tài, tầm tư tưởng trong văn chương và khả năng khai thác vốn liếng của mình, của cộng đồng như thế nào để gắn bó với sự nghiệp văn chương lâu dài”, bà Thu Nguyệt chia sẻ.
Cá nhân tôi hồi nhỏ từng thích các sách thuộc tủ Hoa Tím, mê chuyện tình, tình dang dở càng mê, mà tôi có hư hỏng gì đâu. Cho nên chúng ta đừng lo văn chương viết về nỗi buồn nhiều quá sẽ làm giới trẻ lạc lối. Vấn đề là văn hay mới được chấp nhận. |
TS Quách Thu Nguyệt |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận